Nội soi đại tràng được xem là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa như ung thư đại tràng, viêm đại trực tràng, bệnh Crohn,… ngoài ra nội soi đại tràng còn được sử dụng để chẩn đoán bất thường như dị vật, loét, polyp, trĩ, khối u,…và điều trị các vấn đề đại trực tràng. Vậy nội soi đại tràng có đau không và có những lưu ý nào người bệnh cần nắm trước khi thực hiện quá trình nội soi.
Nội soi đại tràng là gì
Nội soi đại tràng là phương pháp đưa ống nội soi mềm với đường kính khoảng 1cm từ hậu môn đi ngược lên đại tràng để quan sát toàn bộ đại tràng. Qua hình ảnh thu được từ thiết bị nội soi, bác sĩ có thể phát hiện được những tổn thương trong đường ruột như các vùng viêm loét, chảy máu, polyp, khối u…
Nội soi đường tiêu hóa dưới có thể được thực hiện nhằm mục đích:
- Chẩn đoán các bệnh lý đường ruột
- Tầm soát ung thư và các bệnh lý khác đường tiêu hóa
- Điều trị các vấn đề đại trực tràng
- Theo dõi sau điều trị các bệnh lý đại trực tràng
Tại Đơn vị Nội soi tiêu hóa BVĐK Vạn Hạnh, hiện nay, có hai phương pháp nội soi đại tràng đang được áp dụng phổ biến là nội soi thường (không gây mê) và nội soi tiền mê (không đau).
Các phương pháp nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng không gây mê có ưu điểm là chi phí thấp, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện, tuy nhiên một số trường hợp người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, hoặc đau khi tiến hành nội soi.
Nội soi đại tràng tiền mê là phương pháp có thể khắc phục được các khuyết điểm của phương pháp truyền thống như: người bệnh không cảm thấy đau khi nội soi, bệnh nhân nằm im trong quá trình nội soi, giúp hình ảnh chính xác hơn, hiệu quả chẩn đoán cao hơn, các thủ thuật được thực hiện trong quá trình nội soi (nếu có) được diễn ra thuận lợi hơn. Đây là phương pháp an toàn, ít rủi ro, thời gian thực hiện thủ thuật ngắn, lượng thuốc an thần ít nên không hại đến sức khỏe, thời gian gây mê ngắn, bệnh nhân có ý thức sau khi kết thúc cuộc nội soi.
Lưu ý trước khi nội soi đại tràng
Trước khi thực hiện nội soi người bệnh cần phải tuân thủ một số điều lưu ý nhằm:
- Tránh nguy cơ tổn thương và đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện
- Nâng cao hiệu quả thủ thuật và đảm bảo kết quả chính xác nhất: khi các bước chuẩn bị được thực hiện đúng cách, bác sĩ có thể kiểm tra và chẩn đoán bệnh lý chính xác và nhanh chóng hơn.
Sau đây là các lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước khi nội soi đại tràng:
- Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị tiểu đường,…nhằm tránh những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do ảnh hưởng của thuốc trong quá trình thực hiện
- Người bệnh cũng cần thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình cũng như nếu bản thân đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
- Chuẩn bị nội soi trước 1 ngày, người bệnh cần tránh ăn những thức ăn rắn, chỉ ăn lỏng và các thực phẩm ít chất xơ, tránh uống các loại nước có màu xanh, đỏ, tím. Không ăn trước khi nội soi 6 tiếng, bệnh nhân không uống các loại sữa hay nước có màu như trà, nước ngọt, cafe,… trước 4 tiếng, và không uống nước trước nội soi 2 tiếng.
- Trước khi nội soi 4 giờ, bạn cần dùng thuốc xổ theo hướng dẫn của bác sĩ, tốt nhất là đêm trước ngày nội soi, uống thuốc lúc bụng trống sau khi đã nhịn ăn 6 giờ.
- Đối với nội soi có gây mê, bạn nên có người nhà đi cùng để đưa về sau khi thực hiện nội soi để đảm bảo an toàn.
Tại Đơn vị nội soi tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, sau khi nội soi tiền mê người bệnh sẽ được nghỉ ngơi tại phòng lưu trú với sự theo dõi của hệ thống thiết bị và nhân viên y tế trong suốt quá trình từ chuẩn bị ruột đến sau nội noi, cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và rời khỏi phòng nội soi theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, đối với trường hợp bệnh nhân không có người nhà đi cũng vẫn có thể đảm bảo an toàn sau khi nội soi đại tràng.
Lưu ý sau khi nội soi đại tràng
Sau khi nội soi đại tràng người bệnh cũng cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo sức khỏe và hạn chế các biến chứng sau nội soi:
- Sau thực hiện nội soi, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn cho đến khi hết cảm giác khó chịu ở bụng.
- Thông báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường sau nội soi
- Nếu nội soi có gây mê: Sẽ cần một khoảng thời gian để thuốc mê hết tác dụng, người bệnh nên tránh lái xe, điều khiển máy móc trong 12 giờ đầu tiên.
Đơn vị Nội soi tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, hệ thống nội soi phóng đại Fujinon, Olympus có chức năng kỹ thuật nội soi dải tần ánh sáng hẹp (NBI) và hơn 20 ống soi mềm cung cấp hình ảnh chất lượng cao, chính xác những tổn thương nhỏ nhất. Đội ngũ bác sĩ tiêu hóa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cho phép Đơn vị Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh tự tin làm chủ các kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp điều trị nội soi tiêu hóa, đặc biệt là nội soi tiền mê, đem đến kết quả chẩn đoán tốt nhất cho bệnh nhân.
(theo BSCKI Đoàn Ngọc Nhuận – Đơn vị Nội soi tiêu hóa
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
_____________________________________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh