Trên toàn cầu có hơn 9 triệu ca gãy xương do loãng xương hàng năm, cứ khoảng 3 giây có 1 ca gãy xương do loãng xương. Trên 50 tuổi, có khoảng 1/3 nữ và 1/5 nam sẽ có gãy xương do loãng xương; 1/5 bệnh nhân gãy cổ xương đùi và đốt sống do loãng xương có thể bị tử vong trong năm đầu tiên sau gãy xương. Ước tính, đến năm 2050: khoảng 50% các ca gãy xương hông do loãng xương xảy ra ở châu Á.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: BVĐK Vạn Hạnh.
1. Khái niệm về bệnh loãng xương
Loãng xương là một bệnh lý đặc trưng bởi sự suy giảm mật độ khoáng xương (BMD) và thay đổi cấu trúc vi thể của xương, dẫn đến giảm sức mạnh của xương và tăng nguy cơ gãy xương. Đây là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi.
2. Phân loại bệnh loãng xương
1. Loãng xương nguyên phát:
o Loãng xương do tuổi già: Liên quan đến sự suy giảm tự nhiên mật độ xương khi già đi.
o Loãng xương sau mãn kinh: Liên quan đến giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh.
2. Loãng xương thứ phát:
o Do các bệnh lý: Cường giáp, cường cận giáp, suy thận, bệnh gan mãn tính.
o Do thuốc: Corticosteroid, thuốc chống động kinh, thuốc ức chế miễn dịch.
o Do dinh dưỡng và lối sống: Thiếu vitamin D, thiếu canxi, ít vận động.
3. Nguyên nhân nào dẫn tới loãng xương?
Loãng xương xuất hiện do sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và huỷ xương, trong đó quá trình huỷ xương diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương mới, hậu quả là khối lương xương giảm dần, cùng với những thay đổi thoái giáng trong mô xương làm cho xương trở nên dễ gẫy
• Nguyên nhân nguyên phát:
o Suy giảm hormon sinh dục (như estrogen ở phụ nữ mãn kinh, testosteron ở nam giới lớn tuổi).
o Quá trình lão hóa tự nhiên làm giảm khối lượng xương.
• Nguyên nhân thứ phát:
o Bệnh lý nội tiết (cường giáp, suy tuyến cận giáp, tiểu đường).
o Thuốc điều trị dài hạn (như corticosteroid).
o Các tình trạng dinh dưỡng hoặc hấp thu kém (thiếu canxi, vitamin D).
Trọng lượng của cơ thể tăng nhanh từ tuổi thiếu niên và đạt khối lượng xương đỉnh trong độ tuổi 25-35 tuổi, sau đó khối lượng xương giảm dần theo tuổi (ở cả 2 giới) và sau độ tuổi mãn kinh ở nữ.
4. Các yếu tố nguy cơ của loãng xương bao gồm gì?
• Không thay đổi được:
o Tuổi cao, giới tính nữ.
o Di truyền, tiền sử gia đình mắc loãng xương hoặc gãy xương.
• Thay đổi được:
o Hút thuốc lá, uống rượu bia.
o Thiếu vận động, chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D.
o Sử dụng thuốc gây ảnh hưởng tới xương (corticosteroid, heparin).
5. Biểu hiện lâm sàng của loãng xương ra sao?
• Giai đoạn sớm: Không có triệu chứng rõ ràng. Thường phát hiện qua đo mật độ xương hoặc khi xảy ra gãy xương.
• Giai đoạn muộn:
o Gãy xương dễ xảy ra, đặc biệt ở các vị trí cột sống, cổ tay, xương đùi.
o Đau cột sống, đau lưng mãn tính.
o Giảm chiều cao, gù lưng.
6. Mục đích điều trị bệnh loãng xương là gì?
• Ngăn ngừa gãy xương bằng cách cải thiện sức mạnh của xương.
• Duy trì hoặc tăng mật độ khoáng xương.
• Giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
• Phòng ngừa các biến chứng liên quan đến gãy xương.
7. Phương pháp điều trị không dùng thuốc như thế nào?
1. Dinh dưỡng:
o Tăng cường canxi qua thực phẩm (sữa, các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh) hoặc bổ sung (1.000-1.200 mg/ngày).
o Bổ sung vitamin D (800-1.000 IU/ngày).
2. Hoạt động thể chất:
o Các bài tập chịu trọng lượng (như đi bộ, leo cầu thang).
o Tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện cân bằng.
3. Kiểm soát lối sống:
o Ngừng hút thuốc, hạn chế rượu bia.
o Phòng ngừa té ngã bằng cách cải thiện không gian sống, sử dụng dụng cụ hỗ trợ nếu cần.
4. Giáo dục bệnh nhân:
o Hướng dẫn tuân thủ điều trị, hiểu biết về bệnh và cách phòng ngừa biến chứng.
Nguồn tham khảo:
• Compston, J., et al. “Management of osteoporosis in postmenopausal women.” BMJ, 2017, pp. 1-9.
• World Health Organization (WHO). Assessment of fracture risk and its application to screening for postmenopausal osteoporosis. Geneva: WHO, 1994, pp. 5-7.
• Raisz, L.G. Pathogenesis of osteoporosis: Concepts, conflicts, and prospects. The Journal of Clinical Investigation, vol. 115, no. 12, 2005, pp. 3318-3325.
• NIH Osteoporosis and Related Bone Diseases National Resource Center. Osteoporosis Overview. Bethesda, MD: NIH, 2015, pp. 10-12.
• Kanis, J.A. Diagnosis of osteoporosis and assessment of fracture risk. The Lancet, 2002, pp. 1929-1936.
• Johnell, O., and Kanis, J.A. An estimate of the worldwide prevalence and disability associated with osteoporotic fractures. Osteoporosis International, 2006, pp. 1726-1733.
• Cosman, F., et al. “Clinician’s Guide to Prevention and Treatment of Osteoporosis.” Osteoporosis International, 2014, pp. 2359-2381.
BS. Đặng Thiên Phụng
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |