Ông Phạm V. A. 65 tuổi, khoảng 1 tháng nay ho húng hắng, khạc đàm nhày trắng, nhất là hay mệt và cảm giác ngộp thở khi gắng sức. Ông đi khám bệnh, được chẩn đoán là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Ông được bác sĩ giải thích rõ ràng về bệnh, hướng dẫn cách sử dụng thuốc, tập luyện và phải cai thuốc lá.
Chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh phổi thường gặp, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Hút thuốc lá trong thời gian lâu dài là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp này. Người hút thuốc lá có nguy cơ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gấp 10 lần so với người không hút thuốc lá.
Những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh hiếm gặp ở nữ giới vào những thập niên 90 nhưng hiện nay rất phổ biến do phụ nữ hút thuốc lá nhiều hơn và phổi của phụ nữ rất nhạy cảm với thuốc lá.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
Bệnh là tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí thở ra, không hồi phục hoàn toàn. Hiện tượng tắc nghẽn này thường tiến triển chậm, tăng dần, liên quan đến viêm phổi do tác động của ô nhiễm khí thở. Tuy nhiên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh có thể phòng ngừa được.
Khi hít vào, không khí đi vào qua khí quản, theo các đường dẫn khí (phế quản) rồi đến các túi đựng khí (phế nang) ở sâu trong phổi. Các túi khí rất co giãn và phồng ra dễ dàng giống như thổi bong bóng. Cơ hoành di động xuống, các xương sườn nâng lên làm lồng ngực căng phồng ra và hút không khí vào phổi. Oxy từ không khí vào các mạch máu, máu sẽ đưa oxy đến khắp mọi nơi trong cơ thể.
Khi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, vách của các đường dẫn khí phù nề, tăng tiết nhày, cơ bao quanh đường dẫn khí co thắt làm đường dẫn khí bị hẹp lại, không khí khó đi vào phổi, các phế nang bị phá hủy làm tăng tình trạng ứ khí và giảm khả năng trao đổi khí ở phổi. Các đường dẫn khí dễ bị nhiễm trùng vì người bệnh khó khạc ra hết được các chất nhày. Hậu quả là người bệnh luôn trong tình trạng thiếu oxy, càng nhiều khi tăng vận động.
2. Triệu chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Ho, khạc đàm nhày, khó thở, nặng ngực là triệu chứng thường gặp.
- Ho xuất hiện nhiều năm trước khi tắc nghẽn được phát hiện, người bệnh thường không lưu ý vì nghĩ ho do thuốc lá, ho về sáng khi thức dậy, có đàm, ho nặng về mùa lạnh và trong các đợt nhiễm trùng hô hấp.
- Ho sẽ tăng dần theo thời gian, liên tục trong ngày, ít khi chỉ ho về đêm.
- Khi người bệnh đã có ho, khó thở, khạc đàm nhày thì bệnh đã nặng rồi.
- Đa số người bệnh có triệu chứng vào lứa tuổi 50-70.
- Lúc đầu khạc đàm dịch nhày, lượng ít, đàm đục có trong các đợt cấp, về sau khạc đàm thường xuyên hơn.
- Khó thở xuất hiện âm thầm và nặng dần theo thời gian, người bệnh có cảm giác thiếu không khí, thở nặng, phải cố gắng để hít thở.
- Khó thở tăng lên khi gắng sức và sau mỗi đợt nhiễm trùng đường hô hấp.
Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đôi lúc cũng giống như hen. Do đó, khi có ho kéo dài hoặc khó thở phải nhanh chóng đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để chẩn đoán xác định và điều trị hiệu quả.
3. Thay đổi lối sống giúp người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khỏe hơn
Ngoài việc điều trị bằng thuốc do bác sĩ chỉ định, thay đổi lối sống rất quan trọng và góp phần lớn vào kết quả điều trị.
Do bản chất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tắc nghẽn đường thở nên việc điều trị chủ yếu là cai thuốc lá, cách duy nhất để sống tốt hơn và là việc khó khăn nhất đối với người nghiện thuốc lá.
- Che miệng và mũi khi đi ra đường và lúc thay đổi thời tiết, tránh xa những chất dể gây dị ứng, không làm các công việc nặng. Tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm, rửa tay thường xuyên để tránh phát tán vi trùng, chích ngừa cúm hằng năm, khi có dấu hiệu cảm cúm phải điều trị càng sớm càng tốt.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khiến cho phổi và tim phải làm việc nhiều hơn, do đó, cần kiểm soát trọng lượng cơ thể để giảm tải cho tim phổi. Tập luyện (đi bộ, tập thở …) cho phù hợp với từng người bệnh để giảm các triệu chứng, tăng khả năng hoạt động thể lực và có thể làm các công việc hằng ngày tốt hơn.
- Bên cạnh chế độ tập luyện, nếu không có chế độ dinh dưỡng tốt thì cũng không thể duy trì sức khỏe tốt được, quá cân hay suy dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến mức độ tàn tật và tương lai của bệnh. Người bệnh có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiêu tốn năng lượng cho quá trình hô hấp gấp 5- 10 lần người bình thường.
- Có nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như: khó thở, mệt gây cản trở việc ăn uống, hấp thu thức ăn kém, tình trạng lo lắng về bệnh tật hoặc do tác dụng phụ của các thuốc điều trị. Hậu quả của suy dinh dưỡng sẽ dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm khuẩn và dẫn đến các đợt cấp của bệnh, làm bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn.
- Ăn những thức ăn có chứa đạm như sữa, cá, trứng, thịt và đậu nành. Nên sử dụng các chất béo từ cá, dầu thực vật, hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ thịt.
- Tránh ăn những thức ăn sinh hơi : cải muối, thức uống có gas.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, không chỉ tăng cường các yếu tố dinh dưỡng mà còn góp phần giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterole, hạn chế táo bón.
- Không nên ăn quá no vì dạ dày căng sẽ khiến khó thở hơn. Không nên uống nước trước và trong bữa ăn.
- Cần sống trong môi trường sạch, ít khí độc, khói độc hại, cần có bảo hộ lao động tốt cho những người làm việc trong môi trường có hóa chất, bụi.
Tại Việt Nam có khoảng 50% nam và 3,4% nữ giới hút thuốc lá, tỉ lệ cao nhất Châu Á. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì 10% dân số Việt Nam sẽ chết sớm do hút thuốc lá. Năm 2007, Việt Nam có 40.000 người tử vong vì hút thuốc lá, có 13.000 người chết vì tai nạn giao thông. Những hậu quả của hút thuốc chưa xuất hiện ngay khi mới hút nhưng khi bỏ thuốc thì lợi ích của việc bỏ thuốc phần lớn có hiệu quả ngay đối với cơ thể.
Trong một điếu thuốc, có khoảng 1 đến 3mg chất nicotin, đây là chất gây nghiện và rất độc, có khoảng 20 ml khí CO, chất này ngăn cản sự vận oxy trong máu. Như vậy ở người đã bệnh hô hấp thì khói thuốc sẽ làm cho tình trạng bệnh hô hấp trầm trọng hơn. Ngoài ra, còn một số các chất khác gây viêm phế quản mạn, rối loạn thông khí và nguy hiểm nhất là các chất gây ung thư.
Nicotin được xử dụng ở liều thấp tạo ra sự sảng khoái, nhẹ nhàng, làm dịu cơn đói và bớt mệt mỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu càng hút nhiều, cơ thể sẽ bị kích thích tiết các chất nội tiết tố liên tục cho đến khi các chất này cạn kiệt, cảm giác mệt mỏi hơn, không tập trung, cáu gắt và suy sụp tinh thần.
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh