1. Ngày dân số thế giới – World Population Day (11/7/2016)
Hiện nay, số người trẻ trên thế giới ngày càng gia tăng và với sự đầu tư phù hợp về giáo dục và sức khỏe cho thế hệ những người trẻ này, họ có thể làm thay đổi tương lai và nền kinh tế của các quốc gia.
Năm 1989, Hội đồng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc đã chọn ngày 11 tháng 7 là ngày Dân số thế giới, nhằm tập trung sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào sự cấp bách và tầm quan trong của các vần đề dân số. Chủ đề của ngày Dân số thế giới năm 2016 là “Đầu tư cho các bé gái tuổi vị thiếu niên” (Investing in teenage girls).
Các bé gái tuổi vị thành niên trên toàn thế giới luôn phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Tổ chức Y tế thế giới cũng như tại Việt Nam quy định tuổi vị thành niên là từ 10 đến 19 tuổi. Hiện nay, nhiều bé gái vị thành niên đang bị chính cộng đồng và cha mẹ cho rằng đã có thể lập gia đình và sinh nở. Nhiều bé gái khác thì không được đến trường, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em. Ngay cả những bé gái được đi học thì cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận những thông tin cơ bản về chăm sóc sức khoẻ, quyền con người và quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngoài ra các em cũng là đối tượng rất dễ bị tổn thương, thương tích và bị bóc lột. Những thách thức này còn trầm trọng hơn ở những bé gái sống ở các vùng dân tộc thiểu số và những vùng sâu vùng xa nghèo đói.
Tuy nhiên, khi các bé gái vị thành niên hiểu biết về quyền lợi của mình, được trao quyền tự quyết định về cơ thể mình, tự định hình cuộc sống của mình và có sự hỗ trợ tích cực từ những người xung quanh, các em sẽ trở thành tác nhân của sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.
Những con số đáng chú ý:
– Cứ 3 bé gái thì có 1 bé gái kết hôn ở độ tuổi 18 tại các nước đang phát triển.
– Trên toàn thế giới, có khoảng 800 bé gái và phụ nữ tử vong mỗi ngày vì những nguyên nhân liên quan đến mang thai và sinh nở có thể phòng ngừa được.
– Hơn 225 triệu bé gái và phụ nữ tại các nước đang phát triển có 1 nhu cầu chưa được đáp ứng từ chương trình kế hoạch hóa gia đình.
2. Ngày viêm gan thế giới – World Hepatitis Day (28/7/2016)
Chủ đề của Ngày viêm gan thế giới năm nay là Loại trừ (Elimination). Năm 2016 là một năm quan trọng đối với căn bệnh viêm gan siêu vi. Tại Hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5 vừa qua, các nước thành viên của Tổ chức y tế thế giới đã thông qua Chiến lược loại trừ viêm gan siêu vi với mục tiêu đầy tham vọng là loại trừ viêm gan siêu vi – mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Đây là lần đầu tiên đánh dấu việc chính phủ các quốc gia cùng cam kết loại trừ viêm gan siêu vi.
Chiến lược này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường chẩn đoán và can thiệp bao gồm tiêm chủng vắc-xin viêm gan siêu vi A, B; tiêm chích và truyền máu an toàn, giảm thiểu tác hại và cung cấp điều trị cần thiết. Điều này có nghĩa là mọi hoạt động nhằm giải quyết bệnh viêm gan siêu vi là một bước tiến tới loại trừ.
Hiện nay, mỗi năm có 10 triệu người nhiễm mới trên toàn thế giới, 95% người nhiễm không có dấu hiệu bệnh, ít hơn 1% số người nhiễm tiếp cận các phương pháp điều trị và khoảng 1,4 triệu người tử vong vì viêm gan siêu vi mỗi năm.
Nếu chính phủ các quốc gia thực hiện tốt các mục tiêu phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị của chiến lược thì đến năm 2030 sẽ đạt được các mục tiêu sau:
– 90% trẻ sơ sinh được tiêm ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi B.
– 100% nguồn máu hiến tặng được xét nghiệm viêm gan siêu vi.
– 90% người được tiếp cận tiêm chích an toàn.
– 90% người nhiệm nhận biết được tình trạng bệnh của mình.
– 80% người nhiệm được tiếp cận điều trị thích hợp.
Tất cả những mục tiêu này sẽ đưa đến thành quả là giảm 65% số người tử vong so viêm gan siêu vi mỗi năm và giảm 90% số trường hợp nhiễm mới. Điều này sẽ cứu sống được 7,1 triệu người vào năm 2030.