Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm kéo dài trên 6 tháng của mô gan. Những nguyên nhân thường gặp nhất của viêm gan mạn là: viêm gan do nhiễm siêu vi, viêm gan do rượu, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), viêm gan do thuốc, viêm gan tự miễn…
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng viêm gan mạn sẽ diễn tiến thành xơ hóa gan với các biến chứng nặng nề như tăng áp tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hóa, ung thư gan… Để ngăn chặn diễn tiến tự nhiên này, bệnh nhân viêm gan mạn cần phải được theo dõi và can thiệp điều trị trước khi tình trạng xơ hóa gan không hồi phục xảy ra. Mỗi cấp độ xơ hóa gan sẽ có các triệu chứng, phương pháp điều trị và tiên lượng độ nặng khác nhau. Do đó vai trò của việc đánh giá giai đoạn xơ hóa gan trong bệnh lý viêm gan mạn là cực kỳ quan trọng.
Ngoài những cận lâm sàng thường quy như xét nghiệm chức năng gan, định lượng virus, siêu âm bụng thông thường, hiện đã có 1 phương pháp giúp chẩn đoán sớm tình trạng xơ hóa gan cho bệnh nhân viêm gan mạn, đó là siêu âm đàn hồi mô gan. Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để đo đạc, tính toán độ đàn hồi của nhu mô gan, qua đó đánh giá mức độ xơ hóa của nhu mô gan: gan còn “mềm” sẽ đàn hồi tốt, tức có độ xơ hóa thấp, gan “cứng” sẽ kém đàn hồi, đồng nghĩa với độ xơ hóa cao.
Siêu âm đàn hồi mô gan được thực hiện trên máy siêu âm có công nghệ và phần mềm đo độ đàn hồi mô, sử dụng đầu dò siêu âm như siêu âm bụng thường quy với sóng siêu âm hoàn toàn vô hại. Thời gian thực hiện mỗi phép đo khoảng 3 – 5 giây, trung bình tiến hành khoảng 10 – 15 phép đo trong mỗi lần siêu âm, tổng thời gian thực hiện siêu âm đàn hồi mô gan khoảng 10 phút. Độ nhạy lẫn độ chính xác của kỹ thuật siêu âm đo độ xơ hóa mô gan là rất cao nên kỹ thuật này đang ngày càng được áp dụng rộng rãi cho tất cả bệnh nhân viêm gan mạn tính, có thể thay thế cho 1 phương pháp chẩn đoán kinh điển nhưng có tính xâm lấn là sinh thiết mô gan. Đặc biệt trong những trường hợp kết quả cận lâm sàng thông thường không tương ứng với tình trạng xơ hóa gan thực tế, siêu âm đàn hồi mô gan càng có vai trò quan trọng, cung cấp hình ảnh khách quan và chính xác về mức độ xơ hóa gan.
Dựa trên kết quả siêu âm đàn hồi mô gan, các bác sĩ lâm sàng sẽ kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng khác để:
– Có bằng chứng cho việc bắt đầu phác đồ điều trị xơ hóa gan ở bệnh nhân đã có chẩn đoán viêm gan mạn tính.
– Theo dõi hiệu quả điều trị xơ hóa gan: Độ xơ hóa gan tăng hay giảm? Xơ hóa tiến triển hay thoái triển?
– Đánh giá tiên lượng nặng của xơ gan: mất bù hay còn bù? tiên lượng tử vong?
– Đánh giá nguy cơ và tiên lượng nặng của biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản mà bệnh nhân không cần phải thực hiện nội soi thực quản – dạ dày.
– Chẩn đoán và phát hiện xơ hóa gan trên những bệnh nhân có xét nghiệm chức năng gan bất thường chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân gan nhiễm mỡ, bệnh nhân không có tiền căn nhiễm siêu vi viêm gan,…
Máy siêu âm có công nghệ và phần mềm đo độ đàn hồi mô. Nguồn: Internet.
Hình minh họa các giai đoạn xơ hóa của nhu mô gan: Xơ hóa nhẹ hay không xơ hóa: F0, F1; Xơ hóa đáng kể: F2; Xơ hóa tiến triển hay nặng: F3; Xơ gan: F4. Nguồn: Internet.
BS Trần Thị Lệ Thanh
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |