Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một trong những bệnh lý tự miễn điển hình. Lupus ban đỏ có thể âm thầm tấn công nhiều cơ quan cùng lúc như da, khớp, tim, phổi, tuyến giáp và đặc biệt là thận.
Việc chẩn đoán lupus thường gặp khó khăn do biểu hiện lâm sàng đa dạng và dễ bị che lấp bởi các triệu chứng của tổn thương cơ quan đích. Trong một số trường hợp, lupus chỉ được phát hiện khi đã gây ra tổn thương thận không hồi phục – suy thận mạn giai đoạn cuối.
Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, các bác sĩ đã tiếp nhận một trường hợp điển hình: bệnh nhân được chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn cuối không rõ nguyên nhân, nhưng sau đó được xác định là do lupus ban đỏ hệ thống, nhờ quy trình chẩn đoán toàn diện và phối hợp liên chuyên khoa.
Thông tin lâm sàng:
Bệnh nhân: Nữ, 57 tuổi
Tiền sử: Không có tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa hay các bệnh lý mạn tính khác
Tình trạng ban đầu: Đã được chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn cuối tại một cơ sở y tế từ tháng 8/2024, tuy nhiên không rõ nguyên nhân nền.
Suốt nhiều tháng, bệnh nhân đã đi khám tại nhiều nơi, được ghi nhận tình trạng thận teo nhỏ, chức năng lọc suy giảm nặng, nhưng không xác định được nguyên nhân gây bệnh thận tiến triển. Gần đây, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tạo cầu nối động – tĩnh mạch để chuẩn bị chạy thận nhân tạo định kỳ.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện phù toàn thân, khó thở khi nằm, giảm tri giác và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
Xem thêm: Nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối – Thách thức trong tim mạch can thiệp
Các chỉ số cận lâm sàng:
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm toàn diện. Kết quả ghi nhận nhiều bất thường nghiêm trọng:
- Chức năng thận:
▫ Ure: 38.45 mmol/L
▫ Creatinine: 938.1 µmol/L
▫ eGFR: 3.59 mL/phút/1.73m² → xác định thận mạn giai đoạn cuối
▫ Protein niệu, tiểu máu - Miễn dịch – Nội tiết:
▫ Kháng thể kháng DNA sợi kép (anti-dsDNA): Dương tính
▫ TSH: >150 mIU/L
▫ FT3, FT4: <0.01 → Suy giáp nặng - Tim mạch:
▫ Troponin I hs: >192 ng/L
▫ NT-proBNP: >35.000 pg/mL
▫ ECG: Nhịp xoang 71 lần/phút
▫ Siêu âm tim: EF 58%, bất động vùng vách tim - Hình ảnh học:
▫ X-quang ngực: Tăng tuần hoàn phổi thụ động
▫ Sang thương da: Dạng vảy nến vùng mặt và chi
Chẩn đoán xác định: Lupus là nguyên nhân âm thầm gây tổn thương thận
Kháng thể anti-dsDNA dương tính, kết hợp với biểu hiện tổn thương đa cơ quan như:
- Da: tổn thương dạng vảy nến
- Tuyến giáp: suy giáp nặng
- Tim: rối loạn vận động vùng vách
- Thận: suy nặng không hồi phục
Theo tiêu chuẩn phân loại EULAR/ACR 2019, bệnh nhân đáp ứng đầy đủ tiêu chí lâm sàng và miễn dịch học để xác định Lupus hệ thống.
- Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) gây tổn thương đa cơ quan: thận, tim, tuyến giáp, da.
- Bệnh thận mạn giai đoạn cuối, hội chứng Ure huyết cao
- Suy tim EF bảo tồn và Suy tuyến giáp nặng
Đây là một trường hợp phát hiện muộn, khi thận đã tổn thương nặng, nhưng vẫn còn tiềm năng hồi phục một phần chức năng nếu được điều trị đúng hướng.
Xem thêm: Thông tin các gói dịch vụ khám tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Quá trình điều trị – Hướng tiếp cận phối hợp đa chuyên khoa:
Tại Bệnh viện Vạn Hạnh, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ cá thể hóa:
- Chạy thận cấp cứu để kiểm soát ure huyết cao, phù nhiều
- Điều trị lupus bằng phác đồ ức chế miễn dịch
- Bổ sung hormone tuyến giáp
- Dùng nhóm thuốc statin kiểm soát rối loạn lipid máu và nguy cơ tim mạch
Kết quả điều trị:
Sau 5 ngày xuất viện, chức năng thận cải thiện bất ngờ:
- eGFR tăng từ 3.59 lên 17.58 mL/phút/1.73m²: tức chức năng thận của bệnh nhân đã cải thiện đáng kể, dù vẫn còn suy.
- Bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống tốt, không còn khó thở. Hiện đang được cân nhắc giảm số buổi lọc máu mỗi tuần.
Đây là điều hiếm gặp ở người bệnh thận giai đoạn cuối, cho thấy đáp ứng tốt với điều trị lupus (đúng căn nguyên), có khả năng giảm tần suất lọc máu, thậm chí cân nhắc ngừng lọc máu nếu duy trì được cải thiện.
Kết luận Y học từ ca bệnh:
Ca bệnh này là minh chứng quan trọng cho nguyên tắc không được bỏ sót bệnh lý nền, đặc biệt là các bệnh tự miễn như lupus trong bối cảnh bệnh thận mạn không rõ nguyên nhân.
- Không phải mọi trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối đều có nguyên nhân kinh điển như tăng huyết áp hay tiểu đường.
- Lupus ban đỏ hệ thống nên được nghĩ đến khi bệnh nhân có biểu hiện đa cơ quan – dù chỉ là các dấu hiệu nhẹ như tổn thương da không điển hình, rối loạn nội tiết, nhịp tim chậm,…
- Việc phối hợp giữa các chuyên khoa Thận – Nội tiết – Miễn dịch – Tim mạch là vô cùng quan trọng, quyết định việc điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh hệ thống phức tạp.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cam kết đồng hành cùng người bệnh trong quá trình điều trị toàn diện, không chỉ kiểm soát triệu chứng mà còn điều trị tận gốc căn nguyên – kể cả với những ca bệnh phức tạp nhất.
Xem thêm: Chủ động kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm những bất thường tiềm ẩn
BS. Vũ Trung Hậu
Khoa Nội – Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM
Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554
Website: benhvienvanhanh.vn
Email: benhvienvanhanh@gmail.com