Tại Việt Nam, năm 2015 ghi nhận trên 19 nghìn trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong do sốt rét. Sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh trọng điểm thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh sốt rét đang gặp nhiều thách thức như:
– Sốt rét tập trung tại những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội và người dân còn có nhận thức hạn chế về phòng ngừa sốt rét.
– Sự gia tăng tình trạng di biến động dân cư từ vùng không có lưu hành sốt rét vào vùng lưu hành sốt rét, giao lưu, đi lại của lao động của Việt Nam đến các quốc gia có lưu hành sốt rét như châu Phi, Lào, Campuchia… làm gia tăng nguy cơ mắc và lan rộng sốt rét và ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại Việt Nam.
– Tình trạng người dân ngủ rừng, ngủ rẫy, công nhân, lao động tại các vùng sốt rét lưu hành chưa được quản lý và tiếp cận đầy đủ về các biện pháp phòng ngừa sốt rét.
Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng sốt rét Plasmodium, do trung gian muỗi Anopheles chích (đốt) người bệnh truyền sang người lành. Từ 10 đến 15 ngày sau khi bị muỗi chích, người bệnh có dấu hiệu rét run, sốt, đau đầu, nôn ói. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng phát triển và đe dọa tính mạng bằng cách gây cản trở cung cấp máu đến các cơ quan quan trọng.
Do đó, để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống sốt rét, các đơn vị y tế cần truyền thông cho người dân các biện pháp phòng bệnh chủ động. Đồng thời, tập trung các hoạt động giám sát tại các khu vực trọng điểm; quản lý chặt chẽ nhóm đối tượng di biến động, cấp thuốc tự điều trị cho người đi rừng, ngủ rẫy; tăng cường giám sát, báo cáo ca bệnh, giám sát muỗi truyền bệnh; bảo đảm người bị bệnh sốt rét và người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét được tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ riêng ngành y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, chính vì thế rất cần có sự phối hợp và hỗ trợ của chính quyền, ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau; cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường truyền thông, giám sát các dịch bệnh cúm, thủy đậu, quai bị, sởi, viêm não, MERS-CoV, sốt xuất huyết do vi-rút Ebola… phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lan rộng.