1. Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Vi khuẩn chủ yếu gây bệnh tại vùng họng và đường hô hấp trên, đôi khi gây bệnh ngoài da.
Một trong những đặc tính nguy hiểm của vi khuẩn bạch hầu là tiết ra ngoại độc tố phá hủy tế bào, độc tố có thể được hấp thu vào máu, theo tuần hoàn đi khắp cơ thể, từ đó gây tổn thương các cơ quan ở xa hơn như cơ tim, thận và hệ thần kinh trung ương.
Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu là 5-10%, riêng ở trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi, tỷ lệ này tăng lên 20%.
2. Bệnh lây lan như thế nào?
Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng văng ra khi người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nói, ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng này qua đồ chơi, đồ dùng.
3. Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ nhỏ và người lớn chưa có miễn dịch.
Bệnh thường xảy ra trong khu vực dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh không đảm bảo và người dân không được chủng ngừa đầy đủ.
4. Dấu hiệu thường gặp của bệnh?
Sau khi nhiễm vi khuẩn từ 2-5 ngày, người bệnh xuất hiện các dấu hiệu sau:
– Sốt nhẹ
– Viêm đường hô hấp trên: ho, đau họng, sổ mũi, mỏi mệt, nhức đầu…
– Sưng hạch vùng hầu họng làm cổ sưng to “bạnh cổ bò”
– Xuất hiện các màng trắng đục (hay còn gọi là giả mạc) ở lưỡi, xung quanh vòm hầu, nhiều nhất là thành sau hầu và bám rất chắc, dễ chảy máu khi bóc. Các giả mạc này làm cho việc thở và nuốt khó khăn.
5. Bệnh có những biến chứng nguy hiểm nào?
Biến chứng do giả mạc: Giả mạc gây tắc nghẽn thanh quản làm người bệnh thở nhanh, khó thở, tím tái dẫn đến tử vong.
Biến chứng tim: Thường xảy ra vào tuần thứ 1 hoặc 2 của bệnh. Độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây viêm cơ tim, viêm màng trong tim, rối loạn nhịp tim, suy tim dẫn đến tử vong.
Biến chứng thần kinh: Thường xảy ra chậm từ ngày thứ 10 đến 3 tháng sau khi khởi bệnh. Độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể gây liệt cơ vận nhãn, liệt mặt, liệt cơ vùng hầu họng, liệt cơ thanh quản…
Ngoài ra, còn có các biến chứng viêm phổi, suy thận, nhồi máu não, nhiễm trùng huyết…
6. Bệnh được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Cần chẩn đoán sớm dựa trên triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm tìm vi khuẩn và điều trị kịp thời để tránh tử vong. Người bệnh được tiêm giải độc tố bạch hầu và sử dụng kháng sinh đặc hiệu.
7. Làm sao phòng ngừa được bệnh?
– Tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh tốt nhất:
Lịch tiêm chủng vắc-xin DTP hoặc Quinvaxem cho trẻ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổiMũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 thángMũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 thángMũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.Người lớn tiêm vắc-xin Td và tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
– Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối loãng; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.
– Tránh tiếp xúc với người bệnh, nếu tiếp xúc phải mang khẩu trang y tế.
– Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng: sau khi che miệng khi ho, hắt hơi; trước khi cho trẻ ăn; khi chế biến thức ăn.
– Vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; lau chùi bàn/ghế; rửa sạch các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng nước sạch, xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Thực hiện vệ sinh thông khí: thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, học tập hàng ngày.
– Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể dục, nâng cao thể trạng.
– Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và cách ly kịp thời.
8. Cần làm gì để phòng lây nhiễm trong cộng đồng khi có ca bệnh?
– Cách ly người bệnh ít nhất 2 ngày sau khi điều trị kháng sinh phù hợp, đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.
– Quản lý và khử khuẩn đồ dùng, chất thải, dịch tiết mũi họng của người bệnh.
– Sử dụng thuốc điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc gần càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh có liên quan.
Trước đây, bệnh Bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng sau 20 năm vắc-xin phòng bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong tháng 7/2016, bệnh bùng phát thành dịch tại tỉnh Bình Phước, là địa phương gần với Tp. Hồ Chí Minh và có sự giao lưu đi lại thường xuyên, do đó các đơn vị y tế và các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố cần tăng cường truyền thông các biện pháp phòng ngừa bệnh, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để duy trì miễn dịch cho cả cộng động.
Khuyến cáo phòng, chống bệnh Bạch hầu:
– Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, DT đầy đủ, đúng lịch.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
– Che miệng khi ho, hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày.
– Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
– Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
– Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.