Hỏi: Khi đi ngoài xong tôi thấy vẫn còn sót lại, gây nhột, phải dùng bơm mới ra hết phân. Cho tôi hỏi lý do và cách điều trị ra sao?
Trả lời: Bệnh nhân nên đến khám ở BS chuyên khoa hay nội soi trực tràng để chẩn đoán bệnh. Có 1 số bệnh đặc biệt liên quan đến sàn chậu và sự tống xuất phân có thể gây các triệu chứng trên.
Hỏi: Tôi lâu lâu hay bị đau bên bụng trái không biết là bị gì? Mong bác sĩ tư vấn cho tôi hiểu.
Trả lời: Có rất nhiều bệnh lý gây đau bụng bên trái như đại tràng, ruột non, thận niệu quản, cơ xương khớp… Phải đến khám bệnh ở BS tổng quát để tầm soát bệnh.
Hỏi: Tôi ăn rau, trái cây nhiều, uống nước đủ, uống chất xơ hòa tan Vi-tan1 mà không uống trà tam diệp vẫn không đi cầu được. Khi uống trà tam diệp kèm với Vi-tan1 mới đi cầu được. Bác sĩ cho tôi biết có cần phải đi nội soi đại tràng không? (Tôi mới 40 tuổi) Táo bón kéo dài phải khám và điều trị như thế nào? Xin bác sĩ hướng dẫn.
Trả lời: Tôi nghĩ bạn chưa uống đủ nước là phải 3l/ngày. Nếu đi cầu được với chế độ dinh dưỡng như thế thì không cần soi đại tràng. Trên 50 tuổi nên soi đại tràng tầm soát. Táo bón kéo dài phải đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để tìm nguyên nhân điều trị triệt để.
Hỏi: Tôi muốn hỏi có ngày tôi bị táo bón, có ngày tôi bị tiêu chảy. Khi đi phân màu đen có phải bị triệu chứng ung thư đại tràng không?
Trả lời: Thay đổi thói quen đi cầu như vậy là những dấu hiệu của bệnh lý đại tràng hay ung thư đại tràng. Cần nên soi đại tràng để chẩn đoán bệnh.
Hỏi: 2 năm trước tôi có đau dạ dày nhưng đã điều trị khỏi. Sao bây giờ mỗi lần tôi ăn không tiêu là bị đau rồi uống thuốc hết. Thời gian cứ mấy tháng là đau lại nay xin nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi.
Trả lời: Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được nội soi dạ dày lại để có chế độ điều trị đúng.
Hỏi: Cứ 1 tuần tôi đi cầu 1 lần, đi kiết thường xuyên, hay đau bụng. Vậy cho tôi hỏi có phải là bệnh đại trực tràng không? Tôi mới 25 tuổi và chị 34 tuổi có thể bị ung thư không?
Trả lời: Đi cầu 1 tuần 1 lần là rất ít, đi kiết thường xuyên và đau bụng là dấu hiệu của bệnh viêm đại tràng hay bệnh đại tràng kích thích. Nên đến khám bác sĩ tiêu hóa để được soi đại tràng chẩn đoán và điều trị. Tuổi dưới 40 rất ít khả năng ung thư trừ khi gia đình có người bị ung thư trẻ tuổi.
Hỏi: Lúc nhỏ con tôi có cắt đại trực tràng. Nay lớn rồi không biết sau này có nguy hiểm gì nữa không? (Lúc đó bệnh trĩ khi cháu 15 tuổi)
Trả lời: Nên cho bé khâu lại và đem hồ sơ cũ để biết được trước đây bé bệnh gì.
Hỏi: Tại sao tôi khó đi đại tiện vì táo bón qua. Đêm cũng như ngày tôi không ngủ được. Cho tôi hỏi tại sao?
Trả lời: Bác nên đến khám bệnh ở bác sĩ chuyên khoa để được soi đại tràng hay tìm các nguyên nhân khác.
Hỏi: Xin cho hỏi khi đang mang thai có điều trị trĩ được không? Có ảnh hưởng đến thai nhi không? (Nếu có điều trị)
Trả lời: Trong khi mang thai cần phải tránh táo bón bằng cách ăn nhiều rau, uống nhiều nước. Nếu có trĩ thì nên dùng thuốc chứ không nên mổ. Sau khi sinh xong tự trĩ co nhỏ lại, nếu không nhỏ có thể mổ sau đó. Mổ trong lúc mang thai không tốt cho thai nhi.
Hỏi: Cách đây 10 ngày tôi có đi nội soi tầm soát bệnh lý đại trực tràng, phát hiện 1 polyp 8mm dạng tuyến. Đã được bác sĩ cắt lấy mẫu sinh thiết. Xin hỏi nếu phát hiện tế bào ung thư thì sẽ phải điều trị như thế nào và cách ngăn ngừa tái phát?
Trĩ nội độ 2 được điều trị như thế nào? Chế độ ăn uống?
Trả lời: Nếu phát hiện tế bào ung thư tại cuống polype thì phải mổ cắt đoạn ruột nhỏ chứa đoạn polype ung thư hóa. Theo dõi sau đó bằng soi đại tràng mỗi năm. Nếu không có tế bào ung thư thì chỉ cần soi đại tràng kiểm tra mỗi năm. Trĩ độ II có thể dùng thuốc uống, cột dây thun, mổ phương pháp Longo. Ăn nhiều rau, trái cây mỗi ngày, uống 2,5-3 lít nước mỗi ngày là được.
Hỏi: Mổ trĩ phương pháp Milligan khoảng 1 tuần sau khi ngâm rửa phát hiện có mảng nhầy trắng (nghi mủ). Hiện tượng này là như thế nào? Có phải là áp xe hay không?
Trả lời: Sau mổ trĩ 3 tuần – 4 tuần mới hết tiết dịch trắng hay mủ, cần tiếp tục ngâm nước ấm muối đều đặn và uống tiếp tục thuốc. Đó không phải là dấu hiệu áp xe hậu môn.
Hỏi: Tế bào ung thư rất nhạy cảm với những kích thích phẫu thuật (dao, kéo cắt,…) Một người bị bệnh tiểu đường nặng lại bị ung thư đại tràng hoặc phải mổ trĩ độ III thì kết quả có ảnh hưởng đến việc mau lành vết thương?
Trả lời: Tế bào ung thư không nhạy cảm với phẫu thuật. Phẫu thuật làm hết bệnh ung thư.Tiểu đường phải được điều chỉnh đường huyết tốt mới phẫu thuật, dĩ nhiên tùy mức độ tiểu đường, cơ thể chậm lành vết thương.
Hỏi: Tôi 63 tuổi, lâu lâu khoảng 1, 2 tháng hay bị tiêu chảy cho đến bây giờ vẫn còn. Tôi phải điều trị như thế nào?
Trả lời: Đó là thói quen, không có gì bất thường. Bác nên đến bệnh viện để soi đại tràng tầm soát 1 lần mỗi 5 năm.
Hỏi: Xin bác sĩ giải thích từ “nghịch sản” và nghịch sản nhẹ” và cách điều trị.
Trả lời: Nghịch sản là mức độ biến đổi về tế bào. Tuy nhiên chưa trở thành ung thư. Các polype đại tràng khi sinh thiết cho kết quả nghịch sản thì cần phải theo dõi bằng soi đại tràng mỗi năm. Về nguyên tắc là để cắt trọn polype hay điều trị hết bệnh, không gì phải lo lắng.
Hỏi: Trẻ nhỏ (3 – 4 tuổi) thường đi cầu ra máu mà đi khám không tìm ra bệnh. Vậy sau này bé có dễ bị bệnh về đại tràng và trĩ không?
Trả lời: Trẻ nhỏ bị chảy máu khi đi cầu do phân cứng chắc và to. Niêm mạc ống hậu môn bị rách tự lành nếu lâu dài có thể dễ bệnh trĩ hơn. Cần bổ sung nước và rau trái cây trong khẩu phần ăn của trẻ.
Hỏi: Mỗi lần đi cầu tôi hay đau bên phải của bụng. Thường hay bị táo bón, vón cục. Vậy tôi có phải nội soi đại tràng hay không?
Trả lời: Khi đi cầu nhu động ruột co thắt nên phân cứng khô nhu động ruột phải đủ mạnh để tống xuất phân ra ngoài làm cho cảm giác đau. Nếu không đi cầu phân đen hay ra máu thì có thể soi đại tràng mỗi 5 năm khi bạn trên 50 tuổi.
Hỏi: Tôi có một cháu 13 tuổi bị bệnh đường ruột, đi cầu xuất huyết ra máu. Tôi đã đưa cháu vào bệnh viện nhi cắt. Vậy cháu cắt rồi có bao giờ bị tái lại hay không?
Trả lời: Cần phải biết cháu cắt gì ở bệnh viện nhi, nếu cắt trĩ thì không cần tái khám, nếu cắt polype thì phải tái khám mỗi năm để phát hiện tái phát.
Hỏi: Xin hỏi tại sao ăn rau, vận động thể dục, uống nước nhiều, ăn trái cây nhiều mà vẫn không đi cầu được, mà phải sử dụng thuốc xổ hay trà tam diệp. Thời gian đầu đi cầu được, một thời gian sau vẫn không đi cầu được. Vậy phải làm sao? Mong bác sĩ hướng dẫn cách giải quyết.
Trả lời: Cần đến bệnh viện tầm soát một số bệnh nội khoa tìm xem nguyên nhân gây táo bón, biết được nguyên nhân giúp tìm cách giải quyết tốt hơn.