Hiện nay tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) đang có xu hướng ngày một gia tăng. Đái tháo đường và các biến chứng của nó đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trong sức khỏe cộng đồng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho tim, não, thận, mắt,….
Một trong những bệnh lý phổ biến do bệnh đái tháo đường gây ra là bệnh võng mạc đái tháo đường, vốn tác động đến khả năng nhìn của hàng chục triệu người trên toàn thế giới, chiếm hơn 2.6% nguyên nhân mù lòa ở toàn cầu. Ước lượng có khoảng 32.4 triệu người trên thế giới bị mù lòa là do bệnh lí này.
Võng mạc là lớp tế bào thần kinh được biệt hóa để thu nhận ánh sáng giúp cho mắt nhìn thấy. Người mắc bệnh tiểu đường có khả năng bị tổn thương lớp tế bào thần kinh này được gọi là bệnh võng mạc do tiểu đường, gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mắt làm bệnh nhân bị mù lòa. Tỉ lệ mắc bệnh còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nhìn chung, gần như những ai bị tiểu đường đều sẽ mắc bệnh này. Thời gian mắc bệnh càng lâu, nguy cơ bị tổn thương võng mạc càng cao. Đặc biệt nguy cơ này còn cao hơn nữa nếu bạn không kiểm soát tốt lượng đường huyết hoặc do cao huyết áp hoặc chỉ số mỡ trong máu tăng cao.
Các triệu chứng của bệnh
Bản thân bạn không biết mình mắc bệnh võng mạc do tiểu đường cho đến khi nó trở nặng làm mờ mắt, hoặc chỉ tình cờ được bác sĩ phát hiện qua khám bệnh tầm soát. Vì đa số bệnh nhân mắc bệnh này thường không có biểu hiện gì dễ nhận thấy. Vì vậy việc khám mắt ngay khi phát hiện ra bệnh tiểu đường là rất cần thiết và bắt buộc phải có. Từ đấy bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ cho bạn biết lịch kiểm tra định kỳ để theo dõi kiểm soát bệnh lý võng mạc tiểu đuờng. Ngoài ra, hãy hết sức lưu ý những thay đổi nhỏ của mắt, vì đó có thể là triệu chứng bệnh lý võng mạc. Bạn hãy chú ý khi có một trong những triệu chứng sau:
– Đôi khi bạn cảm thấy mắt bị mờ thoáng qua.
– Thỉnh thoảng bạn bị mất khả năng nhận biết màu sắc
– Mắt bạn nhìn thấy các đốm đen hoặc các chớp sáng.
– Thỉnh thoảng thấy nhòe mắt khi ban đọc sách báo hoặc lái xe
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh võng mạc do tiểu đường gây ra tổn thương vĩnh viễn cho võng mạc nếu không được điều trị sớm.
Nếu lượng đường trong máu (đường huyết) quá cao trong thời gian dài sẽ làm biến đổi các mạch máu li ti nuôi dưỡng sức khỏe của võng mạc. Ở giai đoạn nặng, mắt của bạn cố gắng tạo ra các mạch máu mới, trong khi những mạch máu này phát triển không như bình thường. Hậu quả là chúng gây ra chảy máu và tràn vào trong võng mạc gây tổn thương võng mạc nặng hơn. Có nhiều trường hợp có thể gây ra tình trạng phù tế bào thần kinh võng mạc làm mờ mắt nặng mà ít có khả năng phục hồi.
Bệnh tiểu đường diễn biến càng nặng, càng có nhiều mạch máu bị tắc nghẽn, võng mạc càng bị tổn thương nặng. Ở giai đoạn nặng, bệnh này cũng gây ra bệnh tăng nhãn áp (cườm nước) gây mù lòa và đau nhức rất khó chữa.
Phương pháp chẩn đoán
Thông qua kiểm tra mắt, bác sĩ nhãn khoa có thể cho biết bạn có mắc bệnh võng mạc tiểu đường hay không. Ngoài ra Bác sĩ nhãn khoa cũng sẽ kiểm tra tình trạng thị lực và sức khoe đôi mắt của bạn.
Các phương pháp điều trị
Có nhiều cách điều trị bệnh lý võng mạc tiểu đường, phù hợp với từng giai đoạn của bệnh
1. Điều trị bằng tia la-de
Bác sĩ nhãn khoa có thể tư vấn thực hiện thủ thuật quang đông võng mạc bằng tia la-de để triệt tiêu trên diện rộng ở võng mạc nơi có sự hình thành mạch máu bất thường. Thủ thuật này giống như làm niêm phong mạch máu và ngăn chúng bị xuất huyết và phát triển. Phương pháp này dù không hoàn toàn lấy được khả năng thị lực, nhưng có thể đảm bảo tỉ lệ cao các mạch máu sẽ không phát triển bất thường gây hại cho mắt thêm nữa.
2. Liệu pháp chống quá trình tạo mạch máu bằng thuốc.
Phương pháp này đã được áp dụng hiệu quả nhiều năm nay và cho thấy có nhiều ưu điểm tích cực hơn việc dùng tia la-de như thời gian thực hiện nhanh chóng và bệnh nhân thấy sớm cải thiện thị lực. Cách này có thể giữ lại, thậm chí cải thiện tầm nhìn, đặc biệt ở người bị sưng phù ở ngay giữa võng mạc. Trong phương pháp này, người bệnh sẽ được tiêm thuốc vào mắt. Thuốc có tác dụng ngăn chặn một loại protein cần thiết cho sự phát triển mạch máu. Bạn sẽ cần phải được liên tục tiêm thuốc mỗi tháng.
3. Phẫu thuật lấy bỏ pha lê thể.
Trong giai đoạn cuối của bệnh võng mạc tiểu đường, nếu võng mạc đã bong và xuất huyết nhiều trong mắt, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn làm thủ thuật lấy bỏ pha lê thể để loại bỏ các mô sẹo, máu và chất lỏng đục trong mắt của bạn. Phẫu thuật này có thể cải thiện tầm nhìn của người bệnh ở giai đoạn muộn.
Các biện pháp phòng ngừa
Bạn nên lưu ý giữ lượng đường và huyết áp ở mức độ ổn định là cách hiệu quả làm giảm sự phát triển của bệnh võng mạc tiểu đường và thậm chí có thể ngăn ngừa bệnh lí này.
Nói chung, những người bị tiểu đường cần khám nhãn khoa ít nhất mỗi năm 1 lần. Trường hợp bạn bị tiểu đường trong thai kì, hãy thăm khám kĩ trong 3 tháng đầu tiên và tuân theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa trong suốt thai kì.
(Ths BS Hồ Quang Minh Đạo – Trưởng khoa Mắt)
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |