Giấc ngủ đủ giấc khoảng 7 – 9 tiếng trong một ngày giúp ích rất nhiều cho sự tập trung và tăng cường trí nhớ, năng lực lao động. Mất ngủ có thể dẫn đến hiệu suất kém trong công việc hay học tập, tăng nguy cơ chấn thương và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.nếu bạn thường xuyên gặp vấn đề này về giấc ngủ vào ban đêm, thức dậy với cảm giác mệt mỏi hoặc buồn ngủ vào ban ngày, có thể bạn đang gặp phải bệnh lý rối loạn giấc ngủ.
Sau một ngày làm việc, cơ thể chúng ta cần được nghỉ ngơi hoàn toàn để có thể hồi phục khả năng lao động vào ngày hôm sau. Ngủ là trạng thái bình thường của vỏ não người, tạm thời ngừng các hoạt động thông thường, các hoạt động khác của cơ thể được đưa về mức tối thiểu.
Rối Loạn Giấc Ngủ là gì ?
Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh biểu hiện dưới ba hình thức chủ yếu là mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ. Chứng mất ngủ đa phần liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các bệnh rối loạn tâm thần khác, đôi khi là triệu chứng của một bệnh thực thể.
Mất ngủ là một thuật ngữ y học cho những người gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm vào buổi sáng. BIỂU HIỆN:
– Một số người mất ngủ có cảm giác tê bì, châm chích, căng cứng chân tay rất khó chịu. Các biểu hiện này tăng rõ lên vào chiều tối và trước khi đi ngủ làm người bệnh không thể ngon giấc.
– Một số rối loạn giấc ngủ khác cũng khá phổ biến bao gồm ngưng thở khi ngủ (tiếng ngáy gây ra bởi sự tắc nghẽn đường hô hấp), mộng du và chứng ngủ rũ (buồn ngủ một cách tự nhiên).
– Chứng chân bồn chồn và nghiến răng (nghiến răng trong khi ngủ) có thể là yếu tố đóng góp thêm cho rối loạn giấc ngủ.
– Giấc ngủ bất thường gây trở ngại cho hoạt động thể chất, tinh thần và cảm xúc. Căng thẳng hoặc lo âu có thể gây ra một đêm không ngủ nghiêm trọng, cũng như một loạt các vấn đề khác.
– Tuy nhiên, nếu chỉ mất ngủ thoảng qua một vài hôm thì không thể coi là rối loạn giấc ngủ, chỉ khẳng định bệnh khi mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần/ tuần, trong thời gian ít nhất là một tháng.
– Tình trạng mất ngủ kéo dài làm bệnh nhân lo lắng, sợ hãi thậm chí trầm cảm và hậu quả là càng mất ngủ hơn.
RỐI LOẠN LO ÂU VÀ RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
Người ta thấy rằng lo lắng gây khó ngủ và ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có thể gây ra rối loạn lo âu. Các nghiên cứu này cũng cho thấy rằng một số hình thức rối loạn giấc ngủ thì gần như hiện diện trong tất cả các bệnh rối loạn tâm thần. Những người bị mất ngủ mãn tính có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh rối loạn lo âu.
Ngoài vấn đề mất ngủ, bạn có thể gặp những vấn đề than phiền khác như: mệt mỏi, suy nhược, ăn uống kém, chán nản, bồn chồn lo lắng, lo sợ điều gì đó, gây rối loạn tập trung trí nhớ… Mất ngủ có thể dẫn đến hiệu suất kém trong công việc hay học tập, tăng nguy cơ chấn thương và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.
Ngoài rối loạn lo âu, những người có rối loạn giấc ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim, suy tim, nhịp tim không đều, đau tim, huyết áp cao, đột quỵ, tiểu đường và béo phì.
ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
Ngủ đủ giấc khoảng 7-9 tiếng trong một ngày giúp ích rất nhiều cho sự tập trung và tăng cường trí nhớ, cố gắng thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Nếu bạn nghi ngờ bản thân rối loạn giấc ngủ hãy đến khám và tư vấn ở bác sĩ nội khoa hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ bao gồm thuốc ngủ và điều trị tâm lý, nhằm sửa đổi thói quen khó ngủ kéo dài. Điều trị cho rối loạn lo âu cũng có điều trị tâm lý, các kỹ thuật thư giãn và thuốc. Bác sĩ chuyên khoa có thể sử dụng một hoặc kết hợp cùng lúc nhiều phương pháp điều trị.
- Để giảm lo âu, bạn có thể tập thiền định, tập trung vào hơi thở, thở vào và thở ra từ từ, sâu, cố gắng hình dung bạn đang trong một môi trường yên tĩnh như một bãi biển vắng hoặc đồi cỏ xanh.
- Hãy giúp đỡ những người sống quanh bạn như người thân, hàng xóm, làm tình nguyện viên hoặc làm các công tác từ thiện. Giúp đỡ người khác cũng là một biện pháp làm tâm trí của bạn thanh thản hơn.
- Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của bạn. Tập thể dục giúp giải lo âu, thư giãn, giảm stress, giảm đi những nỗi thất vọng trong cuộc sống của bạn . Yoga đặc biệt hiệu quả trong việc giảm sự lo lắng và căng thẳng.
- Chơi nhạc cụ hoặc nghe nhạc êm dịu có thể làm giảm huyết áp, thư giãn tâm trí và cơ thể.
- Hãy để bạn bè và gia đình biết những tâm sự, những phiền muộn của bạn để giảm áp lực lên chính mình. Bạn nên chia sẻ những khó khăn của mình với một ai đó để có lời khuyên hoặc được giúp đỡ.
- Nên tập thói quen thư giãn trước khi đi ngủ. Đọc một cuốn sách, nghe nhạc nhẹ hoặc thiền định. Tránh các chất kích thích như cà phê, sô cô la và nicotine trước khi đi ngủ.
- Làm cho phòng ngủ được mát mẻ, tối và yên tĩnh. Giảm tối đa tiếng ồn, thay đổi nệm và gối cho thật êm ái. Sử dụng phòng ngủ như một phòng chỉ để ngủ, không nên xem TV hoặc làm việc trong phòng ngủ, nên đi ngủ khi bạn đang mệt mỏi. Nếu không đi vào giấc ngủ trong vòng 15 phút, hãy đi sang phòng khác và làm điều gì đó thư giãn.
- Tránh nhìn vào đồng hồ khi thức giấc nửa đêm, điều này có thể làm cho bạn lo lắng, tiếng tích tắc của đồng hồ cũng có thể gây căng thẳng cho những người khó ngủ.
- Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn vẫn còn có vấn đề giấc ngủ.
Thông thường rối loạn lo âu, trầm cảm, và chứng đau nửa đầu có thể cùng xảy ra với nhau. Theo một nghiên cứu năm 2009, chứng đau nửa đầu có thể xảy ra trước khi bị rối loạn tâm thần. Các nhà nghiên cứu thấy rằng 11 % người tham gia trong nghiên cứu có biểu hiện đau nửa đầu khi mắc một số bệnh rối loạn tâm thần.
Những người có rối loạn lo âu xảy ra đồng thời với chứng đau nửa đầu có khả năng làm tăng nặng bệnh trầm cảm. Có đến 40% bệnh nhân bị đau nửa đầu cũng từng có trải qua một giai đoạn trầm cảm.
Nghiên cứu mới này cũng cho thấy rằng những người bị chứng đau nửa đầu kinh niên thường dễ stress sau khi bị chấn thương hơn so với những người bình thường khác. Đây cũng chính là những nguyên nhân quan trọng gây rối loạn giấc ngủ. Tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, những người bệnh đến khám vì rối loạn giấc ngủ sẽ được kiểm tra toàn diện nhằm phát hiện các rối loạn chức năng chuyển hóa của người bệnh có thể như là bệnh cường giáp.
Sau đó là tìm hiểu các nguyên nhân do điều kiện sống như đặc điểm nơi sinh sống, ánh sáng, tiếng ồn, sự trong lành của khí thở. Cuối cùng mới là các đặc điểm tính chất công việc, các yếu tố có thể gây căng thẳng lo âu, đau nửa đầu, áp lực trong công việc, gia đình có thể gây ra rối loạn giấc ngủ. Chỉ có khảo sát kỹ lưỡng và toàn diện như vậy mới giúp chúng tôi tìm ra nguyên nhân và điều trị có hiệu quả chứng rối loạn giấc ngủ, vốn rất thường gặp trong cuộc sống công nghiệp, đưa người bệnh nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường.