Huyết áp là một trong những thông số cơ bản phản ánh tình trạng sức khỏe. Ngày nay, với sự phổ biến các dụng cụ điện tử giúp đo huyết áp tại nhà, mọi người đều có thể tự theo dõi huyết áp cho chính mình và người thân. Tuy nhiên, diễn biến huyết áp trong ngày như thế nào, đo huyết áp đúng cách là như thế nào, vào thời gian nào là chính xác nhất,… là những vấn đề không phải ai cũng hiểu rõ. Đo huyết áp hàng ngày là một việc làm hết sức cần thiết giúp theo dõi, kiểm tra huyết áp của bạn.
Huyết áp là gì
Huyết áp là áp lực máu trong động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.
Thay đổi trong ngày của huyết áp
Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 – 10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh đều có thể làm Ha tăng lên. Và ngược lại, khi cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể hạ xuống.
Khi bị lạnh gây co mạch, hoặc dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc co bóp cơ tim, ăn mặn có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy… hoặc dùng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp.
Huyết áp được thể hiện bằng 2 chỉ số:
- HA tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là số trên), bình thường từ 90 đến 139 mm Hg.
- HA tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là số dưới), bình thường từ 60 đến 89 mm Hg.
Mỗi người phải luôn biết và nhớ hai chỉ số huyết áp và nhịp tim của mình.
Chỉ số huyết áp tại một thời điểm xác định chỉ là một giá trị, giá trị đó giúp phản ánh con số huyết áp tại thời điểm đo. Trong khi đó, con số huyết áp tại nhà được đo tại nhiều thời điểm khác nhau sẽ giúp chúng ta hình dung ra biểu đồ huyết áp của mình một cách chính xác hơn.
Thời điểm đo huyết áp
Việc đo huyết áp tại nhà nên thực hiện vào buổi tối khi chuẩn bị đi ngủ, và/hoặc buổi sáng sau khi vừa thức dậy chưa bước xuống giường. Nếu được yêu cầu theo dõi nhiều lần trong ngày, nên chọn các thời điểm cố định, dễ nhớ và dễ so sánh. Tuy nhiên, các lần đo đều thực hiện sau khi cơ thể đã được nghỉ ngơi 5-10 phút với tinh thần hoàn toàn thoải mái. Tuyệt đối không đo sau bữa ăn no hay lúc quá đói, quá mệt, đang buồn tiểu, sau khi hút thuốc hoặc uống cà phê hoặc đang trong tình trạng căng thẳng, nóng giận.
Tư thế đo huyết áp
- Với máy đo điện tử, có thể đo ở bắp tay hay cổ tay miễn là vị trí quấn vòng băng quấn phải ngang với tim. Nếu đo ở bắp tay có thể đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn với mép vòng băng quấn cách nếp khuỷu tay khoảng 2cm. Nếu đo ở cổ tay thường phải gập cánh tay một góc khoảng 45 độ để cổ tay ngang với tim (tay chéo trước ngực hoặc kê gối).
- Tư thế đo chuẩn: người được đo ngồi trên ghế tựa, trước khi đo phải ngồi thoải mái, yên vị trên ghế 5-10 phút để hoàn toàn thư giãn và thả lỏng cơ thể.. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được đo ở các tư thế nằm, đứng. Người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường nên đo ở tư thế đứng nhằm xác định có tình trạng hạ do tư thế không, đồng thời, không mặc quần áo quá bó hay quá chật dễ khiến huyết áp tăng giả tạo.
- Tư thế đo sai:
+ Lưng còng (Gập người về phía trước)
+ Ngồi vắt chân
+ Ngồi trên ghế sofa hoặc bàn thấp làm cho người bị gập về phía trước.
Những tư thế này có thể dẫn đến kết quả huyết áp cao hơn thực tế do vòng băng quấn ở vị trí thấp hơn tim. Nếu vòng băng quấn ở vị trí thấp hơn tim, nên sử dụng một tấm đệm, hoặc gối …để điều chỉnh độ cao của bắp tay.
Cách đo huyết áp đúng cách
- Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh tối thiểu 5 – 10 phút trước khi đo . Nên đo vào các giờ cố định trong ngày và ghi lại.
- Trước đó khoảng 02 giờ không nên dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia.
- Nhiệt độ phòng không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Không nên đo sau khi tắm hoặc tập thể dục.
- Sử dụng các máy đo uy tín, đã được kiểm chuẩn. Bề dài của băng quấn tối thiểu phải bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Sau đó, người thực hiện đo cần quấn băng đủ chặt, bờ dưới băng quấn ở trên nếp khuỷu tay 2cm (nếu đo ở bắp tay).
- Không cử động hay nói chuyện khi đang đo huyết áp.
- Đo tay nào cũng được, nhưng ở lần đo đầu tiên cần đo ở cả hai tay. Đo tay nào có trị số cao hơn sẽ được dùng để theo dõi huyết áp về sau (đo ở các lần sau).
- Nên đo tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 1 – 2 phút. Nếu số đo giữa 2 lần chênh nhau trên 10mmHg thì cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ ngơi tuyệt đối trên 5 phút (giống như Thiền – tâm bình khí tịnh!). Giá trị huyết áp là phép chia trung bình của 2 lần đo cuối cùng.
- Đo huyết áp nhiều lần giúp làm tăng độ chính xác ở những người có rối loạn nhịp tim, ví dụ như bị rung nhĩ.
- Trong trường hợp nghi ngờ có thể theo dõi bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (còn gọi là Holter huyết áp).
- Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng tâm thu/huyết áp tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg). Không làm tròn số quá hàng đơn vị. Khi đi khám bệnh nên cho bác sĩ xem quyển sổ ghi chép huyết áp tại nhà của mình.
- Trong trường hợp kết quả đo nhiều lần mà vẫn quá cao, quá thấp hoặc không trùng khớp với những chẩn trị bệnh trước đó: cần đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp điều trị phù hợp.
- Ðừng quên là kết quả rất dễ sai lệch nếu máy đo sắp hết pin. Nếu cẩn thận nên thay pin mới và đo lại huyết áp.
Máy đo huyết áp
Thông thường có 3 loại máy đo huyết áp khác nhau bao gồm:
- Máy đo huyết áp thủy ngân: Cho chỉ số chính xác giúp bạn đo huyết áp đúng cách hơn nhưng cồng kềnh. Phức tạp đòi hỏi người đo phải có kiến thức, có nguy cơ gây hại cho môi trường khi bể, vỡ.
- Máy đo huyết áp đồng hồ cơ: Tiện sử dụng, tuy nhiên chỉ số có thể không chính xác do còn phụ thuộc vào kỹ thuật đo và khả năng nghe của người sử dụng.
- Máy đo huyết áp điện tử: Số đo chính xác và không cần sử dụng đến ống nghe tim phổi, mọi đối tượng đều có thể sử dụng được.
Khi đo huyết áp, việc chọn máy đo phù hợp là rất quan trọng. Cần phải chọn loại có kích thước túi hơi thích hợp với chu vi vùng đo của từng bệnh nhân. Việc dùng sai cỡ túi có thể dẫn tới đo sai chỉ số huyết áp lên tới 25mmHg.
Hiện nay, theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, máy đo huyết áp phù hợp nhất và chính xác nhất là loại máy đo huyết áp điện tử giúp đo huyết áp đúng cách hơn, có băng cuốn và đặt vị trí đo tại cánh tay. Máy đo huyết áp tại cổ tay và ngón tay thường không được khuyến cáo sử dụng, bởi chúng có thể đưa ra những con số không chính xác. Hãy lựa chọn những loại máy đo huyết áp có kích cỡ băng cuốn phù hợp, giúp ôm vừa đủ cánh tay bạn.
Các lưu ý
- Băng quấn tay hợp kích cỡ (băng quấn nhỏ làm tăng 2-10 mmHg)
- Quấn vào tay trần (áo chèn băng quấn làm tăng 5-50 mmHg)
- Đỡ cánh tay (cánh tay không có chỗ tựa làm tăng 10 mmHg)
- Không bắt chéo chân (bắt chéo chân làm tăng 2-8 mmHg)
- Đỡ lưng/chân (lưng/chân không có điểm tựa làm tăng 6.5 mmHg)
- Bàng quang trống (buồn tiểu làm tăng 10 mmHg)
- Không nói chuyện (mất tập trung và nói chuyện làm tăng 10 mmHg)
Nếu có bất kì vấn đề gì về sức khỏe, xin đừng chủ quan, hãy liên hệ ngay với chúng tôi:
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hoặc gọi chúng tôi theo Hotline 028.3863.2553
Hoặc đăng ký khám TẠI ĐÂY