Thoái hóa khớp là một trong những bệnh lý cơ xương khớp phổ biến nhất, đặc biệt ở người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, ngày nay, do tác động của lối sống hiện đại, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Trong đó, thoái hóa khớp gối là dạng thường gặp nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
1. Khớp gối và vai trò trong vận động
Khớp gối là một trong những khớp lớn và phức tạp nhất trong cơ thể, chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động như đi bộ, chạy nhảy, leo cầu thang…
Cấu tạo bởi xương đùi, xương chày, xương mác và xương bánh chè, khớp gối còn bao gồm sụn, gân, dây chằng và bao hoạt dịch – tất cả phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo vận động trơn tru.
2. Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng lớp sụn bao phủ đầu xương bị bào mòn theo thời gian, dẫn đến xương cọ xát trực tiếp, gây đau, sưng viêm, hạn chế cử động.
Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng nặng như mất chức năng vận động, biến dạng khớp, thậm chí là mất khả năng vận động.
3. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp?
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây thoái hóa tại khớp gối, trong đó bao gồm:
- Tuổi tác: Nguy cơ thoái hóa tăng dần theo tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Trên thế giới, có khoảng 88% người mắc thoái hóa khớp ở độ tuổi từ 45 trở lên. Trong đó người từ 60 tuổi trở lên, tỷ lệ mắc thoái hóa khớp gối có triệu chứng khoảng 10% ở Nam và 13% ở Nữ.
Riêng tại Việt Nam, theo thống kê có khoảng 85% người >80 tuổi mắc thoái hóa khớp, 60% người >65 tuổi và người >35 tuổi tỷ lệ mắc thoái hóa khớp khoảng 30%.
- Giới tính: Phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới, đặc biệt sau tuổi mãn kinh.
- Thừa cân – béo phì: Làm tăng áp lực lên khớp, đặc biệt là khớp gối, dẫn đến nguy cơ thoái hóa cao hơn.
- Chấn thương khớp gối cũ: Các tổn thương không được điều trị triệt để căn nguyên là nguy cơ tiềm ẩn gây thoái hóa.
- Tính chất công việc: Ngồi xổm, quỳ gối, mang vác nặng thường xuyên…
- Di truyền hoặc bất thường cấu trúc khớp gối.
- Một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, rối loạn chuyển hóa (thừa sắt, dư hormone tăng trưởng)…
Xem thêm: Ứng dụng liệu pháp Tế Bào Gốc trong điều trị thoái hóa khớp
4. Triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối diễn tiến âm thầm qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Không triệu chứng rõ rệt, sụn mới bắt đầu tổn thương nhẹ.
- Giai đoạn 2: Đau khi vận động nhiều, cứng khớp sau nghỉ lâu.
- Giai đoạn 3: Đau thường xuyên hơn, khớp phát ra tiếng kêu khi cử động, có thể sưng.
- Giai đoạn 4: Đau dữ dội, hạn chế nghiêm trọng khả năng đi lại, có thể biến dạng khớp.
5. Điều gì sẽ xảy ra nếu không điều trị thoái hóa khớp gối kịp thời?
Nếu không kiểm soát tốt, thoái hóa ở khớp gối có thể dẫn đến những biến chứng sau:
- Đau khớp mạn tính, hạn chế vận động
- Teo cơ, mất ổn định khớp, nguy cơ đứt gân, dây chằng
- Chèn ép dây thần kinh, gây tê, ngứa ran
- Tăng nguy cơ té ngã, gãy xương ở người lớn tuổi
- U nang Baker sau khớp gối
- Tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, béo phì
- Biến chứng toàn thân do ít vận động kéo dài
Xem thêm: Chụp MRI có chẩn đoán được thoái hóa khớp?
6. Chẩn đoán thoái hóa ở khớp gối
Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, chẩn đoán thoái hóa khớp được thực hiện theo quy trình bài bản và khoa học, nhằm xác định chính xác mức độ tổn thương khớp và loại trừ các bệnh lý khớp khác có biểu hiện tương tự. Quy trình này bao gồm:
Khám lâm sàng và khai thác triệu chứng
Bác sĩ chuyên khoa xương khớp sẽ tiến hành:
- Đánh giá các dấu hiệu lâm sàng: đau khi vận động, sưng khớp, tiếng lạo xạo khi cử động, giảm tầm vận động.
- Khai thác diễn tiến triệu chứng: đau tăng khi vận động, cứng khớp sau nghỉ ngơi, thời gian bị bệnh.
- Ghi nhận yếu tố nguy cơ: tiền sử chấn thương, thừa cân, tính chất nghề nghiệp, tiền sử gia đình…
Chẩn đoán hình ảnh
1. Chụp X-quang
- Là xét nghiệm đầu tay giúp đánh giá mức độ thoái hóa: hẹp khe khớp, gai xương, đặc xương dưới sụn, biến dạng khớp.
- Hữu ích trong phân loại giai đoạn bệnh và theo dõi tiến triển qua thời gian.
2. Chụp Cộng hưởng từ (Chụp MRI) khớp gối
- Được chỉ định khi X-quang chưa cho kết quả rõ ràng hoặc khi nghi ngờ tổn thương các cấu trúc phần mềm.
- MRI cho phép đánh giá chi tiết:
- Tình trạng sụn khớp (độ dày, rách, bong sụn)
- Dây chằng (chéo trước, chéo sau, bên trong, bên ngoài)
- Sụn chêm
- Bao hoạt dịch, màng hoạt dịch, các ổ dịch bất thường (như nang Baker)
Thông qua các bước này, bác sĩ sẽ xác định được mức độ tổn thương thực thể tại khớp gối và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
Xem thêm: Quy trình chụp MRI trong chẩn đoán bệnh xương – khớp
7. Phương pháp điều trị thoái hóa khớp
Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, điều trị thoái hóa ở khớp gối được cá thể hóa theo từng giai đoạn bệnh:
Điều trị bảo tồn
- Giảm cân, duy trì BMI < 23
- Tập luyện thể dục phù hợp (yoga, bơi, đạp xe chậm…)
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng khớp
- Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid
- Tiêm corticosteroid nội khớp hoặc acid hyaluronic (HA) giúp bôi trơn, giảm viêm
Điều trị hỗ trợ
- Chế độ ăn uống khoa học: giàu omega-3, rau xanh, trái cây, giảm đường, chất béo bão hòa
- Bổ sung thực phẩm chức năng: glucosamine, chondroitin, collagen type II…
- Châm cứu, xoa bóp, chườm lạnh/nóng
Can thiệp phẫu thuật (khi điều trị ngoại khoa không hiệu quả)
- Nội soi khớp gối: làm sạch, loại bỏ mảnh sụn vỡ
- Cắt xương chỉnh trục
- Thay khớp gối nhân tạo toàn phần hoặc bán phần
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh – Đồng hành cùng sức khỏe mọi người
Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị chuyên sâu các bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp.
Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và quy trình điều trị cá nhân hóa, việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp đã trở thành thường quy.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cam kết mang lại hiệu quả tối ưu và chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh!
Xem thêm: Thông tin gói khám tổng quát sức khỏe – phát hiện thoái hóa khớp
———————————————————————
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM
Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554
Website: benhvienvanhanh.vn
Email: benhvienvanhanh@gmail.com