Tất cả mọi người trong chúng ta ai cũng có trĩ, đây là cấu trúc bình thường nằm ở trong ống hậu môn, chức năng của nó như là tấm đệm giữ cho hậu môn đóng kín và đại tiện được dễ dàng. Chỉ khi nào trĩ phồng to dễ chảy máu lúc đó mới gọi bệnh trĩ.
Trĩ không chỉ là những mạch máu giãn phồng mà còn có nhiều sợi cơ và tổ chức liên kết giúp giữ chặt trĩ trong lòng ống hậu môn.
Các yếu tố làm tăng áp lực trong bụng sẽ góp phần gây xuất hiện bệnh trĩ, tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra trong thời gian rất dài. Táo bón, tiêu chảy nhiều lần, ho kéo dài do bệnh phổi mạn tính, những tháng cuối thai kỳ… là những nguyên nhân thường gặp nhất.
Các yếu tố thuận lợi làm xuất hiện bệnh như ngồi lâu một chỗ, ít vận động, khẩu phần ăn thiếu rau quả, uống không đủ nước, thói quen ngồi lâu trên bàn cầu để đọc sách báo. Các yếu tố trên cũng sẽ làm tăng áp lực mạch máu ở hậu môn trực tràng, lâu dần sẽ làm các búi trĩ nhỏ lớn lên và gây ra các triệu chứng.
Bệnh trĩ là một bệnh lành tính có thể tồn tại kéo dài với người bệnh, có những lúc bệnh diễn tiến nặng thêm và sau đó bệnh sẽ tự giảm dần dù không được điều trị, do đó có nhiều người bệnh cho biết mình bị bệnh trĩ trên chục năm. Nhiều người nghĩ rằng bệnh trĩ có thể biến chuyển thành bệnh ung thư hay mạch lươn, điều này thì hoàn toàn không đúng.
Các biểu hiện thường gặp ở bệnh trĩ
Do trĩ nằm trong ống hậu môn, nơi này không có thần kinh cảm giác chi phối nên thường người bệnh không có cảm giác đau trong giai đoạn đầu của bệnh. Người bệnh trĩ thường thấy chảy máu ở hậu môn sau khi đi cầu, máu đỏ tươi từng giọt có khi phun ra thành tia hoặc dính theo phân.
Khi búi trĩ lớn dần lên người bệnh có thể sờ thấy hoặc nhìn thấy những búi trĩ sa ra ngoài hậu môn như là những khối phồng màu tím mềm và không đau. Ban đầu khối phồng này chỉ xuất hiện khi rặn và tụt vào trong sau đó. Về sau người bệnh phải dùng tay đẩy vào mới được, giai đoạn cuối cùng là búi trĩ nằm trọn bên ngoài hậu môn mà không thể đẩy vào trong được nữa.
Trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp là khi trĩ nằm ngoài hậu môn hoàn toàn. Khi trĩ đã sa ra ngoài thì ít khi gây chảy máu lúc đi vệ sinh. Tuy nhiên, trĩ ngoại có thể bị cục máu đông làm căng phồng búi trĩ ở rìa hậu môn làm cho người bệnh rất đau. Khối phồng này có thể tồn tại 1 vài tuần rồi teo nhỏ đi và để lại các mảnh da và mô quanh hậu môn được gọi là da thừa. Da thừa hậu môn nếu lớn quá gây cảm giác khó chịu, khó vệ sinh và không được thẩm mỹ.
Bệnh trĩ gây nên những triệu chứng đau và chảy máu gần giống những bệnh khác ở hậu nôn như nứt, rách hậu môn, nhiễm trùng quanh hậu môn hay các bệnh lý ác tính, người bệnh cần đợc khám bởi bác sĩ chuyên khoa để được xác định chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị hữu hiệu.
Hiện tại, bên cạnh việc thăm khám trực tiếp còn có rất nhiều phương tiện cho phép chẩn đoán chính xác các nguyên nhân gây rối loạn ở hậu môn như nội soi trực tràng, siêu âm lòng hậu môn, MRI hay CT vùng sàn chậu.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh trĩ?
Chúng ta có thể ngăn ngừa bệnh trĩ bằng cách thay đổi lối sống một cách tích cực hơn, đây cũng là những phương pháp được khuyến cáo cho những người đang bệnh trĩ và cả những người đã được phẫu thuật bệnh trĩ.
- Ngoài những thức ăn như rau xanh, hoa quả và các loại đậu, thì uống nước đầy đủ là việc rất quan trọng mà nhiều người không nhớ đến. Uống nước nhiều sẽ giúp cho phân mềm hơn và dễ đi vệ sinh hơn. Trung bình một ngày người khỏe mạnh cần tối thiểu 2-2,5 lít nước, trong những ngày nóng nực hay công việc nặng nhọc mất nhiều mồ hôi thì lượng nước phải tăng thêm 3-4 lít/ ngày.
- Tập thể dục giúp kích thích tiêu hóa, thúc đẩy đường ruột hoạt động co thắt giúp đi vệ sinh dễ dàng. Tuy nhiên, nên tránh những bài tập làm tăng áp lực trong ổ bụng quá sức như tập tạ… có thể làm tĩnh mạch bị lớn thêm.
- Luyện tập cơ thắt hậu môn giúp các búi trĩ được giữ trong ống hậu môn mà không sa ra ngoài đồng thời cũng làm lưu thông máu tĩnh mạch quanh hậu môn trực tràng tốt hơn. Tập cho cơ hậu môn co thắt bằng cách nín và thót vùng hậu môn lại như khi nhịn đại tiện, ráng giữ nguyên tư thế này trong 5 giây. Mỗi lần tập khoảng 20-30 cái và mỗi ngày tập 2-3 lần.
- Giữ thói quen đi vệ sinh đều đặn hằng ngày, hoặc tối đa là 2 ngày 1 lần.
- Tránh ngồi hay đứng yên trong thời gian dài. Những người ngồi máy tính nhiều nên cứ mỗi giờ lại đứng dậy đi lại 5-10 phút.
Lựa chọn các phương pháp can thiệp bệnh trĩ
Khi trĩ nội từ mức độ 2 trở lên và người bệnh cảm thấy không chấp nhận với những triệu chứng của trĩ gây ra thì người bệnh phải đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn lựa chọn những phương pháp điều trị thích hợp.
Với những búi trĩ nội còn nhỏ có thể thực hiện can thiệp ngay tại phòng khám hay phòng nội soi bằng phương pháp như cột thắt búi trĩ bằng dây thun hay chích xơ búi trĩ.
Những búi trĩ lớn phải cắt trĩ theo phương pháp Longo, hay bằng máy đốt điện cao tần thì bắt buộc phải thực hiện trong phòng mổ để bệnh nhân được gây tê hay gây mê hoàn toàn ngăn ngừa được những phản xạ nguy hiểm do đau gây ra. Những trường hợp này thời gian lành bệnh thông thường từ 1 tuần đến 3 tuần tùy theo các phương pháp nào được áp dụng.
Cần nhớ rằng can thiệp điều trị bệnh trĩ không đúng phương pháp có thể để lại nhiều tai biến và biến chứng: như chảy máu, nhiễm trùng, hẹp hậu môn, đi cầu không kiểm soát…Vì vậy người bệnh cần tỉnh táo lựa chọn những nơi có chuyên khoa uy tín để điều trị, tuyệt đối tránh đắp hay thoa các loại thuốc nam để trĩ tự rụng đi hoặc cắt trĩ tại những cơ sở không có phương tiện vô cảm an toàn và có thể hồi sức tốt.
Các phương pháp chữa bệnh trĩ triệt để tại Bệnh viện Vạn Hạnh
• Thắt trĩ bằng dây thun: Đây là kỹ thuật điều trị trĩ nhỏ độ 1-2 rất hiệu quả, thực hiện trong khi nội soi trực tràng. Kỹ thuật được thực hiện nhanh, không cần gây tê vì không gây đau. Bệnh nhân có thể về liền sau khi thắt trĩ, có thể thắt nhiều búi trĩ 1 lần và cũng có thể làm nhiều lần. Ưu điểm của phương pháp là chi phí điều trị thấp.
• Cắt trĩ phương pháp Longo: Dùng máy cắt nối tự động, do đường cắt nằm trên ống hậu môn, nơi không có thần kinh cảm giác chi phối nên bệnh nhân có cảm giác đau rất ít, quá trình chăm sóc hậu phẫu dễ dàng và bệnh nhân lành bệnh cũng nhanh chóng trong vòng 7-10 ngày. Máy chỉ sử dụng được 1 lần nên giá thành cao.
• Cắt trĩ theo phương pháp kinh điển bằng máy đốt điện cao tần hoặc máy cắt siêu âm. Đây là những phương tiện rất hiệu quả được sử dụng cho tất cả mọi loại trĩ trĩ hỗn hợp, trĩ biến chứng huyết khối, da thừa hậu môn. Do phải cắt một phần da quanh hậu môn nơi có nhiều thần kinh cảm giác, làm cho bệnh nhân thấy đau khi đi vệ sinh. Thời gian lành bệnh lâu là do vết thương thường xuyên bị tác động mỗi khi đi vệ sinh.
Phân độ bệnh trĩ và cách xử trí
• Trĩ nội độ 1: Trĩ nằm trong hậu môn không sa ra ngoài.
Thay đổi lối sống, chỉ dùng thuốc khi có triệu chứng.
• Trĩ nội độ 2: Trĩ sa ra ngoài khi đi vệ sinh, tự thụt vào trong được.
Thay đổi lối sống, dùng thuốc, cột thun hoặc chích xơ búi trĩ hoặc cắt trĩ phương pháp Longo.
• Trĩ nội độ 3: Trĩ sa ra ngoài, phải dùng tay đẩy vào.
Cắt trĩ phương pháp Longo hoặc phương pháp kinh điển và thay đổi lối sống.
• Trĩ nội độ 4: Búi trĩ nằm ngoài hậu môn không vào trong được.
Phẫu thuật cắt trĩ và thay đổi lối sống.
• Trĩ sa huyết khối – da thừa hậu môn: Phẫu thuật cắt trĩ.
(theo Ths.Bs. Đỗ Minh Đại – Khoa Ngoại
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
———————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh