Viêm âm đạo do nấm là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ, thế nhưng nhiều người lại thường chủ quan và không quan tâm đến các triệu chứng của bệnh dẫn đến tình trạng khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Vậy việc điều trị căn bệnh này như thế nào và có điều gì cần lưu ý, hãy xem ngay tại bài viết dưới đây.
Viêm âm đạo do nấm là gì?
Âm đạo phụ nữ thông thường sẽ có sự cân bằng giữa vi khuẩn và nấm men. Âm đạo phụ nữ trong tuổi sinh đẻ gồm có vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí sống cộng sinh với nhau, không gây bệnh nếu độ pH=3,8-4,5.
Hormone estrogen giúp vi khuẩn có lợi lactobacillus phát triển, vi khuẩn này chiếm 80% các vi khuẩn trong âm đạo góp phần duy trì độ pH=3,8-4,5, acid lactic còn có tác dụng gián tiếp tiêu diệt vi khuẩn có hại.
Tuy nhiên, khi sự cân bằng hormone đó bị xáo trộn thì sẽ tạo cơ hội cho nấm Candida phát triển và gây nhiễm trùng âm đạo.
Nhiễm nấm âm đạo là tình trạng nấm Candida albicans phát triển quá mức, dẫn đến viêm, ngứa, kích ứng, tiết dịch, đau rát.
Triệu chứng nhận biết viêm âm đạo do nấm
Ngứa và khó chịu là hai triệu chứng chủ yếu của viêm âm đạo, ngoài các triệu chứng trên bạn cũng có thể mắc một số triệu chứng khác kèm theo như:
- Nóng, đỏ, sưng ở âm đạo và âm hộ.
- Đau, rát khi đi tiểu.
- Đau rát khi quan hệ tình dục.
- Khí hư ra nhiều bất thường, dịch tiết có màu vàng, kèm mùi khó chịu.
Khi có bất cứ dấu hiệu nào như trên thì có lẽ bạn đã bị viêm âm đạo, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Nguyên nhân gây tình trạng viêm âm đạo do nấm
Nấm men Candida albicans là nguyên nhân chính gây ra viêm âm đạo. Ngoài ra, còn có nhiều lý do khác có thể khiến bạn bị nhiễm nấm như:
- Thay đổi hormone.
- Bệnh tiểu đường: Glucose trong máu tăng cao, khiến nguy cơ glucose trong âm đạo tăng, đây là môi trường thuận lợi cho các loại nấm men phát triển.
- Thuốc kháng sinh.
- Thụt rửa âm đạo.
- Suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Phụ nữ mang thai dễ mắc viêm nhiễm âm đạo hơn so với bình thường.
- Một số nguyên nhân khác gồm chế độ ăn không lành mạnh, suy giảm miễn dịch, thiếu ngủ,…
- Mặc đồ lót quá chật, không thoáng khí, không thấm mồ hôi, không thay quần lót thường xuyên và vệ sinh quần lót không đúng cách.
- Thụt rửa và sử dụng thuốc xịt âm đạo không đúng cách: Gây mất cân bằng âm đạo.
Cách điều trị viêm âm đạo do nấm
Đầu tiên bệnh nhân sẽ được thực hiện kiểm tra pH và xét nghiệm dịch âm đạo.
Việc điều trị nấm âm đạo sẽ dựa vào mức độ nặng của tình trạng viêm nhiễm nấm.
Đối với các trường hợp từ nhẹ đến trung bình bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh sử dụng các loại kem bôi, sử dụng thuốc mỡ hoặc thuốc đặt (chứa miconazole hoặc clotrimazole). Người bệnh sẽ cần dùng thuốc trong khoảng 1 – 7 ngày. Bác sĩ cũng có thể kê thêm đơn thuốc uống với fluconazole, tuy nhiên phụ nữ có thai không nên sử dụng thuốc uống kèm theo.
Đối với các trường hợp triệu chứng diễn biến nặng hơn và diễn ra thường xuyên bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn:
- Sử dụng thuốc dài ngày vài tuần đến vài tháng (fluconazole 150 mg mỗi tuần hoặc ketoconazole 100 mg một lần/ngày trong 6 tháng).
Biến chứng của viêm âm đạo do nấm
Mặc dù viêm âm đạo do nấm không phải là một căn bệnh nguy hiểm, thế nhưng nếu kết hợp với các nhiễm khuẩn khác khi không được điều trị sớm dễ dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng nặng đến người bệnh như:
- Viêm nội mạc tử cung: Khi viêm nhiễm phát đi phát lại và kéo dài, vi khuẩn đi ngược từ âm đạo lên đường sinh dục, bệnh có thể gây sốt chảy máu âm đạo và đau vùng chậu.
- Viêm nhiễm vùng chậu: Khi vi khuẩn tấn công và phát triển mạnh mẽ vùng âm đạo gây tình trạng viêm nhiễm vùng sinh dục phía trên bao gồm viêm tử cung, viêm vòi trứng, viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng,….
- Các biến chứng diễn ra trong thai kỳ: Có thể dẫn đến viêm màng ối là một trong những nguyên nhân gây nguy hại cho bé, có thể dẫn đến vỡ ối non, sinh thiếu tháng, nhẹ cân. Viêm âm đạo cũng có thể gây nhiễm trùng hậu sản và biến chứng sau mổ.
- Ảnh hưởng đến khả năng mang thai: Khi mất cân bằng pH âm đạo tức là pH<3,8 sẽ gây viêm âm đạo do nấm đồng thời làm tinh trùng khó sống và di chuyển để thụ tinh (pH để tinh trùng bơi là 7-8,5). Ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, thậm chí là gây vô sinh cho phụ nữ.
Làm thế nào để phòng ngừa viêm âm đạo do nấm
Để có thể phòng ngừa nấm âm đạo bạn hãy lưu ý duy trì các biện pháp chăm sóc vùng kín như sau:
- Giữ cho âm hộ sạch sẽ.
- Mặc quần áo vải thấm hút cho phép không khí lưu thông giảm độ ẩm âm đạo và tránh nấm phát triển.
- Tránh mặc quần bó sát hoặc đồ lót quá chật.
- Tránh thụt rửa âm đạo.
- Không sử dụng kháng sinh khi không cần thiết, nếu sử dụng kháng sinh dài ngày, có thể uống thêm men vi sinh hoặc tiêm đặt âm đạo để cân bằng pH âm đạo, giúp phục hồi lượng vi khuẩn tự nhiên của cơ thể. .
- Không nên mặc quần áo ướt, đồ bơi và trang phục tập luyện trong thời gian dài.
Viêm âm đạo do nấm hoàn toàn có thể được điều trị khỏi nhờ vào việc sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và duy trì thói quen vệ sinh tốt. Lưu ý không nên tự ý mua thuốc vì như vậy sẽ gây ra nguy cơ nhờn thuốc và bệnh càng khó điều trị hơn.
Mặc dù không phải là một căn bệnh nguy hiểm thế nhưng nếu như không được điều trị kịp thời dễ để lại nhiều biến chứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
(theo Ths.Bs. Phun Lan Phương
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh