Hạ đường huyết là tình trạng mức đường trong máu giảm xuống thấp dưới mức bình thường của cơ thể, hạ đường huyết thường liên quan đến bệnh tiểu đường, bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc điều trị, do thiếu hormone hoặc có khối u trong cơ thể. Hiểu rõ về tình trạng này sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết hay tụt đường huyết là tình trạng lượng đường glucose trong máu ở ngưỡng thấp hơn so với bình thường là 70 mg/dL (3.9 mmol/l) khiến cơ bắp và tế bào não không được cung cấp đủ năng lượng. Người bình thường có chỉ số đường huyết trong khoảng 3,9 mmol/l đến 6.4 mmol/l.
Hạ đường huyết thường xuyên có phải biểu hiện của tiểu đường không?
Hạ đường huyết là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tiêm insulin hoặc uống thuốc đặc trị, nhất là bệnh nhân tiểu đường nặng nhưng không kiểm soát tốt đường huyết. Bệnh nhân tiểu đường cũng có thể bị tụt đường huyết do chế độ ăn uống, hoạt động thể lực quá mức hoặc sử dụng rượu, bia, các chất kích thích.
Người bệnh tiểu đường khi hạ đường huyết sẽ có các triệu chứng bao gồm:
- Triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi đột ngột, đau đầu, chóng mặt, thở hụt hơi, xâm xoàng.
- Triệu chứng thần kinh: Vã mồ hôi, run tay, hồi hộp trống ngực, da xanh, cảm giác lạnh, tăng tiết nước bọt, rối loạn vận động.
- Triệu chứng tim mạch: Tăng huyết áp tâm thu, nhịp nhanh trên thất hoặc nhịp nhanh thất, đau ngực (ít gặp hơn).
- Triệu chứng tiêu hóa: Cảm giác đói, buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị.
- Triệu chứng tâm thần: Xảy ra khi hạ đường huyết nặng, kích động, rối loạn nhân cách, nói cười vô cớ, ảo giác, ảo khứu.
- Hôn mê hạ đường huyết: Đây là biến chứng nặng nề nhất của hạ đường huyết. Triệu chứng này có thể xuất hiện sau các triệu chứng trên nhưng đôi khi có thể biểu hiện ngay lập tức mà không có bất kỳ triệu chứng nào trước đó.
Các nguyên nhân khác gây hạ đường huyết khác không do bệnh đái tháo đường
Người không có bệnh tiểu đường cũng có khả năng bị hạ đường huyết, nếu cơ thể không có khả năng ổn định lượng đường trong máu hoặc do cơ thể sản xuất quá nhiều insulin sau khi ăn.
- Dùng thuốc không đúng cách: vô tình uống thuốc điều trị đái tháo đường hoặc các loại thuốc có thể gây hạ đường huyết như quinine.
- Uống nhiều rượu: ngăn gan giải phóng glycogen tạo thành glucose vào máu, dẫn đến hạ đường huyết.
- Bệnh mạn tính: các bệnh gan, nhiễm trùng, bệnh thận, bệnh tim tiến triển xấu có thể gây hạ đường huyết. Rối loạn thận khiến cơ thể không bài thiết đúng cách, dẫn đến tích tụ glucose, cũng gây hạ đường huyết.
- Nhịn đói quá lâu: gây thiếu hụt lượng glycogen dự trữ mà cơ thể cần để tạo ra glucose … dẫn đến hạ đường huyết.
- Sản xuất thừa insulin: khối u hiếm ở tụy (insulinoma) khiến người bệnh sản xuất quá nhiều insulin, dẫn đến hạ đường huyết. Ngoài ra, các tế bào bất thường của tuyến tụy cũng giải phóng insulin quá mức, gây hạ đường huyết.
- Thiếu hụt hormone: rối loạn tuyến thượng thận hoặc các khối u tuyến yên dễ dẫn đến thiếu hụt một số hormone có vai trò điều chỉnh quá trình sản xuất hoặc chuyển hóa glucose.
Chẩn đoán hạ đường huyết
Xét nghiệm đường máu mao mạch: biện pháp sàng lọc nhanh, xác định nồng độ glucose máu.
Lấy mẫu máu tĩnh mạch: xét nghiệm định lượng nồng độ glucose máu trong trường hợp nồng độ glucose máu thấp < 2,8 mmol/L (50 mg/dL).
Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm nhằm phân biệt với các nguyên nhân gây hạ đường huyết khác như: nhiễm trùng/nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng/suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, uống rượu, mang thai, suy nhược cơ thể, các bệnh lý nội tiết (bệnh Addison, suy giáp, cường giáp, suy tuyến yên), dùng quá liều insulin/thuốc uống hạ đường máu.
Điều trị hạ đường huyết
Khi bị hạ đường huyết nhẹ, người bệnh có thể cải thiện lượng đường trong máu bằng quy tắc 15-15. Cách thực hiện quy tắc như sau:
- Ăn/uống 15 gam carbohydrate để tăng lượng đường trong máu
- Kiểm tra sau 15 phút
- Nếu đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL, tiếp tục bổ xung thêm 15 gam carbohydrate
- Lặp lại các bước trên đến khi lượng đường trong máu ở mức tối thiểu là 70 mg/dL.
- Nên ăn thêm một bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ sau khi lượng đường huyết đã ổn định lại.
Thức ăn tương đương 15g Glucose:
- 2 hay 3 viên đường.
- 1/2 ly nước trái cây bất kỳ.
- 1/2 ly nước ngọt.
- 1 ly sữa.
- 5 hay 6 viên kẹo.
- 15ml hay 1 muỗng canh đường hay mật ong.
So với người lớn trẻ em thường cần ít hơn 15 gam carbohydrate để cải thiện hạ đường huyết.
- Trẻ sơ sinh cần 6 gam.
- Trẻ mới biết đi cần 8 gam.
- Trẻ nhỏ cần 10 gam.
Lưu ý là cần can thiệp ngay khi thấy các dấu hiệu của hạ đường huyết. Do đó, nếu trong gia đình có người mắc đái tháo đường, cần dự trữ các loại thuốc, đồ ăn vặt… cần thiết. Trường hợp nghiêm trọng, hạ đường huyết có thể dẫn đến co giật và các vấn đề về thần kinh như đột quỵ hoặc thậm chí mất ý thức. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh người nhà phải liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện gần nhất.
Hạ đường huyết là tình trạng bệnh không được chủ quan, nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn nên chủ động kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên cũng như khám sức khỏe tổng quát định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín.
———————————————————————————————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh