1. Bệnh viêm não Nhật Bản là gì và lây lan như thế nào?
• Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm vi-rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương.
• Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh và thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh lây truyền qua đường máu, với trung gian truyền bệnh là muỗi Culex hút máu súc vật (lợn, chim) nhiễm vi-rút và truyền cho người. Muỗi hay hút máu và truyền bệnh vào sáng sớm hoặc chiều tối.
• Bệnh nguy hiểm vì có thể để lại di chứng nặng nề về thần kinh và có thể tử vong.
2. Dấu hiệu thường gặp của bệnh?
Thời gian ủ bệnh từ 5 – 15 ngày, sau đó bệnh biểu hiện như sau:
• Sốt cao 38 – 40°C đột ngột.
• Nôn.
• Đau đầu.
• Kích thích vật vã hoặc li bì dẫn đến hôn mê.
• Co giật hay gồng.
3. Bệnh có thể để lại những di chứng nào?
• Liệt tay, chân.
• Chậm phát triển trí tuệ, giảm hoặc mất trí nhớ.
• Rối loạn tâm thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính.
• Động kinh.
• Sống đời sống thực vật.
4. Làm sao phòng ngừa được bệnh?
Bệnh có thể để lại những di chứng rất nặng nề cho người bệnh và gia đình. Do đó, cần phải thực hiện những biện pháp phòng ngừa chủ động sau:
– Tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản đủ 3 mũi là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất (mũi thứ 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi thứ 2 sau mũi thứ 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 là 1 năm, sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi).
• Tiêu diệt nguồn trung gian truyền bệnh:
– Không cho muỗi trú đậu, sinh sản: Thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm xung quang nhà ở, khơi thông cống rãnh, lấp ao tù nước đọng, đậy kín các chum vại đựng nước.
– Diệt lăng quăng: Loại bỏ các vật dụng thừa có khả năng đọng nước, thay nước trong lọ cắm hoa hàng ngày.
– Diệt muỗi: phun hóa chất, hoặc dùng bình xịt muỗi, nhang diệt muỗi.
• Xây dựng chuồng gia súc cách xa nhà ở, nơi làm việc, nhà trẻ, trường học và phải đảm bảo vệ sinh, thông thoáng khu chuồng trại.
• Ngủ màn và mặc quần áo dài hoặc mang vớ nhất là vào sáng sớm hay chiều tối.
5. Chăm sóc người bệnh Viêm não nhật bản như thế nào?
• Người bệnh cần được điều trị tại bệnh viện, nằm cách ly, nằm nghỉ hoàn toàn và thông báo với cơ sở y tế tại địa phương.
• Theo dõi sát người bệnh để phát hiện dấu hiệu bệnh nặng.
• Chống suy hô hấp bằng cách đảm bảo thông đường thở, hút đờm dãi.
• Chống táo bón và bí tiểu.
• Thường xuyên thay đổi tư thế để tránh loét do đè ép.
• Đảm bảo chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, thức ăn dễ tiêu.
• Phục hồi chức năng sớm để khắc phục di chứng.
6. Cần làm gì để phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện?
• Đối với người chăm sóc và tiếp xúc với người bệnh: cần tránh muỗi đốt (mặc quần áo dài tay, xoa kem chống muỗi đốt, dùng bình xịt diệt muỗi…).
• Thông thoáng phòng bệnh.
• Người bệnh, người chăm sóc không đi qua các phòng bệnh khác.
• Người bệnh, người chăm sóc cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang phòng lây những bệnh qua đường hô hấp khi tiếp xúc với những người bệnh khác và không sử dụng chung các vật dụng của những người bệnh khác.
Thông điệp truyền thông bệnh Viêm não Nhật Bản:
– Tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản đủ 3 mũi là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất.
– Vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng ngừa bệnh Viêm não Nhật Bản.
SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE