CHÓNG MẶT KHI NGỦ DẬY CẢNH BÁO VẤN ĐỀ GÌ?
Ngủ dậy bị chóng mặt không phải là một bệnh lý, mà là triệu chứng do các vấn đề sức khỏe như hạ đường huyết, thiếu máu, căng thẳng quá mức, kiệt sức,… gây nên. Với trường hợp này, bạn dễ cảm thấy choáng váng, mất thăng bằng khi vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ ngắn hoặc dài. Chóng mặt có thể đi kèm với ngất xỉu hoặc co giật. Tình trạng này dễ khiến người bệnh có nguy cơ bị té ngã và chấn thương.
Nếu bạn ngủ dậy và thấy chóng mặt vào buổi sáng thì có thể là do những vấn đề sau:
Mất nước
- Mất nước có thể khiến bạn thức dậy với cảm giác chóng mặt. Hiện tượng này là do khi cơ thể không uống đủ nước, mất điện giải do đổ mồ hôi quá nhiều ban đêm, sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy… thể tích máu sẽ giảm và huyết áp cũng giảm theo. Kết quả là máu không lưu thông tốt đến não và gây chóng mặt
- Tình trạng này đặc biệt dễ xuất hiện sau một đêm rượu bia hoặc caffeine trước khi đi ngủ. Muốn khắc phục, cách đơn giản là hãy uống đủ nước. Với người uống rượu bia thì hãy uống xen kẽ một ly rượu bia với một ly nước để ngăn mất nước.
Thuốc
Sử dụng một số loại thuốc trước khi đi ngủ có thể gây chóng mặt buổi sáng. Trong số đó có thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc huyết áp, thuốc dị ứng, thuốc tuyến tiền liệt và thuốc an thần,…
Cơ chế hoạt động của các loại thuốc này ảnh hưởng đến hệ thần kinh, huyết áp gây choáng váng khi thay đổi tư thế nên bạn dễ cảm thấy chóng mặt khi chuyển từ nằm sang ngồi.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết vào buổi sáng có thể gây chóng mặt. Đường glucose là nguyên liệu chính của cơ thể. Khi nồng độ đường glucose trong máu giảm, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động chậm lại, trong đó có cả não. Điều này khiến bạn thức dậy có cảm giác chóng mặt hoặc hơi choáng váng.
Các triệu chứng khác của hạ đường huyết gồm nhịp tim nhanh, mệt mỏi, da tái nhợt, run, lo lắng, đổ mồ hôi, đói, cáu gắt, ngứa ran hoặc tê ở môi, lưỡi, mặt. Cách khắc phục tụt đường huyết rất đơn giản, chỉ cần ăn một món gì đó ngọt hoặc uống trà đường, nước cam.
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho bạn bị chóng mặt sau khi ngủ dậy. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng khiến bạn ngừng thở vài giây mỗi lần suốt đêm. Việc ngưng thở trong lúc ngủ làm giảm lượng oxy trong máu, có thể khiến bạn chóng mặt.
Chứng ngưng thở khi ngủ cũng khiến bạn khó có được giấc ngủ chất lượng. Khi bị thiếu ngủ, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt. Nếu bạn thường xuyên chóng mặt vào buổi sáng và ngáy, hoặc nếu bạn cảm thấy kiệt sức sau một giấc ngủ ngon, nên thăm khám và thực hiện đo đa ký giấc ngủ để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ bởi tình trạng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.
Suy tim
Suy tim khiến tim không thể hoạt động bình thường và giảm khả năng bơm máu. Khi đó, huyết áp không thể ổn định dẫn tới hiện tượng chóng mặt buồn nôn khi ngủ dậy. Hơn nữa, người bị suy tim cần sử dụng rất nhiều loại thuốc. Đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây hoa mắt, chóng mặt.
Huyết áp thấp
Ngủ ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng có thể ảnh hưởng đến huyết áp của bạn vào buổi sáng. Khi bạn thức dậy, máu sẽ dồn đến chân và bụng, khiến huyết áp giảm.
Huyết áp thấp khiến lượng máu lên não không đủ, gây cảm giác choáng váng, ù tai khi đứng dậy. Người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người gầy yếu thường dễ bị huyết áp thấp và gặp tình trạng sáng ngủ dậy chóng mặt
Biện pháp ngăn ngừa, giảm chóng mặt khi ngủ dậy
- Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn cần nằm yên trên giường khoảng 5-10 phút trước khi ngồi dậy, để cơ thể thích nghi.
- Nếu chóng mặt, bạn có thể nằm nghỉ ngơi trên giường thêm vài phút để thuyên giảm, sau đó ngồi dậy.
- Uống 1-2 ngụm nước sau khi ngủ dậy.
- ít thở sâu, tập trung vào một điểm để ổn định thăng bằng. Ngồi dậy từ từ, tránh đứng dậy đột ngột. Có thể xuống giường và ngồi thêm 1-2 phút trước khi đứng lên.
- Tránh xem điện thoại, máy tính trước khi ngủ ít nhất 30 phút để não được thư giãn, không bị kích thích.
- Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, thư giãn trước khi ngủ giúp cơ thể dễ ngủ sâu hơn.
- Duy trì lối sống lành mạnh, tránh stress và căng thẳng thần kinh kéo dài.
- Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây chóng mặt. Nếu bạn gặp những vấn đề về sức khỏe dẫn đến việc ngủ dậy bị chóng mặt, bạn nên điều trị bệnh triệt để để không gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Lưu ý rằng nếu tình trạng chóng mặt khi thức dậy ít xảy ra hoặc mức độ nhẹ thì bạn có thể yên tâm. Mặt khác, nếu chóng mặt dữ dội và xảy ra thường xuyên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá tình hình.
Để nhận được tư vấn và thăm khám tại Bệnh Viện Đa khoa Vạn Hạnh, quý khách có thể nhanh chóng đặt hẹn qua hotline 028 3863 2553 hoặc truy cập vào website benhvienvanhanh.com để biết thêm thông tin chi tiết. Bệnh viện Vạn Hạnh luôn sẵn sàng phục vụ bạn với sứ mệnh mang lại sức khỏe và niềm vui cho người bệnh
Mọi thông tin vui lòng liên hệ
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website: benhvienvanhanh.com
👉 Fanpge: Bệnh Viện Đa Khoa Vạn Hạnh
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh
BẢN ĐỒ HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐẾN BỆNH VIỆN ĐA KHOA VẠN HẠNH