B. Biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường:
1. Biến chứng mạch máu:
a) Biến chứng mạch máu lớn như:
– Bệnh động mạch vành tổn thương trong đái tháo đường gây nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong bệnh lý tim mạch chiếm tỉ lệ 80%. Ngày nay, người ta thường xử trí bằng phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc đặt stent nong mạch vành.
– Bệnh động mạch não gây tai biến mạch máu não như nhồi máu não, xuất huyết não. Dự phòng bằng uống Aspirin liều thấp (81 mg/ngày).
– Bệnh động mạch ngoại biên gây tắc động mạch chi duới dẫn đến loét bàn chân (25%) và có thể cắt cụt chi do hoại tử đầu chi (50%). Ngoài ra, bệnh động mạch ngoại biên còn gây hoại tử khô ngọn chi, tạo những mảng hoại tử sẫm màu ở gan bàn chân hay quanh ngón chân, có khi gây viêm mô tế bào nhiễm khuẩn ở mu chân hoặc gan chân.
b) Biến chứng mạch máu nhỏ như:
– Bệnh lý mắt gồm:
o Bệnh lý mạch máu võng mạc:
Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh: phình mạch, xuất huyết hình chấm, xuất tiết, và phù võng mạc.
Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh: phát triển mao mạch mới đưa đến hậu quả viêm võng mạc tăng sinh, rồi đưa đến bong võng mạc. Điều trị bằng phát hiện sớm để chiếu tia laser quang đông.
o Đục thủy tinh thể: Tiến triển nhanh nếu không kiểm soát đường huyết.
– Bệnh mạch máu thận gây xơ hóa mao mạch cầu thận dẫn đến suy thận và giai đoạn cuối là phải chạy thận nhân tạo. Trong số các bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, 80% có nguyên nhân là suy thận do đái tháo đường.
Để phòng chống bệnh đái tháo đường có hiệu quả nguời ta chia ra các mức phòng bệnh:
• Dự phòng cấp I: Phòng ngừa cho những nguời có yếu tố nguy cơ. Mục đích làm giảm tỉ lệ mới mắc bệnh đái tháo đường và làm chậm thời gian phát bệnh trên lâm sàng.
• Dự phòng cấp II: Phòng ngừa cho những nguời đã mắc bệnh đái tháo đường. Mục đích làm chậm xuất hiện các biến chứng, hoặc làm giảm mức độ nặng khi đã bắt đầu xuất hiện các biến chứng.
1. Dự phòng cấp I:
Theo điều tra ở VN, tỉ lệ người dân mắc bệnh đái tháo đường trên cả nước cuối năm 2008 là 5,0%, tăng gấp đôi so với năm 2002 (2,7%). Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy số người mắc đái tháo đường tăng rất nhanh ở 4 thành phố lớn, từ 4% (2000) lên đến 7,2% (2008).
Bệnh đái tháo đường phát triển ở những người có các yếu tố nguy cơ thúc đẩy sau:
Lớn tuổi: phụ nữ mãn kinh (≥ 50 tuổi)
Nam giới có hút thuốc lá và uống bia rượu
Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường
Sanh con trên 4kg
Đái tháo đường trong thai kỳ
Hội chứng chuyển hóa:
Mập phì thừa cân (BMI ≥ 23, vòng eo ở nam ≥ 90cm, ở nữ ≥ 80cm)
Tăng huyết áp (huyết áp ≥ 140/90 mmHg)
Tăng Triglyceride
Giảm HDL-c
Các yếu tố nguy cơ trên sẽ gây ra tình trạng đề kháng insulin, dẫn đến rối loạn dung nạp glucose, còn gọi là tiền đái tháo đường (pre-diabetes), và nếu tiếp tục không kiểm soát tốt, sẽ phát triển bệnh đái tháo đường sớm. Để tầm soát các yếu tố nguy cơ trên, chúng ta cần sử dụng các phương tiện kỹ thuật cao ở các bệnh viện lớn để thăm dò và phát hiện các yếu tố này. Qua đó, giúp nguời thầy thuốc có các biện pháp can thiệp dùng thuốc hay không dùng thuốc để dự phòng hoặc ít nhất làm chậm quá trình tiến triển từ tiền đái tháo đường sang đái tháo đường.
2. Dự phòng cấp II :
Đề phòng các biến chứng của đái tháo đường để làm chậm xuất hiện các biến chứng hoặc làm giảm mức độ nặng khi đã có các biến chứng. Người ta khuyến cáo đối với các bệnh nhân đái tháo đường lần đầu chẩn đoán phải được giới thiệu đến những cơ sở chuyên khoa (tại các trung tâm y tế, các bệnh viện lớn như BV Vạn Hạnh) để được khám, đánh giá chính xác mức độ, tình trạng bệnh, được hướng dẫn cách tự theo dõi theo tiêu chuẩn thống nhất.