Viêm tai giữa, một bệnh lý nhiều người lầm tưởng ít nghiêm trọng nhưng có thể để lại di chứng suốt đời. Không chỉ là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, mà người lớn cũng có khả năng mắc bệnh viêm tai giữa. Nếu không được điều trị, có thể gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Hiểu đúng về bệnh lý viêm tai giữa giúp người dân phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc do sai lầm trong việc tự chẩn đoán và tự điều trị.
Viêm tai giữa là tình trạng niêm mạc tai giữa của người bệnh (khu vực ở ngay phía sau màng nhĩ) bị viêm, có hiện tượng bị sưng, đỏ, đau, chảy dịch, cơ thể bị sốt gây khó chịu cho người bệnh.
Biến chứng của bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa nếu không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm sẽ tái phát nhiều lần và có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức nghe và sức khỏe lâu dài của người bệnh.
Một khi bệnh tái phát nặng, rất dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, liệt thần kinh mặt. thủng màng nhĩ, xơ màng nhĩ và nghe kém,…
Tình trạng nhiễm trùng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể lan sang các mô lân cận gây nhiễm trùng xương chũm gọi là viêm xương chũm.
Viêm xương chũm có thể dẫn đến hoại tử xương và hình thành các nang chứa đầy mủ trong xương chũm. Đặc biệt, nhiễm trùng ở mức độ nghiêm trọng sẽ lan sang các cấu trúc trong hộp sọ bao gồm não, màng não gây viêm màng não, áp xe não có thể dẫn đến tử vong.
Phân loại của bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa người lớn được chia ra làm ba loại chính:
1. Viêm tai giữa cấp: Là một tình trạng viêm cấp của niêm mạc tai giữa thường xảy ra sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên.
2. Viêm tai giữa mạn: Là tình trạng viêm tai giữa kéo dài hơn 3 tháng có thể chảy mủ qua lỗ thủng màng nhĩ.
3. Viêm tai giữa tiết dịch: Là tình trạng niêm mạc tai giữa bị viêm và tiết dịch, nhưng dịch này không chảy ra tai ngoài mà bị ứ lại trong hòm nhĩ phía sau màng nhĩ còn nguyên vẹn. Dịch ứ có thể là thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo dính.
Triệu chứng bệnh viêm tai giữa
Thường gặp là nghe kém, nặng tai, ù tai
Đau nhức sâu trong tai, đau sau tai và đau nửa đầu cùng bên; Sốt cao thường gặp trong viêm tai giữa cấp hoặc đợt cấp của viêm tai giữa mạn làm cho người bệnh bứt rứt, khó chịu, khó tập trung, mất ngủ.
Chảy dịch tai có thể gặp ở hầu hết người bệnh viêm tai giữa mạn hoặc viêm tai giữa cấp thủng nhĩ.
Viêm tai giữa tiết dịch thường không đau, không sốt, không chảy tai chủ yếu là nghe kém, bệnh diễn biến âm thầm dẫn đến điếc nặng, điếc sâu. Khi đó, việc điều trị khó khăn và kết quả hạn chế.
Nguyên nhân bệnh viêm tai giữa
Viêm đường hô hấp trên bao gồm viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm VA tồn dư, viêm amidan, viêm thanh quản… dễ dẫn đến viêm tai giữa. Vì tai, mũi, họng là những cơ quan có quan hệ mật thiết với nhau. Viêm nhiễm vùng mũi, họng sẽ lan vào tai giữa qua đường vòi tai.
Đường hô hấp trên tiếp xúc thường xuyên với môi trường ô nhiễm: khói, bụi, lạnh, vi sinh vật gây bệnh cũng là yếu tố thuận lợi dẫn đến viêm tai giữa.
Viêm tai giữa mạn tái phát thường gặp ở người chăm sóc, vệ sinh tai chưa đúng cách: không thấm khô nước đọng ở tai ngoài sau khi bơi lội, tắm gội, để nước nhiễm bẩn lọt vào tai giữa qua lỗ thủng màng nhĩ làm viêm tái phát niêm mạc tai giữa.
Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa
Khi vệ sinh tai hãy chú ý thực hiện nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh gây chấn thương ống tai, màng nhĩ làm thủng màng nhĩ và gây ra viêm tai giữa.
Không để nước bẩn vào trong tai đối với trường hợp viêm tai giữa thủng nhĩ
Nếu mắc các bệnh lý về mũi họng, răng miệng hãy điều trị sớm và triệt để.
Thực hiện các biện pháp phòng tránh các bệnh thường gặp trong trong mùa lạnh, các đợt dịch cúm, sởi hoặc những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp.
Điều trị viêm tai giữa
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm tai giữa, tùy vào tình trạng bệnh của mỗi cá thể sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, trong đó phương pháp điều trị nội khoa là chủ yếu. Kháng sinh uống là loại thuốc được lựa chọn trong viêm tai giữa nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc chọn lựa kháng sinh phải được bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng quyết định dựa trên kiến thức về vi khuẩn học và phác đồ điều trị.
Bên cạnh điều trị viêm tai giữa bác sĩ cũng sẽ điều trị triệt để các bệnh liên quan đến vùng mũi họng như viêm mũi xoang, viêm răng miệng, viêm họng, viêm amidan,…
Một số trường hợp viêm tai giữa cấp nung mủ nhưng điều trị bằng nội khoa kém hiệu quả phải phối hợp chích rạch màng nhĩ;
Viêm tai giữa tiết dịch mạn tính phải nội soi vòm họng để tìm nguyên nhân gây tắt vòi tai do khối u vòm họng đặc biệt là ung thư vòm và đặt ống thông nhĩ khí hòm nhĩ (Diabolo);
Viêm tai giữa tái phát thường xuyên do VA tồn dư phải nạo VA;
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu đe dọa biến chứng và việc điều trị nội khoa tối ưu không cải thiện, thì có thể cần đến các phẫu thuật can thiệp vào hòm nhĩ và xương chũm.
Tóm lại, việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tai giữa cần phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc (kháng sinh, kháng viêm…) vì bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng vĩnh viễn.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |