Bs. Đồng Sĩ Tính – Phòng khám 2 (Theo Everyday Health )
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường đi kèm bệnh hen phế quản (HPQ). Khoảng 3/4 bệnh nhân hen đồng thời mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản và trong số những người bị trào ngược dạ dày thực quản thì số người bị hen cao gấp đôi. trào ngược dạ dày thực quản còn là nguyên nhân làm cho bệnh hen trở nên dai dẳng và kém đáp ứng với thuốc điều trị.
Mặc dù có sự liên quan rõ ràng giữa bệnh hen và trào ngược dạ dày thực quản, các nhà khoa học đã cố gắng tìm lời giải thích cho câu hỏi được đặt ra là:
– Có yếu tố nào của bệnh hen dẫn đến chứng trào ngược dạ dày thực quản?
– Có phải trào ngược dạ dày thực quản cũng là tác nhân làm bệnh hen nặng lên?
Sự tương quan giữa bệnh hen và bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
Các nghiên cứu tìm ra chứng cứ hiển nhiên rằng cả hai bệnh trào ngược dạ dày thực quản và bệnh hen có tác động lên nhau: bệnh hen làm cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản nặng hơn và trào ngược dạ dày thực quản là yếu tố kích phát mạnh lên bệnh hen.
Một sự thay đổi áp lực trong lồng ngực và trong ổ bụng khi lên cơn hen kịch phát sẽ làm nặng thêm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản vì áp lực trong ổ bụng gia tăng làm cơ vòng dưới thực quản dãn ra gây nên trào ngược thực quản.
Có một số giả thuyết cho rằng trào ngược dạ dày thực quản làm cho bệnh hen nặng lên:
1- Dịch vị trào ngược có thể đi lạc vào phổi. Hiện tượng nầy lập đi lập lại nhiều lần gây kích thích ở phổi và làm cho phổi trở nên nhạy cảm với dịch vị hơn cả bụi khói, phấn hoa…vốn được xem là yếu tố kích phát cơn hen.
2- Dịch vị trào ngược làm kích phát phản xạ thần kinh bảo vệ làm co thắt đường thở để ngăn không cho dịch vị vào phổi, sự co thắt cuống phổi làm khởi phát cơn hen.
Một nghiên cứu gần đây ở trường đại học DUKE phát hiện ra rằng việc hít dịch vị vào phổi có thể làm biến đổi hệ miễn dịch và gây ra bệnh hen. Trong phòng thí nghiệm người ta cho một lượng nhỏ dịch vị vào phổi chuột và theo dõi trong 2 tháng. Cơ thể chuột có sự thay đổi hệ miễn dịch tương tự như trong cơ thể người bị bệnh hen. Ở chuột không hít dịch vị vào phổi không có sự thay đổi nào ở hệ miễn dịch cả.
Điều trị Hen và trào ngược dạ dày thực quản:
Nghiên cứu cho thấy ở bệnh nhân hen có kết hợp trào ngược dạ dày thực quản, việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản làm cho triệu chứng hen giảm nhẹ trong 70% trường hợp. Nghiên cứu nầy cũng chỉ rõ rằng điều trị trào ngược dạ dày thực quản làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc hen ở 62% bệnh nhân.
Nếu bạn vừa mắc bệnh hen cùng lúc với trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ sẽ xem lại yếu tố kích phát hen của bạn để cho thuốc thích hợp, đồng thời hướng dẫn bạn cách thay đổi lối sống nhằm làm giảm bớt triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Các thay đổi lối sống giúp làm giảm đi triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản là:
– Ăn khẩu phần ít lại.
– Sau bữa ăn không nằm ít nhất 2-3 giờ.
– Hạn chế những loại thực phẩm có thể làm nặng thêm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản như cay, béo, chua, cà phê, bạc hà, sô cô la.
– Nếu thừa cân hoặc béo phì, bạn cần giảm cân để giảm sức ép lên dạ dày.
– Khi nằm kê đầu giương cao lên khoảng 15-20 cm để dịch dạ dày không trào ngược lên thực quản. (Không nằm gối cao vì gập người làm tăng sức ép vào dạ dày. Ghi chú của người dịch)
– Không uống rượu vì rượu làm dãn cơ vòng dưới thực quản gây trào ngược dịch vị lên thực quản.
– Không hút thuốc vì cũng làm rối loạn chức năng cơ vòng dưới thực quản.
– Không mang dây thắt lưng chật quá.
Ngoài việc thay đổi lối sống kể trên, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng acid, thuốc chẹn H2, thuốc ức chế bơm proton để kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Mặc dù vẫn còn đang nghiên cứu, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy một số thuốc điều trị hen như theophylline (Theodur, Theolair) có thể làm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản nặng thêm.
Nếu bạn mắc bệnh hen và ghi nhận triệu chứng hen nặng thêm sau khi ăn hoặc buổi tối khi đi ngủ, hoặc có những đợt viêm thanh quản thì có thể bạn có bệnh trào ngược dạ dày thực quản đi kèm, hãy báo cho bác sĩ biết để được điều trị cùng lúc cả hai bệnh.
Tóm lại, bệnh hen và trào ngược dạ dày thực quản thường đi kèm với nhau, với việc thay đổi lối sống và dùng thuốc ta có thể kiểm soát được cả hai bệnh trên.