Hẹp mạch vành là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên hiện nay các ca mắc bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, người gầy cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Vì vậy hiểu rõ về bệnh giúp phát hiện kịp thời cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Cơ chế hẹp mạch vành
Các mảng xơ vữa trong lòng mạch vành là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý mạch vành.
Trong cơ thể người, mảng xơ vữa – sự kết hợp của cholesterol, chất béo và các chất khác dính vào thành các mạch máu, nó tích tụ theo thời gian, làm cho các động mạch trở nên cứng và hẹp hơn, gọi là xơ vữa động mạch.
Sự không ổn định của mảng xơ vữa gây nên các cơn đau ngực, gây hẹp lòng mạch, làm giảm lưu lượng máu qua vị trí hẹp, dẫn đến thiếu oxy cơ tim và chất dinh dưỡng.
Trường hợp nặng hơn, mảng xơ vữa không ổn định gây nứt hoặc vỡ gây tắc lòng mạch dẫn đến khó thở và đau ngực cấp tính hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp.
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố nguy cơ khác gây bệnh mạch vành bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu.
Các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, lười vận động, căng thẳng, chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, thức quá khuya, uống nhiều rượu, tuổi cao cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành bệnh động mạch vành.
Hẹp mạch vành có nguy hiểm không
Lòng mạch vành bị tắc, hẹp do mảng xơ vữa sẽ gây cản trở dòng máu đến nuôi tim, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng và hoạt động của tim.
Căn bệnh này rất nguy hiểm bởi nó là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim,…Khi động mạch vành bị tắc hẹp, các tế bào cơ tim sẽ bị hoại tử dần, nguy cơ tử vong cao nếu không cấp cứu kịp thời.
Hẹp mạch vành có các dấu hiệu như thế nào
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của bệnh mạch vành. Cơn đau ngực có cảm giác đè nén, bị bóp chặt, bỏng rát khó chịu. Cơn đau ngực có thể lan ra hai bên cánh tay, cổ, vai, hàm.
Một số trường hợp thiếu máu cơ tim thầm lặng các triệu chứng đau ngực không xuất hiện rõ ràng được gọi là. Một số triệu chứng khác có thể cảnh báo bệnh mạch vành như khó thở, đầy bụng, mệt mỏi, khó tiêu,..
Chẩn đoán và điều trị bệnh hẹp mạch vành
Chẩn đoán
Thông qua quá trình khám sức khỏe tổng quát và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có bị hẹp mạch vành hay không.
Một số xét nghiệm sẽ được thực hiện nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân, cũng như mức độ tắc hẹp để có phương pháp điều trị phù hợp:
- Xét nghiệm máu: kiểm tra nồng độ các thành phần trong máu có ảnh hưởng đến mạch vành như cholesterol, triglyceride, protein,…
- Điện tâm đồ (EKG/ECG): ghi lại hoạt động điện của tim, giúp phát hiện các cơn nhồi máu cơ tim cũ hoặc hiện tại, tình trạng thiếu máu cục bộ cũng như các vấn đề về nhịp tim.
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của tim để đánh giá cấu trúc và chức năng của tim.
- Chụp cắt lớp vi tính mạch vành (MSCT): để xem hình ảnh 3D của tim, phát hiện tắc nghẽn trong mạch vành.
- Thông tim và chụp mạch vành: Bác sĩ luồn ống thông vào động mạch vành sau đó bơm thuốc cản quang vào sau đó dùng tia X để chụp động mạch vành để như xác định mức độ hẹp.
- ECG gắng sức: xem tim phản ứng như thế nào khi nó hoạt động rất mạnh từ đó có thể phát hiện cơn đau thắt ngực và tắc nghẽn trong động mạch vành.
Điều trị
Các phương pháp điều trị thường được sử dụng trong điều trị hẹp mạch vành hiện nay bao gồm:
Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
Đây là lựa chọn đầu tiên với các trường hợp hẹp mạch vành. Thuốc được dùng để giảm nhẹ các triệu chứng và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như giúp hạ mỡ máu, giảm sự tích tụ mảng xơ vữa trong lòng động mạch, ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, cải thiện lưu lượng máu đến tim,… Một số thuốc thường được sử dụng như: thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, …
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
Nong mạch vành, đặt stent: Đối với trường hợp mạch vành bị tắc hẹp trên 70% hoặc người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực không ổn định, ngay cả trong lúc nghỉ ngơi, bác sĩ sẽ chỉ định nong và đặt stent mạch vành. Stent mạch vành đóng vai trò như là một giá đỡ giúp lòng mạch luôn được mở rộng và phục hồi giúp tái lưu thông động mạch bị tắc hẹp, phục hồi lưu lượng máu tới tim áp dụng với trường hợp người bị hẹp mạch vành nặng (trên 70%) điều trị thuốc không hiệu quả hoặc xử trí cấp cứu nhồi máu cơ tim.
Mổ bắc cầu động mạch vành: Thực hiện trong trường hợp người bị tắc hẹp nặng ở một đoạn dài hoặc nhiều động mạch, đoạn tắc hẹp ở vị trí hiểm hóc không phù hợp đặt stent mạch vành. Sau phẫu thuật, ác tế bào được tưới máu đầy đủ người bệnh không còn hoặc giảm các triệu chứng đau tức ngực do hẹp mạch vành
Phòng ngừa hẹp mạch vành
Để phòng ngừa hẹp mạch vành bạn nên duy trì cân nặng ở mức hợp lý thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, tránh căng thẳng mệt mỏi tạo áp lực cho bản thân. Bên cạnh đó nên đảm bảo ăn các thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng và có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của mảng xơ vữa. Những thực phẩm người bị hẹp mạch vành nên ăn như:
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: trái cây tươi, rau củ màu rau củ màu đậm, các loại ngũ cốc, dầu lạc, dầu hướng dương, các loại quả hạch và các loại cá béo giàu omega-3.
- Các thực phẩm chứa nhiều salicylate giúp tăng lưu thông máu như gia vị (gừng, nghệ, tỏi, cam thảo, hành tây, quế, …), trái cây (nho, dâu tây, việt quất, …)…
- Các loại thực phẩm hỗ trợ giảm Cholesterol: ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen, gạo lức, rau xanh có độ nhớt cao (rau đay, mồng tơi, …), đậu hà lan, đậu đỏ, cam, ổi, táo, lê và đu đủ, …
Tránh ăn và nên thay thế các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol xấu như mỡ, nội tạng động vật bằng cá, thịt gia cầm. Nên ăn nhiều rau củ quả.
Dưới độ tuổi 50, mạch vành vẫn diễn tiến hẹp nhẹ từ 1 – 50%, nên người bệnh thường không cảm thấy hoặc ít đau ngực. Khi trên 50 tuổi, mạch vành hẹp nặng hơn 50 – 60% và tắc 100%. Do đó, tuổi càng lớn, để phòng ngừa nguy cơ hẹp mạch vành càng nên tầm soát hẹp mạch vành.
(Tư vấn chuyên môn bài viết Ths.Bs. Thái Thị Mai Yến – Trưởng khoa Nội
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
———————————————————————————————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh