Đái tháo đường (hay tiểu đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng do các biến chứng nặng nề của bệnh đến hệ thần kinh, tim mạch, thận, mắt,…Đây là căn bệnh có thể gặp ở cả người trẻ, theo thống kê năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20-79) mắc bệnh. Nhằm giúp người bệnh tiểu đường hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách điều trị và ngăn ngừa tiến triển cảu bệnh. Bác sĩ Phạm Tấn Pháp – Đơn vị tế bào gốc – Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh sẽ giải đáp các câu hỏi thường gặp về bệnh dưới đây:
1. Bệnh tiểu đường là gì vậy Bác sĩ?
Trong những năm gần đây, số bệnh nhân tiểu đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội. Nhưng nhiều bà con vẫn chưa hình dung được thế nào là bệnh tiểu đường.
Về mặt định nghĩa y khoa, đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, với đặc trưng lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2 tình trạng trên, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn hằng ngày thành năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng dần lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ mắc các bệnh lý như tim mạch, và gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận,…
Điều đó cho thấy rằng trong điều trị bệnh tiểu đường việc quan trong là kiểm soát đường huyết ổn định trong khoảng cho phép và giảm biến chứng của bệnh ở mức thấp nhất.
2. Nghe nói tiểu đường, thế nhưng gia đình tôi không có ai bị tiểu đường vậy tại sao tôi lại bị tiểu đường?
Mặc dù tiểu đường có tỷ lệ di truyền trong gia đình, người thân trực hệ nhưng mà với tỷ lệ thấp nhất định thôi. Bệnh Tiểu đường do nhiều nguyên nhân:
Tiểu đường type 1 do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy nên người bệnh không còn hoặc còn rất ít insulin, 95% do cơ chế tự miễn (type 1A), do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào sản xuất insulin có trong tuyến tụy, khiến bệnh nhân không có hoặc có ít insulin, dẫn đến lượng đường tích lũy trong máu thay vì di chuyển đến các tế bào và 5% còn lại là không rõ nguyên nhân (type 1B).
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu đường type 1 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, ghi nhận đa số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh thấy rằng, khi thành viên trong gia đình mắc bệnh thì bạn cũng có nguy cơ nhẹ mắc bệnh. Hoặc các yếu tố môi trường, phơi nhiễm với một số loại virus cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường type 2 vẫn chưa được làm rõ, một số trường hợp ghi nhận bệnh có di truyền. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân béo phì cũng có liên hệ chặt chẽ với bệnh, tuy nhiên cần phân biệt không phải ai thừa cân cũng đều mắc bệnh tiểu đường type 2.
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tiểu đường type 2 gồm:
- Tiền sử gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột, con mắc bệnh tiểu đường.
- Tiền sử bản thân từng bị tiểu đường thai kỳ.
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
- Tăng huyết áp.
- Ít hoạt động thể lực
- Thừa cân, béo phì.
- Bị rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết đói
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
3. Tôi được chẩn đoán là tiểu đường type 2 vậy là nặng lăm phải không bác sĩ?
Nhiều người sẽ thắc mắc rằng bệnh tiểu đường type 1 và type 2 cái nào nặng hơn hay tiểu đường type 2 là nặng hay nhẹ? Hay tiểu đường nào nặng nhất? Rất khó đưa ra câu trả lời chính xác bởi tiểu đường type 1 hay type 2 nặng hơn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Dù đều là bệnh mãn tính nhưng tiểu đường type 1 và 2 khác nhau ở dấu hiệu và cách kiểm soát bệnh. Nhưng chắc chắn là Không phải type 1 chuyển thành type 2. Việc phân type là do các hiệp hội và chuyên gia về bệnh đái tháo đường đưa ra tùy vào cơ chế bệnh sinh, triệu chứng bệnh, và nhiều yếu tố khác nhằm đưa ra phương thức điều trị phù hợp.
Thông thường đái tháo đường chia làm 4 type:
- Đái tháo đường type 1: Do phá hủy tế bào Beta của tụy, thường dẫn đến thiếu hụt Insulin tuyệt đối có liên quan tự miễn (rối loạn miễn dịch) hoặc vô Căn.
- Đái tháo đường type 2: Do mất dần tiết Insulin của Tế bào Beta tuyến tụy, thường trên nền tảng đề kháng insulin (tức là có insulin nhưng nó giảm tác dụng đi) Chiếm khoảng 90-95%
- Đái tháo đường thai kỳ: đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ mà trước đó không bị Đái tháo đường.
- Các dạng đặc biệt của đái tháo đường do nhiều nguyên nhân khác: thí dụ như đái tháo đường thể đơn gen, đái tháo đường trẻ sơ sinh, đái tháo đường thể MODY, bệnh tuyến tụy ngoại tiết (viêm tụy mạn, xơ hóa nang…) đái tháo đường do sử dụng thuốc Corticoid, thuốc kháng virus trong điều trị HIV…
2 dạng thường gặp là ĐTĐ type 1 và 2 đôi khi rất khó phân biệt ở giai đoạn mới chẩn đoán do biểu hiện lâm sàng và diễn tiến bệnh có thể thay đổi lớn giữa các bệnh nhân. Với chẩn đoán type đôi khi phải chờ diễn tiến thời gan và cần tới các xét nghiệm.
4. Tôi được bác sĩ chẩn đoán là tiền tiểu đường, vậy tiền tiểu đường có nguy hiểm không bác sĩ?
Thuật ngữ tiền tiểu đường dùng để chỉ những người mà nồng độ đường (Glucose) trong máu ở mức cao hơn bình thường nhưng không thỏa tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường. Những người được định nghĩa là có Rối loạn Glucose đói hoặc rối loạn dung nạp Glucose có giá trị Glucose máu lúc đói từ 100 – 125 mg%, hoặc HbA1c 5,7 – 6.4%.
Tiền tiểu đường sẽ gia tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch và nguy cơ chuyển sang đái tháo đường.
Nghiên cứu ở Hoa Kỳ (NHANES) cho thấy rằng nguy cơ bệnh lý võng mạc mắt bắt đầu tăng khi HbA1C >= 5.5%. Tăng nguy cơ bệnh đa dây thần kinh. Tỷ lệ tiểu đạm vi thể cũng tăng gấp đôi khi bắt đầu chẩn đoán. Người bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch so vời người không mắc tiểu đường.
Như vậy tiền tiểu đường là một vấn đề không thể xem nhẹ, nguy cơ thành tiểu đường và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
5. Hiện tại tôi được chẩn đoán tiền tiểu đường, tôi cần phải làm gì?
Khi một người chẩn đoán tiền tiểu đường, tâm lý họ rất sợ sẽ bị tiểu đường. Nhưng vậy phải bắt đầu có can thiệp tích cực để trì hoãn sự chuyển từ tiền tiểu đường thành tiểu đường, mau chóng đưa nồng độ Glucose về mức bình thường và phòng ngừa sự xuất hiện của các biến chứng mạn tính.
Đầu tiên, hãy can thiệp thay đổi lối sống bằng cách: giảm ăn tinh bột (Carbohydrat thấp), chất béo thấp, giảm cân nặng (ít nhất 7%) và duy trì tình trạng giảm cân, vận động thể lực tương đương 150 phút đi bộ nhanh mỗi tuần (cường độ trung bình), bỏ thuốc lá, giảm/ bỏ rượu bia..
Nếu không đạt mục tiêu giảm và duy trì cân nặng với thay đổi tích cực, BS cân nhắc phối hợp việc dùng thuốc để cải thiện tình trạng.
Nếu chúng ta duy trì thay đổi lối sống hiệu quả, không những làm chậm tiến triển tiền tiểu đường mà còn giảm biến chứng của bệnh.
6. Người bệnh tiểu đường nên ăn loại trái cây nào?
5 loại trái cây tốt cho người bệnh đái tháo đường
- Táo: Rất giàu chất xơ, và ít năng lượng. Ăn Táo giúp ta cảm thấy no, giảm thèm ăn các món khác. Táo chứa nhiều Vitamin C và chất chống oxi hóa, giúp hổ trợ kiểm soát đường huyết và giảm các gốc oxi hóa tự do – thủ phạm của các quá trình xơ vữa, lão hóa. Nó còn giúp chống lại các chất béo xấu nên rất tốt cho hệ tim mạch
- Bưởi: có hàm lượng nước cao > 90%, giàu vitamin C, giàu chất xơ hòa tan, chứa chất chống oxi hóa tự nhiên (vị đắng của bưởi), giúp tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, làm giảm chất béo xấu, có lợi cho sức khỏe hệ tim mạch.
- Cam: không những lựa chọn cho Bn tiểu đường, mà còn cho các bệnh lý khác, Cam chứa nhiều chất xơ, ít đường, giàu vitamin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hổ trợ duy trì cân nặng hợp lý, cắt cam ăn từng miếng sẽ tận dụng được lượng chất xơ của cam.
- Lê: Lê chứa nhiều chất chống oxi hóa, làm tăng nhạy cảm với insulin nên rất tốt cho Bn tiểu đường, Người tiểu đường có thể ăn 1 quả lê / ngày, để giảm cảm giác thèm ngọt mà không gây hại
- Bơ: bơ có chứa ít tinh bột, ít ảnh hưởng đến đường huyết, hàm lượng chất béo cao, nhưng đều là chất béo có lợi cho hệ tim mạch, Bơ còn chứa nhiều chất xơ, rất tốt, ăn bơ cơ thể sẽ có cảm giác no, nên hạn chế cảm giác thèm ăn.
7. Khi ăn trái cây chúng ta nên lưu ý gì?
Có 7 lưu ý khi bệnh nhân đái tháo đường ăn trái cây:
- Ăn khi nào: thường ăn sau bữa ăn khoảng 2 tiếng, không nên ăn sau bữa ăn liền vì sẽ gây tăng đỉnh đường huyết sau ăn nên khuyến cáo lúc 9 -10 h hoặc 15 – 16h
- Không ăn nhiều một loại trái cây nhất định: nên ăn đổi bữa, đa dạng và trái cây nhiều màu sắc khác nhau, để bổ sung khoáng chất và vitamin toàn diện.
- Chỉ nên ăn trái cây tươi, hạn chế ăn trái cây khô, đóng hộp, vì lượng đường rất cao,
- Ăn trái cây xa các bữa ăn chính, nhưng không được dùng trái cây để thay thế bữa ăn chính.
- Không nên ép trái cây để uống: để tận dụng được chất xơ trong trái cây.
- Chỉ ăn trái cây tối đa 3 lần/ ngày, mỗi lần chỉ ăn lượng vừa phải, đơn giản là lượng trái cây cỡ một nắm tay của bệnh nhân.
- Những loại trái cây nên tránh: loại có chỉ số đường cao, hàm lượng đường cao: Sầu riêng, nhãn, vải, mít, xoài ngọt.
8. Người bị tiểu đường nên ăn như thế nào?
Người bệnh tiểu đường cần biết mình nên bổ sung thực phẩm như thế nào cho phù hợp, nên ăn gì và không nên ăn gì. Theo đó, những thực phẩm người bệnh tiểu đường nên ăn bao gồm:
- Nhóm đường bột: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ… được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa rán, xào… Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nên nếu người bệnh tiểu đường ăn các loại này thì cần phải giảm hoặc cắt cơm.
- Nhóm thịt cá: Người bệnh tiểu đường nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ, các loại đậu đỗ… được chế biến đơn giản như hấp, luộc, áp chảo nhằm loại bớt mỡ.
- Nhóm chất béo, đường: Các thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường như dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, olive…
- Nhóm rau: Người bệnh tiểu đường nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như ăn sống, hấp, luộc, rau trộn nhưng không nên sử dụng nhiều loại sốt có chất béo.
- Hoa quả: Người bệnh tiểu đường cần tăng cường ăn trái cây tươi, không nên chế biến thêm bằng cách cho thêm kem, sữa, hạn chế ăn các loại quả chín ngọt như: sầu riêng, hồng chín, xoài chín…
Tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh tiểu đường được xác định cụ thể như sau sẽ rất tốt trong ổn định, điều trị bệnh:
- Protein: lượng protein nên đạt 1- 1,2 g/kg/ngày đối với người lớn, tức là tỷ lệ này nên đạt tương đương 15- 20% năng lượng khẩu phần.
- Lipit: Tỷ lệ chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 30%. hạn chế các axit béo bão hòa. Điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch
- Gluxit: Tỷ lệ năng lượng do gluxit cung cấp nên đạt từ 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường. Nên chọn lựa loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: Gạo lức, bánh mì đen, yến mạch, các loại đậu nguyên hạt…
9. Thức ăn bệnh nhân đái tháo đường nên tránh?
Để quá trình điều trị bệnh đái tháo đường đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm sau:
- Hạn chế ăn gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng
- Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều cholesterol gây nguy cơ tăng bệnh tim mạch, không tốt cho sức khỏe nói chung và người bệnh tiểu đường nói riêng.
- Người bệnh tiểu đường không nên ăn thịt lợn mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm, kem tươi, dầu dừa, các loại bánh kẹo ngọt, mứt, sirô, các loại nước có ga…
- Hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy khô, mứt hoa quả… bởi loại này chứa một lượng đường rất cao, không hề tốt cho sức khỏe người bệnh.
10. Tế bào gốc có chữa khỏi bệnh tiểu đường hay không?
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Trong đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày cùng với thiết lập chế độ thể dục thể thao hợp lý kết hợp theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là những việc làm quan trọng nhất mặc dù ở thể bệnh nào.
Ở thể tiểu đường type 1, bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin.
Ở thể tiểu đường type 2, nếu bệnh nhân không cải thiện được tình trạng tăng lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị tiểu đường dạng uống hoặc tiêm để ổn định lượng đường trong máu.
Với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới giúp kiểm soát đường huyết ngày càng tốt hơn. Dù vậy cho đến hiện tại, chưa có phương pháp nào có thể chưa dứt điểm bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, Liệu pháp tế bào gốc trung mô đang dần ứng dụng thể hiện tính an toàn và có đem lại hiệu quả cho bệnh nhân đang mắc đái tháo đường.
Thông qua các cơ chế Kháng viêm, giảm chết tế bào mô tuyến tụy theo lập trình, giảm sự đề kháng của insulin ở các mô ngoại biên, kích thích các tế bào non biệt hóa thành các tế bào beta tụy trưởng thành, tế bào gốc trung mô MSC cùng với các thuốc hạ đường huyết giúp cho người bệnh cải thiện đường huyết, giảm biến chứng tiểu đường và có thể dàn dần giảm liều lượng thuốc điều trị tiểu đường, cải thiện chất lượng cuộc sống.
______________________________________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh