1. Bệnh do vi-rút Zika là gì?
Bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm hiện đang xảy ra tại một số khu vực ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á mà đáng chú ý là ở khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh tại Thái Lan.
2. Bệnh lây truyền sang người như thế nào?
Con người bị nhiễm vi rút Zika do bị đốt bởi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) bị nhiễm vi rút (đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue).
3. Tại sao bệnh do vi-rút Zika nguy hiểm?
– Tại Việt Nam, muỗi Aedes aegypti rất phổ biến, là trung gian lây truyền cũng như gây nên những đợt bùng phát sốt xuất huyết Dengue. Do đó khả năng lây truyền bệnh do vi-rút Zika là có thể xảy ra.
– Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.
– Tại Việt Nam, cộng đồng chưa có miễn dịch đối với vi-rút Zika.
– Tại Việt Nam, nguy cơ bệnh do vi-rút Zika xâm nhập và lây lan trong cộng đồng do sự giao lưu, du lịch, thương mại, lao động rất lớn.
4. Triệu chứng bệnh thường gặp?
Vi rút Zika thường gây bệnh ở thể nhẹ, với những triệu chứng xuất hiện vài ngày sau khi người bị đốt bởi muỗi bị nhiễm vi-rút này. Nhiều người mắc bệnh do vi-rút Zika có sốt nhẹ và nổi ban. Những triệu chứng khác có thể là viêm kết mạc, đau cơ, khớp và mệt mỏi. Những triệu chứng thường tồn tại từ 2 đến 7 ngày.
5. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh do vi rút Zika?
– Hội chứng Guillain-Barré: Những triệu chứng chính bao gồm yếu cơ, ngứa ở tay và chân. Các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu cơ hô hấp bị ảnh hưởng, cần phải nhập viện điều trị. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi hội chứng Guillain-Barré sẽ tự hồi phục.
– Tật đầu nhỏ: Là hiện tượng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh có đầu nhỏ hơn bình thường do sự phát triển não bất thường trong bào thai, có thể dẫn đến tử vong. Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh với bệnh do vi-rút Zika ở mẹ.
6. Phương pháp điều trị bệnh là gì?
Triệu chứng của bệnh do vi-rút Zika có thể điều trị với thuốc giảm đau và hạ sốt thông thường, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nếu triệu chứng diễn tiến trầm trọng hơn, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Hiện tại bệnh này cũng như bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng bệnh.
7. Có thể làm gì để phòng ngừa bệnh?
– Cách bảo vệ bản thân tốt nhất để không mắc bệnh do vi rút Zika gây ra đó là phòng muỗi đốt. Phòng muỗi đốt không những bảo vệ cơ thể không mắc bệnh do vi rút Zika mà còn phòng được những bệnh khác như có thể lây truyền qua muỗi như sốt xuất huyết.
– Người dân hạn chế đi đến vùng dịch khi không cần thiết, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai nên hạn chế đi đến khu vực có dịch và cần tham vấn nhân viên y tế khi nghi ngờ bị nhiễm vi-rút Zika.
8. Biện pháp phòng ngừa muỗi vằn lây truyền bệnh?
– Không cho muỗi ở: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng.
– Không cho muỗi đẻ trứng: đậy kín dụng cụ chứa nước; không để đọng nước ở máng xối, công trình xây dựng; tiêu hủy các vật phế thải đọng nước.
– Không có lăng quăng: nuôi cá bảy màu trong các bể nước, lu vại; vệ sinh dụng cụ chứa nước; thay ly nước cúng, bình bông; bỏ muối vào chén nước ở chân chạn.
– Không cho muỗi đốt: ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi.
– Không cho muỗi tồn tại: phun thuốc, dùng nhang diệt muỗi, tẩm màn bằng hóa chất, vợt diệt muỗi…
(Theo tài liệu của Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế
và Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Hồ Chí Minh)