BS. CK1. Phan Lan Phương
Khoa Sản – Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh
Bệnh nhân Cao .T.T.L độc thân .
Nghề nghiệp : buôn bán
Hiện cư ngụ tại phường An Lạc, Quận Bình Tân.
Được sự giới thiệu của một người bệnh khác đã mổ trên 2 năm, bệnh nhân này đã đến gặp tôi . Ngay tại thời điểm tôi khám, bệnh nhân đã biết mình có u xơ tử cung to trong bụng (bệnh nhân đã khám ở đơn vị bạn).
Bệnh nhân đến với khối u to (tương đương thai 6 tháng), khối u gây đau nặng bụng, tiểu lắt nhắt nhiều lần, ăn uống kém, mệt mỏi, và bệnh nhân không thể trì hoãn được nữa, yêu cầu tôi mổ sớm.
Sau khi khám và thực hiện các XN tiền phẫu, tất cả các kết quả XN bình thường chỉ trừ HA ghi nhận 160/100mmHg (đã khai thác tiền sử bệnh nhân không có tiền căn tăng huyết áp).
Tôi quyết định để bệnh nhân điều trị nội khoa chờ huyết áp ổn định mới tiến hành phẫu thuật.
Đến ngày 23/11/2015, huyết áp bệnh nhân đã ổn định 130/80 mmHg, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt TC toàn phần và 2 phần phụ.
Điều đáng quan tâm là chọn đường nào để phẫu thuật với 1 khối u to như vậy :
1. Đường thẳng giữa bụng phẫu thuật viên phải rạch qua rốn và trên rốn 3-5cm mới lấy được khối u, cuộc mổ sẽ dễ dàng đối với ê kíp mổ nhưng bệnh nhân sẽ đau nhiều, chảy máu nhiều hơn, nguy cơ cao thoát vị thành bụng về sau , và bệnh nhân phải hạn chế lao động nặng.
2. Đường ngang trên xương vệ (trên mu), sẽ khó khăn hơn cho ê kíp mổ trong lúc lấy khối u, cuộc mổ phức tạp hơn nếu u dính, nhưng bệnh nhân sẽ ít đau hơn, ít chảy máu và giảm nguy cơ thoát vị thành bụng và thẩm mỹ hơn.
Bác sĩ Phan Lan Phương cùng ekip mổ
Sau hội chẩn và qua kinh nghiệm nhiều năm, tôi cùng kíp mổ chọn đường ngang trên xương vệ (trên mu) cho bệnh nhân.
Ngày 23/11/2015, cuộc mổ bắt đầu 11g10 và kết thúc 12g30, khối u lấy ra cân nặng 2100gr, và cuộc mổ đã thành công, đến 20g ngày 24/11/2015, bệnh nhân “xì hơi “ và ăn uống được.
Khối u lấy ra cân nặng 2100gr được lấy ra
Ngày 28/11/2015, bệnh nhân ổn, ăn uống được, vết mổ lành tốt, bệnh nhân được xuất viện.
Sau ca phẫu thuật trên, tôi suy nghĩ mãi: với sự hiện diện và phát triển của ngành chẩn đoán hình ảnh, siêu âm đã trên 20 năm tại thành phố Hồ Chí Minh, chắc chắn bác sĩ siêu âm đã giúp cho bác sĩ phụ khoa phát hiện gần như tất cả các khối u bệnh lý trên con người, chưa kể đến sự đóng góp của thông tin đại chúng , truyền hình, mạng lưới y tế rộng khắp đến quận( huyện), phường ( xã) phát huy tổng lực của truyền thông giáo dục sức khỏe ngành y tế… vậy mà ngay giữa lòng thành phố mình, vẫn còn có bệnh nhân phải mang u xơ tử cung to đến như vậy (trên 10 năm).
Tôi thiết nghĩ có phải chăng ngành y tế chưa tuyên truyền đủ các thông tin bệnh lý đến người dân hay do người dân còn thiếu nhận thức, mãi lo kế sinh nhai mà quên đi bệnh tật của bản thân mình. Thật là khó !!!
Tôi chỉ mong các chị em quan tâm đến sức khỏe mình hơn, nên khám định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần và ai đã có kiến thức xin giúp tuyên truyền thêm cho người thân, bạn bè, hàng xóm, những người xung quanh…để phát hiện bệnh sớm, điều trị ít tốn kém, và hiệu quả tốt hơn nhiều và phải luôn nhớ rằng PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH.