Sáng 30.8, bà Nguyễn Kim Bằng (64 tuổi, ngụ An Giang) cho biết sau khi 2 người bà con của mình điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc (TBG) tại Bệnh viện (BV) Vạn Hạnh (TP.HCM) khỏi bệnh thì bà đến BV này để điều trị. Bà bị thoái hóa khớp gối, đi không nổi, đã điều trị một thời gian nhưng không khỏi.
Tại BV Truyền máu – Huyết học (TM-HH) TP.HCM, vào tháng 11.2017, công bố thực hiện thành công ca ghép TBG tạo máu từ máu ngoại vi (mạch máu) không cùng huyết thống đầu tiên tại VN cho bệnh nhân (BN) Q.D.A (25 tuổi, ngụ Cà Mau). Điều đặc biệt, người cho TBG là người nước ngoài không quan hệ huyết thống gì với BN A.
Bác sĩ (BS) Phù Chí Dũng, Giám đốc BV TM-HH TP.HCM, chia sẻ: “Hiện ở VN chưa có ngân hàng tủy và TBG máu ngoại vi. Do đó khi không có người cho phù hợp HLA (kháng nguyên hòa hợp tổ chức) của những người thân BN thì người bị ung thư máu có thể đến BV TM-HH để được tư vấn tìm người cho TBG tạo máu phù hợp HLA từ ngân hàng TBG ở nước ngoài, nếu có BV đem về VN ghép cho BN tại BV TM-HH”.
Điều trị các bệnh lý về máu
BV TM-HH TP.HCM là nơi đầu tiên tại VN ứng dụng TBG trong chữa trị bệnh lý ung thư máu. BS Dũng cho hay sau 23 năm thực hiện ghép TBG tạo máu, BV đã ghép hơn 300 ca. Hiện tại BV TM-HH cũng sử dụng phác đồ điều trị như các nước trên thế giới. Hiệu quả điều trị tổng kết sau 10 năm ghép TBG gần đây cho thấy tại BV cũng ngang với các nước tiên tiến, kể cả Mỹ và châu Âu.
Theo BS Dũng, các phương pháp ghép TBG tạo máu trên thế giới hiện đã được ứng dụng tại BV TM-HH. BV đã ghép TBG tủy xương, ghép TBG máu ngoại vi và TBG máu cuống rốn. Hiện tại BV có các loại ghép TBG tạo máu: tự ghép (TBG tự thân) và dị ghép (TBG từ người thân); kỹ thuật HLA (kháng nguyên hòa hợp tổ chức). Đặc biệt ca bệnh Q.D.A (nói trên) được ghép TBG từ người cho không cùng huyết thống với BN, TBG từ ngân hàng TBG tạo máu ở Đài Loan.
Chi phí ghép TBG tạo máu các loại tại VN thấp hơn các quốc gia khác: Chi phí ghép TBG tạo máu tại BV TM-HH chỉ bằng 1/10 so với Singapore và 1/5 so với Đài Loan. Bảo hiểm y tế chi trả cho kỹ thuật ghép TBG tạo máu cho BN theo quy định, có trường hợp BN được chi trả lên đến hơn 700 triệu đồng. Ngoài ghép TBG tạo máu áp dụng trong điều trị thì BV TM-HH còn đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép TBG tạo máu cho rất nhiều BV trong nước như BV Chợ Rẫy, BV Ung bướu Nghệ An, BV Ung bướu TP.HCM, BV Ung bướu Đà Nẵng, BV T.Ư Huế, BV T.Ư Quân đội 108…; đào tạo cho cả BV ở Campuchia.
Theo BS Dũng, hiện cả nước có 9 trung tâm ghép TBG. VN đã ghép TBG tạo máu điều trị cho bệnh lý ung thư máu. Ngoài ra còn điều trị một số bệnh lý máu bẩm sinh như thalassemia (bệnh thiếu máu), suy giảm miễn dịch; điều trị một số bệnh lành tính nhưng diễn tiến mạn là suy tủy xương. Ghép TBG tạo máu còn được ứng dụng điều trị các bệnh lý tự miễn: lupus đỏ thể nặng, các bệnh lý hội chứng thực bào máu…
Bắt đầu triển khai ghép TBG tạo máu từ năm 2006, đến nay Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư (Hà Nội) đã ghép cho 331 BN. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, Viện đã ghép TBG cho 30 ca. Bên cạnh đó, Viện cũng hoạt động tiếp nhận, lưu trữ mẫu TBG máu cuống rốn cộng đồng tại Ngân hàng TBG máu cuống rốn với 3.746 mẫu. Các mẫu TBG máu cuống rốn này đều đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng để ghép cho BN phù hợp và có nhu cầu.
Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đã áp dụng ghép TBG tự thân để điều trị cho các BN bị một số bệnh lý như: đau tủy xương, u lympho ác tính…; áp dụng ghép TBG đồng loại để điều trị cho suy tủy xương, bệnh máu ác tính. Trong thời gian tới, Viện sẽ mở rộng cho những nhóm bệnh lý khác.
Điều trị bệnh lý thoái hóa khớp
BV Vạn Hạnh là một trong những nơi ứng dụng TBG trong điều trị bệnh lý về thoái hóa khớp được Bộ Y tế cấp phép. Theo BS Trần Đăng Xuân Tùng (BV Vạn Hạnh), BV đã kết hợp với BV Nhân dân 115 triển khai đề tài ứng dụng TBG trong điều trị thoái hóa khớp gối. Vì TBG có khả năng giảm viêm tại khớp, tái tạo sụn khớp. Từ năm 2016, BV đã được Bộ Y tế cấp phép điều trị thường quy.
Theo BS Xuân Tùng, khớp gối là nơi chịu lực cho cơ thể là chủ yếu nên rất dễ bị thoái hóa. Người trên 65 tuổi thì 80% thoái hóa khớp gối. Thoái hóa khớp gối có 4 giai đoạn, ở giai đoạn 2 thì BN chỉ đau nhẹ, đau một năm vài lần, tiêm chất nhờn vào sẽ ổn. Khi qua giai đoạn 3, dù khớp chưa biến dạng nhiều nhưng BN sẽ đau liên tục.
Tuy nhiên, ở giai đoạn 3, việc thay khớp chưa đáng mà tiêm chất nhờn thì không đủ. Nếu thay khớp thì 15 – 20 năm sẽ thay lại. Do đó, nếu làm TBG thì sẽ làm chậm lại quá trình thay khớp từ 5 – 10 năm cho BN. Do đó, BN thoái hóa khớp độ 3 sử dụng TBG là phù hợp. Ngoài ra, nhiều người bị thoái hóa khớp nhưng chống chỉ định thay khớp thì có thể sử dụng phương pháp ghép TBG thay thế.
“BV sử dụng 2 loại TBG từ mỡ và TBG tủy xương (lấy loại TBG trung mô). Càng lớn tuổi TBG tủy xương càng ít và lấy khó nên lấy TBG từ mỡ bù vào. Qua 2 năm thực hiện, BV đã làm khoảng 1.000 ca ghép TBG trị thoái hóa khớp, giảm được 80% chỉ định thay khớp, hiệu quả điều trị đạt trên 90%. BV đã có 3 báo cáo quốc tế về TBG”, BS Xuân Tùng nói.
Cũng theo BS Tùng, một liệu trình điều trị TBG tại BV khoảng 45 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với Thái Lan và các nước. Hiệu quả điều trị tại BV vẫn tương đương nước ngoài. Tại BV Vạn Hạnh cũng có một số người nước ngoài đến điều trị TBG.
“BV sẽ triển khai ghép TBG trong bệnh lý COPD (đề tài sẽ nghiệm thu năm 2020) và bệnh đái tháo đường (đề tài sẽ nghiệm thu vào cuối năm 2018). Trong năm 2018, BV sẽ triển khai thêm ứng dụng TBG trong điều trị bệnh xơ gan”, BS Xuân Tùng cho biết thêm.
Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị rộng
TS Nguyễn Ngô Quang (quyền phụ trách, quản lý Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế) cho biết các năm gần đây ứng dụng công nghệ TBG trong điều trị đã được một số BV trong nước thực hiện hiệu quả với một số ít bệnh lý. Trong đó, ghép TBG tủy sống điều trị bệnh máu ác tính được thực hiện tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, BV TM-HH TP.HCM, BV Bạch Mai (Hà Nội)… cho hiệu quả điều trị tốt.
Bên cạnh đó, hiện TBG tự thân (từ mô mỡ) sau khi được Bộ Y tế thẩm định cho phép ứng dụng điều trị một số bệnh về khớp đã triển khai tại BV Bạch Mai và BV Vạn Hạnh. Công nghệ TBG tự thân đang thực sự khẳng định hiệu quả điều trị với những đơn vị làm chủ công nghệ và đủ điều kiện về trang thiết bị.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang cho phép thử nghiệm lâm sàng (trên người) ứng dụng TBG tự thân điều trị một số biến chứng do tiểu đường (týp 1 và 2) và bệnh COPD tại BV Vạn Hạnh; thử nghiệm lâm sàng ứng dụng TBG tự thân điều trị liệt tủy do chấn thương cột sống tại BV Hữu nghị Việt Đức.
Chưa cho phép dùng trong thẩm mỹ
Gần đây, TBG được quảng bá dùng làm đẹp, làm trẻ hóa da… Tuy nhiên, hiện nay chưa cho phép sử dụng TBG trong thẩm mỹ, làm đẹp. Theo BS Phù Chí Dũng, hầu hết các trung tâm trị liệu TBG chỉ công nhận hiệu quả điều trị TBG tạo máu trong điều trị các bệnh lý huyết học ác tính, bệnh lý huyết học bẩm sinh di truyền và hiện đang nghiên cứu ứng dụng TBG trung mô trong điều trị các chuyên khoa khác như: tim mạch, da liễu, thần kinh… nhưng chưa được công nhận rộng rãi. Tế bào phôi trong điều trị không được sử dụng vì vấn đề y đức, tôn giáo. “Còn dùng TBG trung mô trong thẩm mỹ, người ta nghĩ rằng có thể do các chất Cytokin chiết xuất từ TBG trung mô ra để điều trị chứ không phải bản thân dùng TBG để làm thẩm mỹ. Ngay cả Mỹ vẫn chưa chấp nhận. Bên cạnh đó, nhiều công ty đang quảng cáo việc lấy máu ra ly tâm thành TBG để tiêm lại vào người nói là TBG là sai hoàn toàn”, BS Dũng cho biết.
Theo BS Trần Đăng Xuân Tùng, phương pháp dùng TBG trong thẩm mỹ hiện nay còn rất nhiều tranh cãi, bởi nhiều cơ sở chưa được cấp phép nhưng quảng cáo và làm cho BN, từ đó gây tai biến, biến chứng sau khi làm TBG thẩm mỹ.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang (quyền phụ trách, quản lý Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế), gần đây có các quảng bá về TBG trong làm đẹp, trẻ hóa. Tuy nhiên, công nghệ này không được thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ vì đòi hỏi điều kiện ngặt nghèo về thiết bị xét nghiệm, năng lực chuyên môn, điều kiện vô khuẩn… và đặc biệt là cần làm chủ công nghệ vì cần phải kiểm soát tính an toàn cùng với hiệu quả điều trị.
Ông Quang lưu ý, TBG tự thân được tách chiết từ mô mỡ người sau khi xử lý TBG được lấy để tiêm trở lại cho chính người đó phục vụ cho điều trị số bệnh lý được chỉ định rất ngặt nghèo bởi BS đã được đào tạo chuyên sâu. Ngay cả một số BV có thể can thiệp lâm sàng điều trị bệnh lý nhưng vẫn chưa đủ điều kiện thực hiện công nghệ TBG.
“Quá trình điều trị bằng TBG cần được kiểm soát chặt chẽ, do đó các cơ sở thẩm mỹ trên cả nước và ngay cả BV thẩm mỹ cũng như các BV đa khoa hiện chưa có đơn vị nào được Bộ Y tế thẩm định cấp phép ứng dụng TBG trong làm đẹp, trẻ hóa. Việc ứng dụng công nghệ TBG khi chưa được thẩm định cấp phép của cơ quan quản lý có thể gây ra các nguy cơ cho sức khỏe người sử dụng, hoặc đó chỉ là một loại dung dịch nhưng được các cơ sở thẩm mỹ quảng bá mang danh TBG”, ông Quang khuyến cáo.