Mọi người thường cho rằng rối loạn tiền đình là bệnh lý của người lớn tuổi, tuy nhiên, thực tế bệnh đang ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi. Vậy nguyên nhân và triệu chứng rối loạn tiền đình ở người trẻ là gì? Làm sao hạn chế hay ngăn ngừa căn bệnh này xảy ra?
Hình ảnh minh họa. Nguồn: BVĐK Vạn Hạnh.
1. Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não.
Phân loại gồm hai nhóm nguyên nhân chính là:
– Rối loạn tiền đình ngoại vi (chiếm 90-95%) là tình trạng được gây ra do tổn thương tai trong, dây thần kinh tiền đình hoặc có bệnh lý tắc mạch máu vùng sau cổ. Triệu chứng thường rầm rộ khiến bệnh nhân chóng mặt và mất thăng bằng nhiều nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
– Rối loạn tiền đình trung ương là do các tổn thương nhân tiền đình ở thân não và tổn thương tiểu não, tuy nhóm bệnh này ít gặp hơn nhiều nhưng khó chữa và nguy hiểm vì liên quan đến tai biến mạch máu não.
2. Các triệu chứng thường gặp là:
– Chóng mặt: Đây là biểu hiện điển hình của rối loạn tiền đình ngoại biên, thể hiện qua những cơn chóng mặt mọi vật xung quanh xoay tròn, xảy ra trong thời gian ngắn theo tư thế của đầu và kèm theo buồn nôn, nôn. Lý do gây nên điều này là dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Đa phần các trường hợp sau khi được nghỉ ngơi thì các dấu hiệu trên cũng chấm dứt.
– Rối loạn thăng bằng: Bệnh nhân rối loạn tiền đình thường bị rối loạn thăng bằng, ảnh hưởng đến việc đi đứng. Nguyên nhân gây nên tình trạng ấy là do tổn thương tiểu não ảnh hưởng tới mắt và vùng cổ gáy.
– Mất ngủ, có vấn đề về tâm lý hoặc nhận thức: Người bệnh rối loạn tiền đình khó tập trung, lo lắng quá mức, giảm khả năng chú ý: đầu óc người bệnh thường trong trạng thái lâng lâng, mơ hồ, hay bị mất tập trung và có cảm giác sợ ngã.
– Rung giật nhãn cầu: Rối loạn tiền đình có thể làm xuất hiện triệu chứng rung giật nhãn cầu với chuyển động bất thường lặp đi lặp lại, không chủ ý của nhãn cầu.
Ngoài ra, rối loạn tiền đình còn biểu hiện các triệu chứng khác tùy vào vị trí tổn thương như: ù tai, giảm thính lực, rối loạn nuốt, hội chứng tiểu não,…
3. Nguyên nhân rối loạn tiền đình ở người trẻ?
3.1. Căng thẳng, stress quá mức
Áp lực học tập, công việc cũng như cuộc sống thường ngày khiến người trẻ có xu hướng bị stress quá mức. Tình trạng này kéo dài có thể làm tổn thương hệ thần kinh cũng như ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình, gây ra các triệu chứng rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đình còn liên quan đến tình trạng mất ngủ, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8 và hệ thống tiền đình.
3.2. Thói quen lười vận động
Rối loạn tiền đình ở người trẻ còn liên quan với thói quen lười vận động và đặc điểm công việc phải tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trong thời gian dài.
3.3. Mất ngủ kéo dài
Vấn đề mất ngủ diễn ra trong thời gian dài ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8, gây ra sự sai lệch trong quá trình dẫn truyền thông tin.
3.4. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân thường gặp trên, người trẻ bị rối loạn tiền đình còn do các nguyên nhân khác như:
• Bệnh lý tim mạch: Các vấn đề tim mạch như huyết áp thấp, thiếu máu, tai biến,… là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Nguyên nhân là do lưu thông máu đến não kém làm ảnh hưởng chức năng của hệ thống tiền đình.
• Bệnh lý thần kinh: Rối loạn tiền đình ở người trẻ cũng có thể là hậu quả của các bệnh lý thần kinh như: viêm dây thần kinh do virus, u dây thần kinh, u góc cầu tiểu não, u thân não, thiếu máu não hệ sống nền, áp xe não, máu tụ vùng hố sau,…
• Bệnh lý tai: Các bệnh lý ở tai như viêm mê nhĩ, bệnh Meniere (gây rối loạn thính lực), thạch nhĩ lạc chỗ (sỏi tiền đình), viêm tai giữa,… cũng có thể dẫn đến rối loạn tiền đình ở người trẻ.
• Ô nhiễm tiếng ồn: Thường xuyên sống và làm việc ở môi trường nhiều tiếng ồn có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố khởi phát các triệu chứng rối loạn tiền đình ở người trẻ.
• Thay đổi thời tiết: Người trẻ có thể khởi phát rối loạn tiền đình do sự thay đổi đột ngột của thời tiết hay nhiệt độ môi trường.
• Nhiễm độc: Việc phơi nhiễm với một số chất độc hoặc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn tiền đình ở người trẻ.
4. Điều trị và phòng tránh rối loạn tiền đình ở người trẻ
4.1. Cách xử trí cơn chóng mặt cấp
Khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình, để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ thì cho bệnh nhân dùng thuốc theo đúng hướng dẫn (ngoại trừ trường hợp bệnh nhân nói khó, rối loạn chức năng nuốt thì không dùng thuốc bằng đường uống lúc này).
4.2. Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình ở người trẻ
Sau đây là một số biện pháp giúp hạn chế, ngăn ngừa và phòng tránh tái phát triệu chứng rối loạn tiền đình ở người trẻ tuổi:
– Khám sức khỏe thần kinh định kỳ
– Hạn chế căng thẳng, stress
– Tránh ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, điện thoại
– Không thức khuya
– Uống đủ nước
– Tăng cường vận động
– Tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ
– Vật lý trị liệu phục hồi chức năng
Rối loạn tiền đình ở người trẻ không phải là một bệnh cấp tính nguy hiểm và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ bệnh, người bệnh nên đến khám tại các chuyên khoa Nội thần kinh hoặc Tai Mũi Họng để có hướng điều trị kịp thời, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng.
Tư vấn chuyên môn bài viết từ BS.CKI Huỳnh Văn Phụng
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |