1. Thuốc chống viêm, giảm đau không steroids (NSAIDs)
Điều trị thoái hóa khớp gối đồng thời với việc tập luyện, giảm cân, thuốc chống viêm giảm đau giúp bệnh nhân giảm được triệu chứng.
Các thuốc thuộc dòng giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) thường được dùng như Aspirin, Ibuprofen (Advil), Naprosyn (Aleve). Các thuốc có tác dụng mạnh hơn có Indocin, Daypro, Relafen, Celebrex, Lodine và Mobic.
Tuy nhiên, những tác dụng phụ của dòng NSAIDs hay gặp là kích ứng và có thể gây loét, chảy máu dạ dày. Tác dụng phụ này tăng cao hơn ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày, bệnh nhân đang dùng corticoid, bệnh nhân hút thuốc lá, nghiện rượu. Ngoài ra thuốc còn có thể gây tổn thương cầu thận (đặc biệt ở những người trên 65 tuổi, người tăng huyết áp, suy tim xung huyết hay bệnh nhân đang dùng thuốc lợi niệu). Do vậy việc dùng thuốc cần cân nhắc đến hiệu quả giảm đau và những tác dụng ngoài mong muốn của thuốc. Không để tình trạng lệ thuộc thuốc.
2. Thực phẩm chức năng
Các thực phẩm chức năng chứa các hoạt chất như gulucosamine sulfate, chondroitin sulfate thường được dùng bổ trợ trong phác đồ điều trị thoái hóa khớp. Glucosamine là một aminomonosacharide-tiền chất cấu tạo nên mô liên kết, trong đó có mô sụn của khớp. Uống glucosamine hằng ngày được cho là sẽ có tác dụng hỗ trợ lên khớp do làm tăng sức bền của mô sụn.
Chondrointin sulfate được tìm thấy trong proteoglycans, cũng là một trong những thành phần tạo nên chất căn bản của mô sụn, ảnh hưởng đến sự bền vững của sụn khớp. Chondrointin thường được chiết xuất từ sụn của bò, bê hoặc một số loài cá (cá mập). Tuy vậy, hiệu quả làm vững bền sụn khớp của glucosamine và chondrointin cho đến nay vẫn đang còn nhiều tranh luận.
3. Tiêm chất nhờn vào khớp
Trong khớp luôn có một lượng dịch khớp do màng hoạt dịch tiết ra, có độ nhớt cao giúp giảm độ ma sát giữa các diện khớp khi gối vận động. Độ nhớt của dịch khớp do các phân tử Hyaluronic Acid (HA) tạo nên. Ở người bình thường, trong dịch khớp gối có khoảng 4-5 triệu phân tử HA, các phân tử này kết nối và cuộn lại với nhau tạo nên độ dẻo, sệt và nhớt.
HA còn có vai trò tạo liên kết chặt chẽ giữa các chuỗi proteoglycans, cùng với collagen týp II, tạo nên cấu trúc bền vững của sụn khớp. Đối với bệnh nhân thoái hóa khớp, số lượng phân tử HA giảm đi rõ rệt, làm cho cấu trúc sụn kém bền vững, dịch khớp giảm độ nhớt, dẫn đến tăng ma sát giữa các diện khớp khi vận động, sụn khớp nhanh bị bào mòn, bong, vỡ.
Tiêm HA vào khớp làm tăng chất nhờn, hy vọng làm giảm ma sát, làm chậm quá trình mài mòn khớp. Phương pháp này được thực hiện đầu tiên tại Nhật năm 1987. Tại Việt Nam phương pháp được ứng dụng từ năm 2003. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, chỉ có 50% số bệnh nhân sau tiêm HA vào khớp có dấu hiệu thuyên giảm triệu chứng. Có nhiều loại thuốc chứa AH. Thường là hộp 5 ống chứa 2- 2,5ml AH, AH tiêm nội khớp gối mỗi tuần tiêm một ống vào khớp, mỗi đợt điều trị tiêm 5 ống và có thể nhắc lại đợt tiếp theo sau 6 tháng.
Quá trình tiêm phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Theo một nghiên cứu, không có sự khác biệt về tình trạng lâm sàng giữa trước và sau tiêm sau 3 – 5 mũi. Những trường hợp thoái hóa khớp gối nào được sử dụng AH? Liệu pháp HA có tác dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối ở mức độ vừa mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường, không dung nạp được thuốc đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid, cũng như giúp trì hoãn thời gian thực hiện phẫu thuật thay khớp vốn khó khăn và tốn kém.
4. Tiêm corticoid vào khớp
Tiêm corticoid vào khớp giúp bệnh giảm triệu chứng rất nhanh chóng do tác dụng giảm viêm mạnh. Tuy nhiên theo các nghiên cứu trên lâm sàng, corticoid làm phá hủy sụn khớp rất nhanh. Ngoài ra viêm mủ khớp gối sau tiêm là một biến chứng tồi tệ hay gặp. Chính vì vậy, việc tiêm corticoid vào khớp gối để điều trị thoái hóa khớp được khuyến cáo hết sức hạn chế và thận trọng, chỉ tiêm trong điều kiện vô khuẩn, có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Nên tiêm tối đa 3 mũi.
5. Thuốc ức chế Interleukin 1(Diacerein): có tác dụng ức chế sản xuất và hoạt hóa IL-1
Nhìn chung, tất cả các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối có dùng thuốc và không dùng thuốc đều giúp bệnh nhân cải thiện được triệu chứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Về lâu dài, sụn khớp vẫn tiếp tục thoái hóa, bị bào mòn, đến khi tình trạng đau không còn được cải thiện thì một phương pháp can thiệp ngoại khoa là cần thiết.
6. Huyết tương giàu tiểu cầu (Plate rich plasma-PRP)
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tự thân là huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với huyết tương trong máu bình thường được tách chiết từ máu của chính bệnh nhân. Khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng (growth factors) có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương.
Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sụn… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng sụn, thúc đẩy tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm… Trong chuyên ngành cơ xương khớp, liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích sự lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.
(theo ThS.Bs Trần Đặng Xuân Tùng – Đơn vị Tế bào gốc BVĐK Vạn Hạnh)
Thoái hóa khớp gối do đâu và cách điều trị
Thoái Hóa Khớp Gối – Điều Trị Hiệu Quả
————————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh