Qua các công trình nghiên cứu khoa học, người ta đã thấy rõ vai trò của thực phẩm thực vật trong việc phòng ngừa, chữa trị nhiều căn bệnh thời đại như: cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, béo phì, ung thư… Trong đó có năm nhóm thức ăn được chế biến từ các loài thảo mộc cơ bản như sau:
Hình minh họa
– Các loại đậu: gồm có đậu nành (là nguồn cung cấp protein chủ yếu), kế đó là đậu phụng, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu ván, đậu hoà lan…
Đậu nành (đậu tương) và đậu phụng (lạc) vừa cung cấp chất đạm vừa cung cấp chất béo (dầu thực vật). Các nhà y học công nhận rằng trong dầu thực vật (đậu nành, đậu phụng, mè, hướng dương, oliu…) có chứa các acid béo không no.
Các acid béo không no có tác dụng làm tăng lượng cholesterol tốt (HDL) làm giảm cholesterol xấu (LDL), giúp mạch máu giữ được tính đàn hồi, không bị lão hoá, làm tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ chức năng hoạt động của gan, chống lại các bệnh nhiễm trùng, giúp cơ thể làm chậm quá trình lão hoá, giúp da dẻ được mịn màng, tươi nhuận.
– Các loại rau củ: là nguồn cung cấp nhiều chất khoáng vi lượng, nhiều loại vitamin, các chất xơ, các hoạt chất sinh học có ích cho sức khỏe. Đặc biệt, các loại rau có màu xanh đậm, các loại củ có màu vàng, vàng cam (cà rốt, bí đỏ, khoai lang…) là nguồn cung cấp dồi dào dưỡng chất beta caroten, khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành vitamin A.
– Các loại ngũ cốc: gồm có gạo, bắp, kê, lúa mì, lúa mạch, kiều mạch… Nhóm này cung cấp chất bột đường, một ít chất đam, các vitamin và chất xơ. Đây là nguồn glucid chủ yếu, tao năng lượng cho cơ thể hoạt động hằng ngày.
– Các loại trái cây: Là nguồn cung cấp nhiều vitamin C, beta caroten, các chất đường, chất xơ, các chất khoáng vi lượng cần thiết cho sức khoẻ.
– Các loại nấm ăn: gồm có nấm đông cô (nấm hương), nấm mộc nhĩ đen (nấm mèo), nấm mộc nhĩ trắng (truyết nhĩ), nấm rơm, nấm bào ngư, nấm kim chi, nấm mối… Đây là nguồn cung cấp nhiều loại chất khoáng, nhiều vitamin, chất xơ, hương vị ngọt (acid glutamic), nhiều hoạt chất sinh học giúp cơ thể phòng chống các bệnh tim mạch, ung thư, tiêu hoá có hiệu quả.
Để chọn lựa thực phẩm và cách thức chế biến, cách ăn uống tốt cho người bệnh tim mạch thì cần lưu ý:
– Chọn thực phẩm tươi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Chế biến hợp lý: không nấu rau quá lâu vì làm mất nhiều vitamin C và vitamin nhóm B. Tốt nhất nên để nước sôi mới cho rau vào, vừa chín là được. Không sử dụng dầu ăn đã chiên xào nhiều lần, có thể gây độc hại cho sức khoẻ.
– Ăn uống nên nhai kỹ để thức ăn được tiêu hoá sơ bộ ở miệng, sẽ làm cho việc tiêu hoá sau đó được tốt hơn, hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn.
– Cuối cùng, một bữa ăn có không khí vui vẻ, đầm ấm, thân thiện, có khung cảnh dễ chịu (ánh sáng, màu sắc, âm nhạc), có sự bày biện sạch sẽ, đẹp mắt, có hương vị hấp dẫn…sẽ làm đem lại sự sảng khoái và ngon miệng, làm tăng hiệu quả của việc ăn uống.
theo t4ghcm.org.vn
Lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TP.HCM