Ù tai có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ này sẽ gia tăng theo tuổi. Mọi người đều có thể mắc phải một cách tạm thời vào một thời điểm nào đó sau khi tiếp xúc với âm thanh lớn.
Ù tai là một triệu chứng phổ biến và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như giảm khả năng tập trung làm việc, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và có thể gây ra các sang thương thần kinh, mạch máu nguy hiểm.
Ù tai là một cảm nhận âm thanh bất thường mà không có bất kỳ kích thích bên ngoài nào; có thể là chủ quan hoặc khách quan.
Ù tai chủ quan là dạng thường gặp nhất; nó xảy ra khi không có âm thanh vật lý nào đi đến tai, và chỉ có bệnh nhân mới nghe thấy được.
Ù tai khách quan chiếm tỷ lệ nhỏ (1%); nó phát sinh bên trong cơ thể (còn gọi là âm cơ thể), đến tai thông qua sự dẫn truyền của các mô và có thể được nghe thấy bởi cả bệnh nhân lẫn người khác.
Ù tai có thể xảy ra ở một bên, 2 bên hoặc ở sâu trong đầu, và một số bệnh nhân mô tả rằng cảm giác ù tai bắt nguồn từ bên ngoài vùng đầu. Đa số bệnh nhân đều cảm thấy ù tai tăng lên khi ở trong không gian yên tĩnh. Cảm giác ù tai có thể biểu hiện nhiều cách khác nhau: có thể như tiếng róc rách liên tục hoặc từng cơn, như tiếng chuông reo, tiếng huýt gió, tiếng vo vo, tiếng ve kêu và âm ù tai có thể trầm, trung bình hoặc cao. Ù tai cũng thường có liên quan tới hiện tượng bàng thính, đặc trưng bởi sự tăng nhạy cảm đối với những âm thanh mà những âm thanh này không gây khó chịu gì đối với người bình thường.
Ù tai chủ quan với các nguyên nhân do tai thường đi kèm với nghe kém dẫn truyền, tiếp nhận hoặc hỗn hợp nhưng cũng có thể gặp ở bệnh nhân có sức nghe bình thường hoặc gần như bình thường. Các tình trạng bệnh lý có liên quan tới ù tai như tiếp xúc với tiếng ồn lâu ngày, lão thính, chấn thương tai cấp tính, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa, bệnh Meniere, u tế bào schwann dây thần kinh tiền đình, u màng não, các thuốc gây độc tai, chấn thương hoặc chấn động áp suất ốc tai… Nghe kém do tiếp xúc với tiếng ồn hoặc lão thính thường đi kèm với ù tai. Đôi khi ù tai một bên là triệu chứng duy nhất của u tế bào schwann dây thần kinh tiền đình.
Những bệnh lý nội khoa có liên quan với ù tai chủ quan bao gồm: thiếu vitamin hoặc thiếu kẽm, các rối loạn tim mạch như đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp và tăng lipid máu, các rối loạn thần kinh như xơ cứng rải rác, chấn thương vùng đầu hoặc viêm màng não…
Ù tai cũng có thể là biến chứng của một số thuốc gây độc tai như các thuốc nhóm NSAIDs, salicylates, quinine… nó tùy thuộc vào liều dùng, thường xảy ra khi dùng liều cao và nói chung có thể phục hồi được (khi ngưng thuốc). Tác hại gây độc tai của Aminoglycoside và thuốc hóa trị như cisplatin cũng phụ thuộc vào liều lượng nhưng vẫn có thể gây độc cho tai ở liều điều trị, và gây tổn thương vĩnh viễn cho ốc tai.
Các nguyên nhân nội khoa khác bao gồm bệnh lý tai trong do bệnh tự miễn và các u tân sinh như u tế bào schwann dây thần kinh tiền đình hoặc u màng não.
Những bệnh nhân ù tai thường sẽ có lo âu và trầm cảm kèm theo. Ngoài ra những đối tượng vừa bị ù tai và trầm cảm thường có xu hướng khai rằng ù tai nặng hơn so với những bệnh nhân không có trầm cảm.
Ù tai khách quan, nếu bệnh nhân than phiền ù tai theo nhịp mạch đập, bác sĩ nên tìm xem có một khối u vùng sàn sọ hoặc một bất thường mạch máu nào không? Có nhiều nguyên nhân mạch máu có thể gây ù tai, thường gặp nhất là dị dạng động tĩnh mạch và dò động mạch – tĩnh mạch ngoài sọ hoặc tại màng cứng. Các nguyên nhân khác bao gồm hẹp, xoắn, bóc tách, túi phình ở động mạch cột sống hoặc động mạch cảnh, xơ vữa động mạch, hẹp động mạch chủ, hở van 2 lá, dị dạng động mạch – tĩnh mạch ở màng cứng hoặc vùng cổ, u máu, hành tĩnh mạch cảnh nằm cao và u cuộn cảnh… U cuộn cảnh có thể biểu hiện là một vùng màu đỏ nằm sau màng nhĩ, và khi soi tai có bơm hơi gây áp suất dương ở mặt ngoài màng nhĩ sẽ làm cho vùng này nhạt màu đi, hội chứng khớp thái dương hàm,
Tăng áp lực nội sọ lành tính được xem là một nguyên nhân lớn gây ù tai theo mạch đập ở những phụ nữ trẻ. Các nguyên nhân toàn thân khác bao gồm cung lượng tim cao, điều trị tăng huyết áp với thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế kênh Calcium. Bệnh Paget và xốp xơ tai cũng có thể gây ù tai theo mạch đập do sự tân sinh mạch máu ở những vùng có tân tạo xương và lắng đọng xương.
Các nguyên nhân của ù tai khách quan không theo mạch đập bao gồm co giật cơ ở tai giữa và cơ khẩu cái. Co giật cơ ở tai giữa do hoạt động của cơ bàn đạp và cơ căng màng nhĩ sẽ gây âm ù như tiếng lách cách hoặc tiếng vo vo có nhịp điệu, và thường chỉ bị một bên. Co giật cơ khẩu cái có thể gây âm ù như tiếng lách cách
Hiện chúng ta chưa có một test khách quan nào giúp đánh giá độ nặng của ù tai chủ quan. Điều quan trọng cần nhớ là phải hỏi bệnh sử chi tiết để đánh giá phân loại tính chất của ù tai, ví dụ: ù tai có theo mạch đập hay không, một bên, 2 bên hay ở sâu trong đầu; ù tai từng cơn hay liên tục và có giảm khi nghe tiếng ồn từ môi trường xung quanh không, ù tai khởi phát lúc nào, kéo dài bao lâu, các nguyên nhân nào bệnh nhân có thể nghĩ đến, cơ chế khởi phát như là ù tai có tiếp xúc với tiếng ồn trước đó không, có kèm theo nghe kém không, hoặc có bàng thính và tiền sử chóng mặt không… Bác sĩ lâm sàng cũng nên hỏi tình trạng nghề nghiệp của bệnh nhân, và xác định xem bệnh nhân có gặp nhiều khó khăn khi bị ù tai không, như rối loạn giấc ngủ, khả năng tập trung giảm, các vấn đề tâm lý tình cảm và tâm lý xã hội, vì những vấn đề này sẽ quyết định xem có cần điều trị không và điều trị bao nhiêu là đủ.
Việc thăm khám bao gồm: Soi tai; Kiểm tra bằng âm thoa; Nghe vùng ống tai ngoài, vùng trước tai và sau tai, ổ mắt và cổ xem có âm thổi động mạch cảnh hay không, tiếng rù tĩnh mạch cảnh, tiếng rù do bất thường động – tĩnh mạch hoặc tiếng lách cách của co giật cơ; khám khớp thái dương hàm, khớp nhai và khớp cắn của bệnh nhân; quan sát vòm khẩu cái; soi đáy mắt; đo nhĩ lượng, thính lực đơn âm, đo âm ốc tai (OAE), đo điện thính giác thân não (ABR); xét nghiệm công thức máu, sinh hóa, chức năng tuyến giáp; Chụp MRI nếu ù tai hoặc nghe kém không đối xứng; Chụp CT, MRI mạch máu, chụp hệ mạch cảnh…
Cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa trong chẩn đoán để tránh bỏ sót sang thương và việc điều trị tùy vào nguyên nhân gây ra ù tai.
(BS CKII Cát Huy Quang – Trưởng khoa Tai mũi họng)
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |