Thời điểm khám thai lần đầu tiên là một bước quan trọng không chỉ đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, mà còn đối với quá trình mang thai và sinh sản nói chung. Việc chọn đúng thời điểm khám thai lần đầu tiên là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công của quá trình mang thai và chăm sóc sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Khi nào cần khám thai lần đầu tiên? Khi khám lần đầu mẹ bầu cần chuẩn bị những gì? Quy trình khám thai lần đầu tiên như thế nào? Những câu hỏi này thường là những điều mà những mẹ bầu “tập đầu” cảm thấy băn khoăn và thắc mắc. Dưới đây là những thông tin cần thiết cho những mẹ bầu mới:
Thời điểm khám thai lần đầu
Khám thai lần đầu tiên thường nên diễn ra vào tuần thứ 5 – 8 của thai kỳ.
Trong 2 tuần đầu sau khi quá trình thụ thai diễn ra thành công, trứng sẽ ở lại trong ống dẫn trứng (còn gọi là vòi tử cung) khoảng 48 giờ để thực hiện các hoạt động phân bào. Khoảng 2-3 ngày sau đó, hợp tử sẽ bắt đầu di chuyển đến tử cung và làm tổ tại đây. Vì vậy, thời điểm thích hợp nhất để khám bầu lần đầu là khi mẹ nhận thấy bị trễ kinh 2 tuần so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường (đối với chị em có kỳ kinh đều) và sử dụng que thử thai tại nhà hiện 2 vạch chị em hãy đến ngay cơ sở y tế để được siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết.
Lựa chọn thời điểm thích hợp đi khám thai giúp bác sĩ xác định chính xác các vấn đề như: thai làm tổ ở bên trong hay bên ngoài tử cung, đặc điểm phát triển của túi thai, bạn đang mang đơn thai hay đa thai và phát hiện u, bướu trong phụ khoa (khi thai còn nhỏ dễ phát hiện hơn).
Chuẩn bị gì khi đi khám thai lần đầu tiên
- Mang theo tất cả các tài liệu y tế liên quan, bao gồm lịch sử y tế cá nhân, kết quả xét nghiệm trước đó và danh sách thuốc bạn đang sử dụng (nếu có).
- Đảm bảo bạn đã ăn uống đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước trước khi đi khám.
- Chuẩn bị một danh sách câu hỏi hoặc lo lắng bạn muốn thảo luận với bác sĩ.
- Chọn quần áo thoải mái và dễ dàng để mặc, đặc biệt là khi bạn cần phải thực hiện các xét nghiệm hoặc siêu âm.
- Cố gắng giữ tinh thần thoải mái và thư giãn trước cuộc hẹ
Quy trình khám thai lần đầu tiên
Bước 1: Hỏi thăm về sức khỏe, tiền sử mắc bệnh của mẹ bầu và thai kỳ hiện tại
Trước khi thăm khám, bác sĩ sẽ trao đổi với mẹ bầu để nắm được tình hình sức khỏe, tiền sử mắc bệnh (nếu có) để có kế hoạch theo dõi, chăm sóc phù hợp cho mẹ bầu. Một số thông tin bác sĩ sẽ trao đổi đó là:
- Tiền sử mắc bệnh (bao gồm bệnh cấp và mạn tính).
- Thuốc đang dùng.
- Một số thủ thuật hoặc phẫu thuật đã từng thực hiện.
- Tiền sử dị ứng.
- Đã mang thai lần nào chưa, có mắc bệnh lý sinh sản không.
- Chế độ sinh hoạt, ăn uống thường ngày.
Đối với phụ nữ đi khám thai lần đầu, bác sĩ thường hỏi thăm hai vấn đề, đó là: ngày đầu của kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng nghi mang thai bạn đang gặp phải. Những thông tin này giúp bác sĩ bước đầu xác định tình trạng mang thai.
Bước 2: Thăm khám sức khỏe tổng quát
Khám sức khỏe tổng quát là một bước không thể thiếu mỗi lần chị em đi khám thai, đặc biệt trong lần khám đầu tiên. Ban đầu, chị em sẽ được đo các chỉ số cơ thể cơ bản, ví dụ như: cân nặng, chiều cao và chỉ số huyết áp. Những chỉ số này sẽ được theo dõi và so sánh trong những lần khám thai tiếp theo để đánh giá tình hình sức khỏe của mẹ bầu.
Ngoài ra, nếu chị em có tiền sử mắc các bệnh hoặc có vấn đề về sức khỏe như: tim mạch, hô hấp, nội tiết,… sẽ được bác sĩ chỉ định khám chuyên khoa sâu.
Bước 3: Thực hiện một số dịch vụ cận lâm sàng
Xét nghiệm
Trong buổi khám thai lần đầu, người phụ nữ có thể được hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm sau: xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra nồng độ hormone hCG tùy từng trường hợp.
Siêu âm
Để xác định xem thai đã làm tổ chính xác trong buồng tử cung hay chưa, bác sĩ thực hiện kỹ thuật siêu âm. Ngoài ra, kết quả siêu âm còn cho biết tuổi thai nhi, dựa vào đó bác sĩ sẽ đoán được thời điểm dự sinh, thai phát triển có bình thường không và kiểm tra tổng trạng phụ khoa có u, bướu của tử cung hoặc buồng trứng không từ đó xây dựng lịch khám phù hợp cho từng mẹ bầu.
Bước 4: Tư vấn và hẹn lịch khám cho lần sau
Bác sĩ tư vấn với mẹ bầu về các vấn đề liên quan đến thai kỳ, bao gồm dinh dưỡng, lối sống lành mạnh và biện pháp giữ gìn sức khỏe (kê đơn thuốc nếu cần).
Cuối cùng, sau khi hoàn thành quá trình khám thai lần đầu tiên, bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ đặt lịch hẹn cho các cuộc kiểm tra thai kỳ tiếp theo và cung cấp hướng dẫn cho mẹ bầu về các bước tiếp theo.
Những mẹ bầu mới thường cảm thấy lo lắng và băn khoăn khi đi khám thai lần đầu, nhưng hãy nhớ rằng bác sĩ và nhân viên y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp các mẹ bầu. Hãy mở lòng và đặt câu hỏi nếu bạn cần, và hãy tin tưởng vào quy trình chăm sóc thai kỳ chuyên nghiệp của cơ sở y tế.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |