1. Bệnh do não mô cầu là gì?
• Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây ra.
• Bệnh có những biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong rất nhanh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
• Vi khuẩn gây bệnh tại nhiều chỗ: mũi họng, màng não, khớp… Thường gặp và nặng nhất là viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
2. Bệnh lây lan như thế nào?
• Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng văng ra khi người bệnh nói, ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, họng của người bệnh.
• Người bệnh và người lành mang vi khuẩn là nguồn bệnh duy nhất, ước tính có khoảng 10 – 20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng mà không có dấu hiệu bệnh.
3. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh?
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi; thanh thiếu niên; người lớn (dưới 30 tuổi); những người sống trong ở nơi đông người, chật chội, kém vệ sinh (nhà trẻ, trường học, chung cư, trại lính..), người hút thuốc là chủ động và bị động, người có cơ địa suy giảm miễn dịch.
4. Dấu hiệu thường gặp của bệnh?
• Sốt cao đột ngột 39 – 40C.
• Đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn.
• Cứng cổ (trẻ nhỏ có thóp phồng).
• Lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng.
• Các nốt xuất huyết hình sao màu đỏ hoặc tím thẫm (còn gọi là tử ban), tạo thành từng mảng với hoại tử ở trung tâm, thường gặp ở hai chân, xuất hiện sớm và lan nhanh cùng lúc với sốt trong 24 giờ đầu.
Biến chứng nhiễm trùng huyết do não mô cầu gây ra rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh sốc, tử vong nhanh chóng.
5. Bệnh có thể để lại di chứng nào?
Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, bại liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 – 15%.
6. Làm sao phòng ngừa được bệnh?
– Tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh tốt nhất (Tiêm 1 mũi cho trẻ từ 2 tuổi và tiêm nhắc lại mỗi 3 năm).
– Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối loãng; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.
– Tránh tiếp xúc với người bệnh, nếu tiếp xúc phải mang khẩu trang y tế.
– Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng: sau khi che miệng khi ho, hắt hơi; trước khi cho trẻ ăn; khi chế biến thức ăn.
– Khi tiếp xúc nơi đông người, gần người bệnh hoặc tại ổ dịch cần phải đeo khẩu trang.
– Vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; lau chùi bàn/ghế; rửa sạch các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng nước sạch, xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Thực hiện vệ sinh thông khí: thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, học tập hàng ngày.
– Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể dục, nâng cao thể trạng.
7. Chăm sóc người bệnh do não mô cầu như thế nào?
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ mà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
8. Cần làm gì để phòng lây nhiễm trong cộng đồng khi có ca bệnh?
– Cách ly người bệnh ít nhất 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh phù hợp, đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.
– Quản lý và khử khuẩn đồ dùng, chất thải, dịch tiết mũi họng của người bệnh.
– Người tiếp xúc gần (người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/nhà trẻ, cùng lớp học… với người bệnh trong thời gian từ 7 ngày trước ngày khởi phát cho đến 24 giờ sau khi người bệnh được dùng kháng sinh phù hợp) cần được theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và cách ly kịp thời.
– Sử dụng thuốc điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc gần càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh có liên quan.