1. Bệnh Tay chân miệng là gì và lây lan như thế nào?
• Bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây nên. Bệnh nguy hiểm vì chưa có vắc-xin phòng bệnh.
• Bệnh lây từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng khi ho, hắt hơi; dịch bóng nước khi vỡ hoặc qua đường phân – miệng.
• Bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt là trẻ sống trong vùng có dịch.
2. Dấu hiệu thường gặp của bệnh Tay chân miệng?
• Sốt.
• Đau họng.
• Nổi bóng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối và miệng. Khi bóng nước ở miệng vỡ ra làm cho trẻ đau miệng nên bỏ ăn, bỏ bú.
• Khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ hay giật mình.
Đa số người mắc bệnh Tay chân miệng có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày và có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện TRỪ một số trường hợp bệnh có biến chứng cần được điều trị tại bệnh viện.
3. Bệnh Tay chân miệng có những biến chứng nào?
• Viêm não. • Viêm cơ tim.
• Viêm màng não • Phù phổi cấp.
4. Người bệnh cần nhập viện khi có những dấu hiệu nào?
• Sốt trên 39C hay sốt trên 2 ngày.
• Ói nhiều.
• Run chi, bứt rứt, lừ đừ, ngủ hay giật mình chới với, hốt hoảng.
• Thở bất thường, chân tay lạnh, mạch nhanh.
• Yếu liệt tay hoặc chân.
5. Làm sao để phòng ngừa bệnh?
• Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng: trước và sau khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh; sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; sau khi đi vệ sinh; trước khi cho trẻ ăn; trước khi bế ẵm trẻ; khi chế biến thức ăn; sau khi che miệng khi ho, hắt hơi.
• Thông thoáng nơi ở, nơi vui chơi của trẻ, nơi làm việc; lau chùi bề mặt sàn nhà, bàn/ghế, dụng cụ học tập; rửa sạch các vật dụng, đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước sạch, xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
• Hạn chế: đi vào chỗ đông người, vào khu vực có dịch và tiếp xúc với người bệnh. Nếu tiếp xúc phải đeo khẩu trang.
• Ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe. Ăn chín, uống chín.
6. Chăm sóc tại nhà và phòng lây bệnh Tay chân miệng cho cộng đồng như thế nào?
• Cho trẻ nghỉ học và cách ly tại nhà 10 ngày. Nằm nơi thoáng mát.
• Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người xung quanh.
• Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khăn vải, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn.
• Không dùng chung các đồ dùng và rửa sạch các vật dụng, đồ chơi…
• Chất thải, phân của trẻ phải được xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
• Rửa tay; vệ sinh thân thể, răng, miệng. Cắt ngắn móng tay để không gãi làm vỡ bóng nước.
• Ăn đủ chất, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, ăn thành nhiều bữa.
• Theo dõi nhiệt độ, phát hiện những dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện.
• Thực hiện theo đơn thuốc và tái khám theo lời dặn của bác sỹ.
7. Nếu nhập viện cần làm gì để phòng lây nhiễm chéo?
• Người bệnh, người chăm sóc, người thăm bệnh cần đeo khẩu trang.
• Rửa tay thường xuyên.
• Người bệnh, người chăm sóc không đi qua các phòng bệnh khác.
• Thông thoáng phòng bệnh.
• Không sử dụng chung các vật dụng của những người bệnh khác.
• Chất thải của người bệnh phải bỏ đúng nơi quy định.