Bệnh nhân nhồi máu cơ tim được can thiệp sớm trong 12 giờ đầu từ khi khởi phát giúp giảm nguy cơ biến chứng và tử vong.
BS.CKI Quách Tuấn Kiệt – Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho biết, điều trị nhồi máu cơ tim cấp bằng liệu pháp tái tưới máu hiện đại như can thiệp mạch vành qua da (PCI) phụ thuộc vào thời gian cấp cứu. Tốt nhất ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường người bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Hơn 95% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp mất “giờ vàng” điều trị do đến bệnh viện trễ.
Vừa qua Khoa Nội Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh tiếp nhận cấp cứu khẩn cấp ca nhồi máu cơ tim nhập viện ở giờ thứ 15 – khung giờ hy vọng mong manh trong cấp cứu bệnh nhồi máu cơ tim. Ông H.T.K (50 tuổi) nhập viện cấp cứu với tình trạng đau ngực dữ dội liên tục từ tối hôm trước. Bệnh nhân được khám và xét nghiệm cận lâm sàng, ghi nhận tình trạng nhồi máu cơ tim cấp với chỉ số men tim tăng trên 25.000 IU/L.
Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành siêu âm tim, chụp mạch vành cho bệnh nhân nhằm đánh giá mức độ tổn thương của tim và tình trạng lưu thông của mạch máu nuôi tim. Kết quả cho thấy nhánh liên thất trước của động mạch vành trái, một trong hai động mạch quan trọng cấp máu nuôi tim, đã bị tắc do huyết khối, cần được can thiệp nong mạch đặt stent gấp nhằm tái thông mạch máu.
Ông K nhanh chóng được chuyển lên phòng Thông tim Can thiệp để tiến hành nong mạch đặt stent. Các bác sĩ thực hiện thủ thuật đặt trực tiếp 1 stent phủ thuốc vào trong động mạch liên thất trước đoạn gần đang bị tắc bởi nhiều huyết khối để tái lưu thông dòng máu. Nhờ đó, dòng chảy được khôi phục, động mạch vành phải có thể tự đảm nhận chức năng của mình. Tổng cộng thời gian cấp cứu, kiểm tra cận lâm sàng và can thiệp nong mạch đặt stent cho bệnh nhân diễn ra chỉ vỏn vẹn 60 phút.
Ngay sau can thiệp bệnh nhân hết hẳn đau ngực, có thể đi lại bình thường. Sau 2 ngày theo dõi bệnh nhân hoàn toàn hồi phục và có thể xuất viện khỏe mạnh. Ông H.T.K đi đứng, nói cười vui vẻ như chưa từng trải qua cơn đau dữ dội do nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Kiệt cho biết có 4 khung giờ can thiệp nhồi máu cơ tim người bệnh cần lưu ý để không bỏ lỡ “giờ vàng” điều trị. Trong 1 – 2 giờ đầu là “khung giờ vàng”, lúc này cơ tim chỉ bị tổn thương nhẹ, nên việc tái tưới máu cơ tim hiệu quả nhất, hạn chế mức độ cơ tim bị “chết” và giảm tỷ lệ biến chứng. “Khung giờ bạc” là 2-6 giờ từ khi khởi phát triệu chứng nhồi máu cơ tim. Lúc này, một lượng cơ tim nhất định đã bị tổn thương, việc cứu cơ tim sẽ giảm hiệu quả hơn. “Khung giờ đồng” là từ 6-12 giờ, những cơ tim bị tổn thương có thể mất vĩnh viễn, có nguy cơ biến chứng nặng. Cuối cùng, giờ hy vọng mong manh là sau 12 giờ khởi phát cơn đau thắt ngực. Giai đoạn này, cơ tim chết lan rộng, tỷ lệ thành công khi can thiệp rất thấp, nguy cơ để lại nhiều di chứng, tử vong cao.
“Yếu tố quyết định hiệu quả điều trị cho một ca nhồi máu cơ tim là thời gian (trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát, tốt nhất là 1-3 giờ đầu tiên), điều trị càng sớm càng ít biến chứng, khả năng phục hồi cao. Khi mạch máu bị tắc càng lâu lượng máu nuôi càng giảm và có thể dẫn đến hoại tử toàn nhánh mạch, mô sẹo hình thành lúc này hoàn toàn không thể khai thông mạch”, bác sĩ Kiệt nhấn mạnh.
Đơn vị Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi, ứng dụng các trang thiết bị và kỹ thuật can thiệp mạch vành mới góp phần giảm đáng kể tỷ lệ chuyển biến xấu cũng như giảm các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Việc thực hiện thành công liên tiếp các ca can thiệp tim mạch đã khẳng định trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của ê kíp can thiệp.
———————————————————————-
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh