Mỡ máu hay còn gọi là lipid máu, là thành phần quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, khi chỉ số lipid trong máu quá cao sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch, nguy hiểm nhất là gây nên đột quỵ. Vì vậy nắm được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp hạn chế được các nguy cơ cũng như phòng ngừa tăng mỡ máu.
Mỡ máu cao gây tắc nghẽn mạch máu
Nguyên nhân gây mỡ máu cao
Mỡ máu cao là tình trạng gia tăng cholesterol xấu (LDL) hay chất béo trung tính (triglycerides) trong máu. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe tim mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Một số nguyên nhân dẫn đến mỡ máu cao gồm:
Yếu tố gia đình
- Tăng mỡ máu gia đình do đột biến gen từ cha mẹ gây tình trạng mỡ máu cao.
- Tiền sử gia đình có người mắc tình trạng liên quan đến cholesterol, hoặc mắc bệnh mạch vành, đột quỵ.
Yếu tố sinh hoạt và lối sống
- Chế độ ăn uống không lành mạnh nhiều thực phẩm chứa các chất béo bão hòa như: phô mai, bơ, sữa, thịt béo,…và chất béo chuyển hóa như: thực phẩm chiên, rán, một số loại bơ thực vật,…
- Lười tập luyện thể thao, ít vận động
- Thừa cân, béo phì
- Sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có cồn
- Một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc lợi tiểu
Yếu tố sức khỏe
Khi mắc một số bệnh lý sau, bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc mỡ máu cao: bệnh thận, bệnh gan, suy giáp, đa u tủy, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng Cushing, xơ gan mật tiên phát, bệnh thận mãn tính, bệnh tiểu đường, chứng ngưng thở lúc ngủ.
Mỡ máu cao có biểu hiện gì
Tình trạng mỡ máu cao thường không có triệu chứng cụ thể, rõ ràng. Điều này chỉ được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu định kỳ hoặc cho đến khi người bệnh gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
Trong một số ít trường hợp, ở những người mắc mỡ máu rất cao sẽ có các triệu chứng sau đây:
- Xuất hiện các khối u hoặc nếp nhăn phát ban màu vàng ở bên dưới lớp da, cảm thấy ngứa ngáy (hình thành do sự tích tụ chất béo xung quanh gân và khớp).
- Buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mập thì, thở ngắn, thường xuyên mệt mỏi
- Nổi các cục vàng ở góc trong của mắt.
Chẩn đoán và điều trị mỡ máu cao
Bác sĩ sẽ kiểm tra cholesterol của bạn thông qua xét nghiệm máu để đo tổng lượng cholesterol (cả LDL và HDL) và các chất béo khác (triglyceride).
Trước khi làm xét nghiệm này, bạn cần tránh ăn và uống các chất lỏng không phải nước trong ít nhất 8 đến 12 giờ.
Thông qua kết quả kiểm tra bệnh nhân sẽ được tư vấn cách điều trị phù hợp cho tình trạng của mình
Mức cholesterol toàn phần dưới 200 (mg / dL) được coi là mức tiêu chuẩn đối với người lớn. Nếu nồng độ cholesterol toàn phần nằm trong khoảng từ 200 – 239mg/dL được coi là “cao ở mức giới hạn” và được coi là “cao” nếu trên 240 mg/dL.
Nồng độ Cholesterol LDL nằm trong khoảng từ 130 – 159 mg/dL được coi là “cao ở mức giới hạn” và trên 160 mg/dL là “cao”. Cholesterol HDL “kém” nếu dưới 40 mg/dL.
Điều trị rối loạn lipid có thể phụ thuộc vào mức cholesterol, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tiềm ẩn đang có.
Nếu được chẩn đoán mỡ máu cao bác sĩ có thể khuyên người bệnh thay đổi lối sống để ngăn ngừa bệnh tiến triển. Nếu sau một vài tháng, mức mỡ máu không giảm, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc để giảm cholesterol.
Thay đổi lối sống
- Giảm hoặc cắt bỏ chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn uống lành mạnh và theo một chế độ ăn kiêng với nhiều dầu cá, gạo lứt, trái cây và rau quả
- Tập thể dục giảm cân và duy trì cân nặng
- Bỏ thuốc lá, giảm rượu, bia
Sử dụng thuốc
Nếu các phương pháp trên không đủ để cân bằng mức cholesterol, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc. Một số thuốc thường được sử dụng để kiểm soát mức cholesterol bao gồm:
- Statin: ức chế hoạt động của các enzyme gan (HMG-CoA), có nhiệm vụ sản xuất ra cholesterol, giúp điều trị rối loạn mỡ máu và giảm mỡ máu.
- Thuốc ức chế hấp thụ cholesterol: Ezetimibe làm giảm lượng cholesterol của cơ thể bằng cách giảm hấp thu cholesterol ở ruột. Thường được kết hợp với satin để tăng hiệu quả điều trị
- Chất cô lập axit mật: Giảm lượng chất béo hấp thụ từ ruột non.
- Nhóm thuốc Fibrates: Ức chế sinh tổng hợp cholesterol ở gan, sản sinh cholesterol tốt, giảm lượng triglycerid trong máu.
- Axit béo omega-3: giảm mức chất béo trung tính và LDL. Có trong các loại cá béo như cá hồi, dầu thực vật như dầu hạt cải và dầu ô liu .
Các biến chứng nguy hiểm từ bệnh mỡ máu cao
Mỡ máu cao mặc dù không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, tuy nhiên những biến chứng của nó rất nguy hiểm. Vì dễ dẫn đến hẹp động mạch, máu đi qua khó khăn hơn và làm giảm lượng máu tới các mô cơ thể bao gồm cả tim.
Tăng mỡ máu nếu không được điều trị có thể gây tích tụ các mảng bám bên trong mạch máu
Những biến chứng nguy hiểm từ bệnh mỡ máu cao có thể như:
- Tăng huyết áp
- Nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
- Đột quỵ.
- Nhồi máu cơ tim
- Tai biến mạch máu não.
- Tiểu đường.
- Bệnh gan.
- Sa sút trí tuệ…
Làm thế nào để phòng tránh mắc mỡ máu cao
Một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mỡ máu cao, một số thói quen được các bác sĩ khuyến khích người bệnh thực hiện gồm:
- Thay mỡ động vật bằng dầu thực vật.
- Chỉ nên ăn các loại thịt, cá khoảng 150 – 200g/ngày, không ăn quá 3 quả trứng/tuần và nên ăn cách ngày.
- Không ăn thức ăn có nhiều chất béo như thịt mỡ, nội tạng động vật, da của các loại gia cầm, thay bằng đạm thực vật như đậu tương.
- Hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá
- Ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây như cam, bưởi, táo, nho,…
- Tập luyện thể dục thể thao với các bài tập đi bộ nhanh, chạy, đạp xe,…
- Khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra các chỉ số mỡ máu và được điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc khi chưa nhận được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm: Cách giảm mỡ máu cao và phòng ngừa tai biến
(theo Ths.Bs. Thái Thị Mai Yến
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh