H. pylori là một loại vi khuẩn phổ biến phát triển trong đường tiêu hóa và có xu hướng tấn công niêm mạc dạ dày, chúng là nguyên nhân gây ra hầu hết các vết loét dạ dày. Thế nhưng loại nhiễm khuẩn này lại thường không xuất hiện nhiều triệu chứng, vậy là cách nào để biết mình có đang nhiễm vi khuẩn HP hay không?
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP (H. pylori) dạ dày là một loại xoắn khuẩn có tên đầy đủ là Helicobacter Pylori. Sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa, vi khuẩn này có thể âm thầm phát triển mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày tá tràng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vi khuẩn HP có thể sống và phát triển trong môi trường acid dạ dày, chúng tồn tại bằng cách tiết ra một loại enzyme là Urease , giúp nó trung hòa acid trong dạ dày. Trong dạ dày, chúng xâm nhập và phá hủy lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày tạo điều kiện cho acid dạ dày tấn công vào lớp niêm mạc và tiết ra độc tố gây thoái hóa và hoại tử tế bào dạ dày, acid dịch vị thấm vào gây loét dạ dày.
Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP
Thông thường H. pylori xâm nhập vào dạ dày thông qua 4 con đường chính là:
Đường “Miệng – Miệng”: Đây là đường lây chủ yếu của vi khuẩn, lây lan do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết tiêu hóa của người mắc bệnh.
Đường “Phân – Miệng”: Vi khuẩn có trong phân người bệnh và lây lan ra cộng đồng, do thói quen sinh hoạt ăn đồ sống, nên có thể bị nhiễm vi khuẩn HP.
Đường “Phân – Tay – Miệng”: Sau khi người bệnh đi vệ sinh nhưng rửa tay không sạch, vi khuẩn bám vào tay và lây lan cho người lành.
Các đường khác: Dùng chung thiết bị y tế như thăm khám nha khoa, nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày,…
Trẻ em có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP cao hơn do không thực hành vệ sinh đúng cách, bạn cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn này cao hơn khi bạn sống trong môi trường ô nhiễm, thiếu nước sạch, môi trường sống quá đông đúc.
Nhận biết mình có nhiễm vi khuẩn HP hay không?
Thông thường các triệu chứng của nhiễm khuẩn HP khá thầm lặng, nhưng vi khuẩn có thể làm hỏng lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày của bạn và gây ra viêm loét dạ dày với các triệu chứng như:
- Đau, nóng rát vùng thượng vị
- Đầy hơi, ợ hơi ợ chua, khó tiêu, đầy bụng.
- Buồn nôn, nôn mửa
- Giảm cân không rõ lý do
- Rối loạn phân
Mặc dù nhiễm HP là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm, loét, nhưng không phải ai cũng cần xét nghiệm viêm loét dạ dày. Các xét nghiệm chẩn đoán thường chỉ được thực hiện ở những đối tượng sau:
- Những bệnh nhân đang bị loét dạ dày – tá tràng hoặc có tiền sử bị loét dạ dày
- Tiền sử trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày
- Những người thường xuyên dùng thuốc chống viêm hoặc aspirin trong thời gian dài
Để biết bạn có nhiễm HP hay không bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn làm một trong những xét nghiệm sau:
- Nội soi dạ dày – tá tràng kèm làm phản ứng Clotest, Test hơi thở C13 (hay còn được gọi là thổi bong bóng).
- Xét nghiệm tìm kháng nguyên vi khuẩn H. pylori trong phân.
- Xét nghiệm tìm kháng thể H. pylori trong máu .
Lưu ý: Người bệnh cần ngừng các loại thuốc kháng sinh đang dùng (nếu có) trong vòng 4 tuần và các thuốc ức chế tiết acid (nếu có) trong 2 tuần trước khi làm xét nghiệm chẩn đoán HP.
Điều trị nhiễm khuẩn HP như thế nào?
Theo khuyến cáo bạn nên điều trị nhiễm khuẩn HP nếu có một trong các dấu hiệu sau kèm kết quả xét nghiệm HP (+):
- Loét dạ dày
- Polyp dạ dày
- Sau khi điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm
- Khó tiêu chức năng: Đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, ợ hơi, đau vùng thượng vị và không phát hiện các triệu chứng bất thường khác
- Trào ngược dạ dày thực quản điều trị PPI (thuốc ức chế bơm proton) lâu ngày
- Thiếu máu, thiếu sắt, vitamin B12 không rõ nguyên nhân
- Dùng thuốc kháng viêm non-steroid, apirin lâu dài
Các loại thuốc kháng sinh và thuốc ức chế acid trong dạ dày được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn H. pylori.
Phác đồ điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào tiền sử bệnh của bạn và tình trạng dị ứng nếu bạn bị dị ứng với một số loại thuốc.
Sau khi điều trị, bạn có thể sẽ cần xét nghiệm theo dõi. Trong hầu hết các trường hợp, có thể hết tình trạng nhiễm trùng chỉ sau một đợt điều trị kháng sinh, nếu không bác sĩ sẽ đề nghị thay đổi phác đồ điều trị phù hợp.
Để có thể điều trị dứt điểm vi khuẩn HP bạn cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, đúng liều và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh.
Làm cách nào để phòng ngừa nhiễm khuẩn HP gây viêm loét dạ dày
Hiện nay, vẫn chưa có vacxin phòng ngừa khuẩn HP. Nhưng chúng ta có thể bảo vệ mình tránh nhiễm vi khuẩn HP bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Dùng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng; hạn chế ăn ở các hàng quán, vỉa hè; không ăn thực phẩm ôi thiu…
- Đảm bảo vệ sinh trong chế biến thức ăn: Dùng nguồn nước sạch trong chế biến, dụng cụ nhà bếp sạch sẽ…
- Ăn chín, uống sôi
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng: carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước…
- Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy cơ thể thải độc, trong đó có vi khuẩn HP
- Chủ động bảo vệ bản thân khi sống chung với người mắc bệnh HP
Nhiễm khuẩn HP có thể dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng, tuy nhiên hoàn toàn có thể tiêu diệt được vi khuẩn nếu bạn thực hiện điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ. Đừng quên thực hiện vệ sinh tốt để có thể phòng ngừa nhiễm khuẩn cũng như tránh tái nhiễm.
(theo Ths.Bs. Trần Minh Khôi
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh