Cu Bi hăm hở khoe mẹ món ăn vặt vừa mua trước cửa trường về: “Mẹ ơi, họ bán rẻ mà ngon quá chừng, ăn là ghiền luôn. Con mua cho mẹ nè”. Món ăn mà Cu Bi hí hửng khoe là xâu thịt ba rọi nướng giá 5000 đồng. Có điều tối hôm đó nó nhất định báo no, không ăn cơm và tối đến thì làm nhà một phen hú vía vì sốt kèm ói và tiêu chảy phải đi cấp cứu giữa đêm.
Rất nhiều bạn như Cu Bi nhà tôi, mê các món ăn trước cửa trường như cơm chiên, bánh tráng trộn, chả cá viên chiên, cóc ổi ngâm,…Còn tôi, cũng như nhiều phụ huynh khác thì cho rằng, món ăn đường phố, trước cửa trường cũng là một trong những ký ức đẹp của tuổi học trò, không thể cấm các cháu!
Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc vấn đề này. Hãy thử nghĩ, hàng chục, trăm tấn thực phẩm ôi thiu bị bắt trên đường đi tiêu thụ mà ti vi nhan nhản đưa tin mỗi ngày, các chất bảo quản, phẩm màu hóa chất được dùng vô tội vạ, công đoạn chế biến bẩn thỉu,…chả phải đều quy về một mẫu số chung là giá rẻ, phục vụ chủ yếu tại những quán ăn di động hay quán ăn cẩu thả, trước những cổng trường, quán nhậu vì lợi nhuận hay sao?
Bác sĩ nói Cu Bi bị ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi tên thông dụng là ngộ độc thức ăn hay trúng thực. Nguyên nhân thì vô số kể: ăn uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc, nấm mốc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, có chất bảo quản, phụ gia, một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…), ngộ độc do ăn phải thức ăn có sẵn chất độc, do nhiễm các chất hóa học, kim loại nặng (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các kim loại nặng như: sắt, chì, do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, do phụ gia thực phẩm, do các chất phóng xạ. Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng,…Ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến tử vong.
Theo Bác sĩ Ngô Thanh Lương, khoa Nội – Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh riêng ở trẻ em nếu bệnh phát đi tái lại nhiều lần hay kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, làm giảm sức đề kháng và chậm tăng trưởng chiều cao. Ngoài ra còn có thể gây ra các biến chứng nặng nề ngoài đường tiêu hóa hay để lại các di chứng sau này hoặc tử vong.
Ở nhà, các mẹ giờ đây luôn cảnh giác với các yếu tố dẫn đến ngộ độc thực phẩm như chọn mua nguồn thực phẩm tươi, ăn uống vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, biết tránh dùng thực phẩm hay nguyên liệu không an toàn như trứng bị vỡ dập, thịt cá, hải sản không còn tươi. Tuy nhiên lại thiếu sự quan tâm, dặn dò các cháu cẩn thận khi ăn các thức ăn đường phố, đặc biệt là trước cổng trường. Nếu quan sát, chúng ta sẽ dễ dàng thấy người bán hàng cả ngày ở ngoài đường, tay chân và thực phẩm (vốn đã không tươi sạch) bám rất nhiều bụi bẩn, gần cống rãnh. Sau khi tẩm ướp các loại hóa chất thì mức độ “thơm, ngon miệng” khỏi phải bàn tới, nhưng đi kèm theo là mức độ gây hại cho sức khỏe về lâu dài thì không thể nào kể xiết. Do vậy, quan trọng nhất vẫn là dạy cho con trẻ hiểu rõ về vệ sinh thực phẩm và mức độ nhiễm bệnh cực kỳ nguy hiểm khi ăn thức ăn đường phố.
Theo Bác sĩ Lương thì không phải chỉ có trẻ con, người lớn cũng mê ăn ngoài đường, xe đẩy,…điều này rất có hại cho sức khỏe về lâu dài. Cụ thể như sẽ mắc những bệnh mãn tính về đường ruột, đặc biệt là ung thư,…
Bác sĩ Lương cũng cung cấp thêm vài cảnh báo: Chúng ta nên vệ sinh tay trước khi ăn, không dùng chung đũa gắp thức ăn và nước chấm để tránh lây nhiễm bệnh đường ruột.
Vậy thì, khi không may bị ngộ độc, chúng ta nên xử lý như sau:
– Loại bỏ nhanh chóng hết các chất độc trong cơ thể bằng cách cho bệnh nhân uống nước, cho nôn thức ăn ra ngoài.
– Sau khi nôn hoặc đi ngoài nên cho bệnh nhân uống hết 1 lít nước pha với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước.
– Trường hợp bị tiêu chảy không nên uống thuốc hãm lại, nên để bệnh nhân càng đi hết càng tốt.
Đối với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có hiện tượng tím tái, khó thở ….cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và có những điều trị cần thiết.
Cá ươn, được chế biến dưới đất, sát ngay cống rãnh…ướp chút gia vị sẽ thành món cá viên chiên mà trẻ hay ăn ngoài đường. (ảnh Internet).