Bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên vận động như thế nào?
Thông thường, bệnh nhân sẽ có tâm lý ít vận động khớp để khớp bớt “mòn”, bớt đau. Đây là quan điểm sai lầm. Việc lười vận động sẽ không tạo ra kích thích cơ học lên khớp, nên làm cho thoái hóa sụn nhanh hơn do làm mềm và mỏng sụn khớp, cơ học khớp bị suy yếu và kém linh hoạt. Hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối: Bên cạnh những cải thiện về chức năng khớp, vận động còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, biến cố tim mạch, té ngã, tàn tật và cải thiện tâm lý và giúp người bệnh hòa nhập cuộc sống.
Các thói quen tập thể dục nên được điều chỉnh theo nhu cầu, khả năng chịu đựng và sở thích của từng bệnh nhân. Người bệnh nên tránh các hoạt động cường độ cao và cần tuân thủ lâu dài để tăng hiệu quả. Các bài tập vận động nên được thực hiện ít nhất ba ngày trong một tuần và để đánh giá đáp ứng của cơ thể, bệnh nhân nên hoàn thành ít nhất 12 buổi tập luyện.
Các bài tập vận động nên được thực hiện trong điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc
Hoạt động thể chất được khuyến khích là các bài tập aerobic, đi bộ, tập khí công, yoga, bơi… Các bài tập này giúp tăng cường cơ bắp và thể lực chung đều được khuyến nghị cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Các bài tập tăng cường sức cơ vùng đùi, có thể làm giảm tải cho khớp gối. Các bài tập dưới nước có tác dụng ngắn hạn trong việc giảm đau cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng và khớp gối. Trái với suy nghĩ phổ biến cho rằng việc chạy bộ trên đường trường sẽ gây hại cho khớp gối, trên thực tế chạy bộ thường xuyên ở mức độ vừa phải vẫn có thể an toàn cho bệnh nhân thoái hoá khớp, trong khi những người chạy chuyên nghiệp có thể tăng nguy cơ viêm xương khớp.