Ô nhiễm không khí đang trở thành mối nguy hại to lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đường hô hấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 90% dân số thế giới hít thở không khí có mức ô nhiễm vượt quá giới hạn an toàn (đánh giá WHO, 2021). Ước tính, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó các bệnh hô hấp chiếm tỷ lệ lớn (WHO, 2021). Đây là nguyên nhân góp phần lớn vào gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
1. Tác nhân độc hại
Hạt bụi mịnh (PM10, PM2.5): Xâm nhập sâu vào phổi và máu (WHO, 2021).
Khí độc hại: Bao gồm NO2, SO2, CO, và ozone tầng độ (Environmental Protection Agency, 2020).
Hóa chất bay hơi (VOCs): Liên quan đến ung thư và các bệnh mạn tính (National Cancer Institute, 2019)
Kết quả quan trắc qua nhiều năm của Sở Tài nguyên và Môi trường và các nghiên cứu liên quan đều ghi nhận ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu liên quan đến bụi.
2. Nguồn Gây Ô Nhiễm Không Khí Tại Việt Nam
Phương tiện giao thông: Xe cơ giới, đặc biệt là xe máy và ô tô cũ, là nguồn chính phát thải khí NO2, CO và bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Hoạt động công nghiệp: Các nhà máy sản xuất xi măng, thép, nhiệt điện và hóa chất thải ra khí SO2, CO2 và bụi.
Sinh hoạt gia đình: Việc sử dụng bếp than, bếp củi và đốt rác trong sinh hoạt gia đình tại các khu vực nông thôn và ngoại ô.
Đốt chất thải nông nghiệp: Tại các vùng nông thôn, việc đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp phát sinh khói bụi và khí độc.
Xây dựng và phá dỡ: Các hoạt động xây dựng không được kiểm soát tạo ra lượng lớn bụi.
Trong đó, giao thông đường bộ được xác định là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là đối với bụi mịn PM2.5.
3. Tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe đường hô hấp
Bệnh hô hấp cấp tính: Hít phải không khí ô nhiễm có thể gây ra viêm phổi, viêm phế quản và viêm thanh quản (WHO, 2021).
Bệnh hô hấp mạn tính: Thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn và ung thư phổi (American Lung Association, 2020). Ngoài ra, việc tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí cũng có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.
Đối tượng nhạy cảm: Trẻ em, người cao tuổi và những người mắc bệnh hô hấp trước đó đặc biệt dễ bị tác động (CDC, 2021).
4. Hạn chế phát sinh bụi, khí thải
Ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng; hạn chế sử dụng xe ô tô, xe máy cá nhân, đặc biệt ở khu vực mật độ giao thông cao;
Đi bộ hoặc xe đạp khi cần di chuyển khoảng cách gần;
Tiết kiệm năng lượng, chọn sử dụng các nguồn năng lượng, nhiên liệu sạch (thay bếp than, bếp củi bằng bếp điện, bếp gas; sử dụng xăng sinh học, xe điện…);
Định kỳ kiểm tra khí thải phương tiện giao thông theo quy định;
Tắt máy xe khi phải dừng lâu; bảo dưỡng xe máy định kỳ để giảm bụi, khí thải;
KHÔNG đốt rác, đặc biệt là rác thải nhựa (giao rác cho đơn vị thu gom theo quy định).
5. Các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe chung
Khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại.
Với người hút thuốc lá, thuốc lào: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút; không nên hút thuốc trong nhà. Với người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc.
Thường xuyên tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi):
+ Nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.
+ Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
+ Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
+ Nên chú ý giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.
+ Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị.
+ Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khoẻ định kỳ.
Giảm thiểu ô nhiễm không khí không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Hành động ngay hôm nay sẽ không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn bảo vệ sức khỏe cho thế hệ hiện tại và tương lai. Một môi trường trong lành là nền tảng cho một cuộc sống khỏe mạnh và bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. IQAir (2021). Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2021.
2. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (2020).
3. Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (2024). Báo cáo hiện trạng chất lượng môi trường không khí Thành phố.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |