Ngày 24 tháng 3 hằng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động Ngày Thế giới Phòng, Chống Lao nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường các nỗ lực toàn cầu trong việc kiểm soát và loại trừ bệnh lao. Bệnh lao không chỉ là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
1. Bệnh lao theo vị trí giải phẫu
Bệnh lao được phân loại thành hai nhóm chính:
- Bệnh lao phổi: Gây tổn thương tại phổi và phế quản, bao gồm cả lao kê. Trường hợp tổn thương xuất hiện đồng thời tại phổi và cơ quan ngoài phổi vẫn được phân loại là lao phổi.
- Bệnh lao ngoài phổi: Tổn thương xảy ra tại các cơ quan ngoài phổi như màng phổi, hạch bạch huyết, màng bụng, hệ sinh dục – tiết niệu, da, xương, khớp, màng não, màng tim… Khi tổn thương xuất hiện tại nhiều cơ quan, vị trí bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, như lao màng não hoặc lao xương – khớp, sẽ được xem là chẩn đoán chính.
Lao phổi chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 80-85%, và là nguồn lây chính trong cộng đồng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là nhóm có hệ miễn dịch suy giảm.
2. Nguyên nhân gây bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi chủ yếu do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao bao gồm:
- Suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, tiểu đường, suy dinh dưỡng…)
- Sống trong môi trường chật chội, kém thông thoáng, vệ sinh kém
- Tiếp xúc gần gũi với người mắc lao phổi chưa được điều trị
- Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia làm suy giảm chức năng phổi
3. Triệu chứng bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi thường diễn tiến âm thầm trong giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng điển hình như:
- Ho kéo dài trên 2 tuần, có thể kèm đờm hoặc ho ra máu
- Sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi ban đêm
- Sút cân không rõ nguyên nhân, chán ăn
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
- Đau ngực, khó thở khi bệnh diễn tiến nặng
4. Tình hình bệnh lao tại Việt Nam
Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 182.000 ca mắc mới và gần 11.000 ca tử vong do lao. Điều này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, ngành Y tế và sự chung tay của toàn xã hội để đảm bảo nguồn lực bền vững, triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm soát bệnh lao.
5. Điều trị bệnh lao phổi
Điều trị bệnh lao phổi chủ yếu dựa trên phác đồ sử dụng thuốc kháng lao trong thời gian dài. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu và hạn chế nguy cơ kháng thuốc. Các phác đồ điều trị gồm:
- Phác đồ lao nhạy cảm: Sử dụng phối hợp nhiều thuốc kháng lao trong tối thiểu 6 tháng.
- Phác đồ lao kháng thuốc: Dành cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc (MDR-TB), sử dụng thuốc kháng lao thế hệ mới với thời gian điều trị kéo dài từ 9-24 tháng.
- Theo dõi và hỗ trợ: Người bệnh cần được giám sát chặt chẽ trong quá trình điều trị, đảm bảo tuân thủ đúng phác đồ để tránh biến chứng và hạn chế lây nhiễm.
- Tuân thủ điều trị: Trong thời gian điều trị, người bệnh tuyệt đối không được bỏ thuốc ngắt quãng dù chỉ 1 ngày. Vì chính khoảng thời gian này, vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại. Thường điều trị chia làm 2 đợt: đợt tấn công thường gồm 4 thuốc và đợt duy trì thường gồm 2 thuốc. Bệnh nhân lao phải tuân thủ theo nguyên tắc điều trị lao dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Nguyên tắc điều trị lao phổi:
- Đúng: Đúng phác đồ, đúng liều lượng, đúng thuốc.
- Đủ: Đủ thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Đều: Uống thuốc đều đặn mỗi ngày, tránh ngắt quãng để phòng ngừa kháng thuốc.
Người bệnh không được tự ý ngưng thuốc hoặc uống thuốc không theo hướng dẫn vì điều này có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn lao kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị và gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
6. Phòng, ngừa bệnh lao phổi
Để giảm thiểu nguy cơ mắc lao phổi, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Tiêm vaccine BCG cho trẻ sơ sinh để tạo miễn dịch phòng bệnh lao.
- Sàng lọc lao định kỳ cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao.
- Duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao hệ miễn dịch.
- Giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với người mắc lao chưa được điều trị.
- Tuân thủ điều trị nếu mắc lao, đảm bảo không lây nhiễm cho cộng đồng.
Tìm hiểu thêm: Thêm một giải pháp mới để phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue – Tiêm chủng vaccine Qdenga
Chung tay hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao
Bệnh lao vẫn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu mỗi cá nhân và tổ chức cùng chung tay hành động. Nâng cao nhận thức, tuân thủ điều trị, thực hiện các biện pháp phòng bệnh là những yếu tố quan trọng để hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh hơn.
Hãy hành động ngay hôm nay! Vì sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội – cùng nhau chấm dứt bệnh lao!
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM
Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554
Website: benhvienvanhanh.vn
Email: benhvienvanhanh@gmail.com