Khi nói đến tình trạng mỡ máu cao, đa số trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến người béo phì, thừa cân hay người cao tuổi nhưng trên thực tế ngay cả người gầy cũng rất dễ gặp phải tình trạng mỡ máu cao.
Mỡ máu cao: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
Nguyên nhân gây nên tình trạng mỡ trong máu cao là gì?
Mỡ là thành phần quan trọng có trong máu, tuy nhiên nếu như hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn lipid máu. Đa số người bệnh đều do chế độ ăn quá nhiều đạm, mỡ, tinh bột, đường và hạn chế vận động cơ thể. Ngay cả người trẻ, người gầy nếu như chế độ ăn uống không khoa học sẽ rất dễ mắc chứng mỡ máu.
1. Yếu tố di truyền
Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn mỡ máu nguyên phát. Vì thế, nếu bố , mẹ, anh, chị, em ruột bạn bị mỡ trong máu cao thì bạn có nguy cơ mắc mỡ máu cao bất kể thể trạng nào.
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh mỡ máu thì khả năng những người thân trong gia đình bị tăng mỡ máu sẽ đặc biệt cao, đồng thời khi chuyển hóa cholesterol có vấn đề cũng sẽ dẫn đến tình trạng tăng mỡ máu.
2. Mắc một số loại bệnh
Khi mắc một trong số những bệnh này người bệnh cũng có khả năng mắc bệnh cao: Hội chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu, bệnh thận, bệnh gan, hội chứng buồng trứng đa nang bao gồm bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp,…
Khi cholesterol tốt giảm đi và cholesterol xấu tăng lên gây rối loạn chuyển hóa lipid máu
3. Ít vận động
Một trong những lý do khiến người gầy có lượng cholesterol cao là tình trạng ít hoạt động thể chất, thậm chí không tập thể dục (do họ nghĩ mình không cần đốt calo để giảm cân). Kết quả của việc lười vận động là sự gia tăng các axit béo bão hòa trong cơ thể, dẫn đến tăng mức cholesterol xấu.
4. Thói quen ăn uống không lành mạnh
Nếu có chế độ ăn uống thiếu khoa học, ngay cả những người thiếu cân cũng sẽ bị rối loạn lipid máu. Mức cholesterol tăng trong máu đến từ việc tiêu thụ một số loại thực phẩm rất giàu cholesterol xấu như bơ thực vật, thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, tôm…
5. Lạm dụng rượu bia
Chính vì không bị thừa cân – béo phì nên người gầy ít khi kiêng cữ rượu bia. Kết quả là, tiêu thụ lượng rượu quá mức cho phép sẽ dẫn đến sự gia tăng các lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C).
6. Hút thuốc
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ cholesterol cao. Carbon monoxide trong khói thuốc lá có thể làm tăng sự lắng đọng cholesterol trong các động mạch, khiến chúng cứng lại và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Nicotine cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do làm hẹp động mạch.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng mỡ trong máu cao
Việc điều trị mỡ trong máu cao thường kết hợp cả 3 phương pháp: điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường vận động và sử dụng thuốc (nếu cần). Tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị riêng.
Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh
Giảm chất béo và tăng lượng chất xơ, với khẩu phần trái cây và rau quả hàng ngày cũng như khẩu phần cá.
Tránh lựa chọn thực phẩm không lành mạnh, nhiều dầu mỡ như thức ăn nhanh vì thức ăn này có nhiều chất béo và cholesterol. Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid béo bão hòa (trứng, phủ tạng động vật, mỡ trong thịt heo, thịt bò,…), nhiều cholesterol xấu (lòng đỏ trứng, bơ thực vật, tôm…). Thay vào đó, nên tăng cường thực phẩm giàu axit béo không bão hòa như dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu bắp, cá
Không nên ăn tối quá muộn, thực phẩm chức nhiều đạm vì sẽ rất khó tiêu khiến cholesterol đọng trên thành động mạch.
Thay đổi chế độ ăn kiểm soát chất béo nạp vào vô cùng quan trọng với người mỡ máu cao
Tăng cường vận động
Duy trì tập thể dục đều đặn từ 20-30 phút mỗi ngày giúp kiểm soát cân nặng. Giúp giảm lượng LDL-C, tăng HDL-C, nhờ đó góp phần kiểm soát tốt huyết áp và lượng đường huyết. Không những vậy, thể dục thể thao còn giúp bạn tăng cường sức khỏe, thúc đẩy thêm quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng.
Nếu bạn không có thời gian, hãy cố gắng kết hợp hoạt động thể chất vào thói quen hàng ngày của bạn, chẳng hạn như leo cầu thang thay vì đi thang máy
Không hút thuốc, hạn chế rượu bia
Uống ít hơn hai ly mỗi ngày đối với nam giới và một ly đối với phụ nữ, ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm mức cholesterol và chất béo trung tính.
Sử dụng thuốc hạ mỡ máu
Nếu việc thay đổi lối sống không làm giảm mức mỡ máu, người bệnh có thể dùng thuốc giảm cholesterol. Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc điều trị rối loạn mỡ máu như statin, Metformin,.. Lựa chọn loại nào phụ thuộc vào thể trạng người bệnh, mức độ tăng cholesterol, các biến chứng trên mạch máu và các bệnh lý nền khác. Vì vậy người bệnh cần đi khám để bác sĩ đánh giá toàn diện, từ đó có chỉ định thuốc phù hợp.
Nếu như bị mỡ máu cao, người bệnh cần phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/ lần để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi, tư vấn biện pháp khắc phục và điều trị bệnh sớm khỏi dứt điểm hiệu quả.
(theo Ths.Bs. Thái Thị Mai Yến
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh