Ngày 13/4/2025, Hà Nội ghi nhận ca bệnh não mô cầu đầu tiên trong năm, là một bé trai 3 tháng tuổi chưa tiêm vaccine. Ca bệnh cảnh báo cộng đồng về mức độ nguy hiểm của viêm màng não mô cầu – bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, diễn tiến nhanh, có thể gây tử vong chỉ sau 24–48 giờ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1. Não mô cầu là gì?
Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, lây chủ yếu qua đường hô hấp. Vi khuẩn tồn tại ở vùng hầu họng và có thể lây từ người mang vi khuẩn không triệu chứng sang người khỏe mạnh. Bệnh có thể bùng phát thành dịch, đặc biệt ở nơi đông người như ký túc xá, trường học, nhà trẻ…
Tại Việt Nam, não mô cầu nhóm A thường gặp nhất. Ngoài ra, các chủng B, C, Y, W-135 cũng có thể gây bệnh.
Tỷ lệ mắc ước tính: 2,3/100.000 dân, theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam (NIHE).
2. Triệu chứng viêm màng não mô cầu: Nhận biết sớm để cứu sống kịp thời
Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tiến triển rất nhanh và gây tử vong chỉ trong vòng 24–48 giờ. Do đó, phát hiện sớm các dấu hiệu là điều vô cùng quan trọng để can thiệp y tế kịp thời.
Triệu chứng điển hình ở trẻ lớn và người lớn:
- Sốt cao đột ngột
- Đau đầu dữ dội
- Cứng gáy (dấu hiệu đặc trưng của viêm màng não)
- Buồn nôn và nôn
- Nhạy cảm với ánh sáng (photophobia)
- Lơ mơ, lú lẫn, li bì hoặc hôn mê
- Co giật
- Ban xuất huyết hoại tử (tử ban): Ban có hình chấm đỏ hoặc tím, có thể lan rộng như bản đồ. Xuất hiện 1–2 ngày sau sốt, thường ở vùng hông, đùi, chi dưới. Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng huyết do não mô cầu – tình trạng rất nguy hiểm
Ở trẻ nhỏ (<1 tuổi), triệu chứng có thể không điển hình:
- Khóc liên tục, quấy khóc dai dẳng
- Bú kém hoặc bỏ bú
- Co giật
- Thóp phồng (với trẻ dưới 18 tháng)
- Da nhợt nhạt, lạnh đầu chi
- Li bì, khó đánh thức
Theo CDC Hoa Kỳ: “Ban xuất huyết đi kèm sốt cao ở trẻ khỏe mạnh cần được xử trí cấp cứu ngay, vì có thể là dấu hiệu đầu tiên của nhiễm não mô cầu dạng tối cấp.”
Xem thêm: Thêm một giải pháp mới để phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue
3. Biến chứng nguy hiểm của viêm màng não mô cầu
Bệnh có thể gây tổn thương đa cơ quan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biến chứng tại hệ thần kinh trung ương:
- Viêm não, phù não
- Co giật kéo dài
- Tổn thương nhu mô não, mất trí nhớ, sa sút trí tuệ
- Điếc vĩnh viễn do tổn thương dây thần kinh thính giác
- Rối loạn vận động hoặc liệt chi
Biến chứng toàn thân nghiêm trọng:
- Nhiễm trùng huyết (nhiễm khuẩn huyết) – thường là nguyên nhân chính gây tử vong
- Hội chứng Waterhouse-Friderichsen – suy thượng thận cấp, tử vong nhanh trong vòng vài giờ
- Suy đa tạng (tim, phổi, gan, thận)
- Tắc mạch và hoại tử mô dẫn đến cắt cụt chi
- Sốc nhiễm trùng (septic shock) kháng trị
- Tử vong trong vòng 24–48 giờ nếu không được điều trị
Theo WHO, tỷ lệ tử vong do viêm màng não mô cầu ở thể tối cấp có thể lên tới 50% nếu không điều trị, và 10–15% dù đã can thiệp tích cực. Khoảng 1/5 số người sống sót phải chịu di chứng vĩnh viễn.
4. Phòng ngừa bệnh não mô cầu như thế nào?
Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế và Cục Y tế Dự phòng, các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
Tiêm vaccine phòng não mô cầu:
- Vaccine 2 type B – C: dành cho trẻ từ 6 tháng và người lớn dưới 45 tuổi
- Vaccine 4 tuýp A, C, Y, W-135: tiêm từ 9 tháng tuổi trở lên đến dưới 55 tuổi
- Vaccine 2 type A và C : dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên hoặc trẻ trên 6 tháng tuổi đã có tiếp xúc với bệnh nhân;
Các biện pháp khác:
- Giữ vệ sinh nơi ở và môi trường sống
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần, tránh tụ tập nếu có dịch
- Cách ly và điều trị triệt để người bệnh
- Người tiếp xúc gần cần được điều trị dự phòng bằng kháng sinh
Xem thêm: Dịch Sởi bùng phát: chủ động tiêm ngừa vaccine để bảo vệ con trẻ
5. Chăm sóc và chủ động phòng ngừa tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh triển khai:
- Khám sàng lọc bệnh lý nhiễm trùng hô hấp nghi ngờ mô cầu
- Tiêm chủng các loại vaccine phòng viêm màng não mô cầu được khuyến nghị
- Tư vấn phòng bệnh cho trẻ em, người trưởng thành và nhóm nguy cơ cao
- Điều trị và theo dõi bệnh nhân có dấu hiệu ban đầu của viêm não – màng não
Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh chủ động bảo vệ con trẻ, bản thân và cộng đồng – Đừng để não mô cầu lấy đi cơ hội sống khỏe!
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM
Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554
Website: benhvienvanhanh.vn
Email: benhvienvanhanh@gmail.com