Liệt dây thần kinh số 7 gây ra các triệu chứng như liệt mặt hay méo miệng, thường xảy ra sau một đêm ngủ dậy người bệnh thấy một bên mặt hơi cứng khác thường, soi gương thấy mặt bị xệ, méo miệng. Vậy nguyên nhân do đâu, tình trạng này có nguy hiểm không?
Liệt mặt ngoại biên là gì
Theo Y học hiện đại, liệt mặt ngoại biên còn được gọi là “liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên”, làm mất chức năng vận động cơ vùng mặt, giảm tiết nước mắt và nước bọt, giảm vị giác.
Theo đó, người bệnh có các triệu chứng tê bì nửa mặt hay bị yếu, tê liệt các cơ đột ngột khiến khóe miệng bị xệ, chảy xuống, khi cười miệng méo lệch sang bên, mắt không thể nhắm kín, nhai khó, thậm chí là mất vị giác. Liệt mặt xuất hiện ở mọi lứa tuổi cũng như giới tính.
Nguyên nhân dẫn đến liệt mặt
Lạnh đột ngột là một trong những nguyên nhân chính gây ra liệt mặt. Trong thời tiết nắng nóng hiện tại, tần suất người dân sử dụng điều hòa và quạt hơi nước ngày càng nhiều, đây là một trong các yếu tố nguy cơ gây nên liệt mặt ngoại biên.
Theo Y học cổ truyền, liệt mặt ngoại biên có bệnh danh là “Khẩu nhãn oa tà” (miệng mắt méo xếch), thường do phong hàn, phong nhiệt, huyết ứ phạm vào các kinh lạc vùng mặt. Những nguyên nhân này làm cho khí huyết của lạc mạch vùng đầu mặt bị cản trở hoặc bị tắc lại, gây nên chứng nuy (yếu liệt), có thể kèm theo tê và đau (không thông thì đau).
Vì phong tà ẩn náu ở mạch lạc dương minh vùng mặt khiến cho sự vận hành của khí huyết trái thường, lạc mạch không được nuôi dưỡng cho nên xuất hiện miệng mắt méo xếch. Nhưng lâm sàng có phong hàn, phong nhiệt, phong thấp khác nhau, điểm chung của ba loại này là đột ngột phát sinh miệng mắt méo xếch, có triệu chứng ngoại cảm rõ rệt, mạch phù, rêu lưỡi trắng mỏng. Điểm khác nhau là: người bị phong hàn thì cơ mặt bên bị bệnh căng rút hoặc đau, bì phu thấy dầy ra và cứng chắc. Người bị chứng phong nhiệt thì cơ mặt nhẽo, bì phu có cảm giác nóng bừng. Người bị chứng phong thấp thì cơ mặt bị sưng, mi mắt hơi bị nề. Vì sự khác nhau này nên phương thuốc điều trị cũng khác nhau.
Các triệu chứng liệt mặt
Bệnh liệt mặt không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên bệnh này có thể để lại các di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sức khỏe, khó khăn trong sinh hoạt và gây nên tâm lý ngại tiếp xúc cho người bệnh.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh biểu hiện khá rõ và dễ dàng nhận thấy như:
- Yếu hoặc liệt các cơ ở phân nửa mặt của bên bị tổn thương
- Mí mắt một bên rũ xuống
- Miệng méo về một bên khi cười
- Không thể nhắm mắt hoàn toàn
- Chảy nước mắt quá nhiều
- Khoé miệng rũ xuống
- Giảm hoặc mất vị giác
- Thức ăn tồn đọng một bên miệng do yếu nhóm cơ một bên
- Chảy nước bọt
- Thay đổi cảm giác một bên mặt
- Đau ở trong hoặc sau tai
- Tăng độ nhạy cảm với âm thanh một bên tai nếu cơ bàn đạp bị ảnh hưởng
Liệt mặt ngoại biên có thể tự khỏi hay không
Thông thường, khoảng 80% bệnh nhân hồi phục trong vòng vài tuần hay vài tháng. Những bệnh nhân liệt mặt không hoàn toàn sẽ có tiên lượng tốt, hồi phục không di chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Khi đó, bệnh nhân cần đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều trị liệt mặt do lạnh như thế nào
Liệt mặt có thể để lại di chứng nếu không được điều trị đúng cách.
Nguyên tắc điều trị bệnh là càng sớm càng tốt, tránh kích thích mạnh, bảo vệ mắt, kết hợp với các phương pháp phục hồi chức năng và phương pháp Y học cổ truyền để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, giảm ít nhất di chứng để lại trên mặt.
Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh áp dụng nhiều phương pháp y học cổ truyền phối hợp để điều trị liệt mặt như xông hơi ngải cứu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động vùng mặt, thuốc y học cổ truyền, thủy châm, cấy chỉ…
Đặc biệt, cứu ngải, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp điều trị liệt dây thần kinh số 7 được ứng dụng rộng rãi trong chẩn trị Y học cổ truyền. Bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng của người bệnh để đưa ra phác đồ phù hợp, từ đó giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh, rút ngắn thời gian điều trị so với các phương pháp khác.
Phòng ngừa liệt mặt
Cách phòng bệnh tốt nhất là phòng tránh các nguyên nhân gây liệt mặt, đây thường là các thói quen do chủ quan những lại gây nên hậu quả khôn lường, chủ động thay đổi một số thói quen đơn giản là bạn đã có thể phòng được căn bệnh đang ngày càng phổ biến này rồi đấy. Những điều nên thực hiện để phòng ngừa liệt mặt gồm:
- Tránh để gió lùa hay quạt lạnh trực tiếp vào vùng đầu mặt, nhất là ban đêm và mùa lạnh.
- Khi trời lạnh cần mặc ấm, đeo khẩu trang để tránh gió và lây nhiễm các bệnh do virus
- Giữ ấm phần đầu, mặt, cổ trong thời tiết lạnh
- Tránh tiếp xúc đột ngột với nước lạnh hoặc gió lạnh ngay khi vừa tắm xong
- Rèn luyện, tập thể dục thể thao để có sức đề kháng tốt.
Liệt mặt do lạnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi kể cả trẻ nhỏ, vì vậy để phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7, chú ý các thói quen bảo vệ vùng mặt trong mùa lạnh và nếu có biểu hiện của bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế được ít nhất di chứng của bệnh.
—————————
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 028.3863.2553
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh