Ngày 21 tháng 9 hàng năm, thế giới tổ chức Ngày Bệnh Alzheimer để nâng cao nhận thức về bệnh này và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng. Đây là cơ hội để cộng đồng cùng nhau chia sẻ thông tin, tạo ra các hoạt động hỗ trợ và giúp đỡ người bệnh cũng như gia đình họ.
Chứng sa sút trí tuệ (thường gọi là chứng Alzheimer) là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi của người bệnh.
Nguồn: Tổ chức y tế Thế giới
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sa sút trí tuệ hiện được xem là một trong những vấn đề y tế công cộng quan trọng nhất, không chỉ bởi mức độ nghiêm trọng mà còn bởi những tác động sâu rộng của sa sút trí tuệ đến người bệnh, gia đình và toàn xã hội.
Trên thế giới hiện tại có hơn 50 triệu người mắc bệnh sa sút trí tuệ, trong số đó 2/3 người bệnh đang sinh sống ở các nước đang phát triển. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 152 triệu người vào năm 2050, đặc biệt đáng kể ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Mỹ và châu Phi cận Sahara. Hơn 5 triệu người Mỹ đang chung sống với bệnh Alzheimer. Số lượng người Mỹ mắc bệnh Alzheimer và các chứng suy giảm trí nhớ khác sẽ tăng lên mỗi năm khi tỉ lệ dân số Mỹ ở độ tuổi trên 65 tiếp tục gia tăng.
Với bệnh Alzheimer, không chỉ người bệnh mà cả người chăm sóc người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Chăm sóc người bệnh Alzheimer thường rất khó khăn, và nhiều gia đình hoặc bạn bè giúp trông nom người bệnh đã phải trải qua những cảm xúc vô cùng căng thẳng và dẫn đến trầm cảm.
Bệnh Alzheimer trầm trọng hơn theo thời gian và cuối cùng gây tử vong. Mặc dù các triệu chứng có thể rất khác nhau, nhưng vấn đề đầu tiên mà nhiều người nhận thấy là tính hay quên nghiêm trọng đến nỗi ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của người bệnh khi họ ở nhà, tại nơi làm việc hay lúc tận hưởng sở thích riêng. Những triệu chứng khác bao gồm lú lẫn, đi lạc ở những nơi quen thuộc, để đồ đạc không đúng chỗ và gặp khó khăn khi nói và viết.
10 dấu hiệu nhận biết sa sút trí tuệ
– Giảm khả năng phán đoán
– Thay đổi khí sắc hoặc hành vi
– Thay đổi tính cách
– Nhầm lẫn thời gian và địa điểm
– Phải rút lui khỏi công việc hoặc các hoạt động xã hội
– Khó khăn trong lập kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề
– Triệu chứng quên tiến triển từng ngày
– Để quên đồ vật
– Khó khăn trong giao tiếp
Hình minh họa dấu hiệu nhận biết bệnh Alzheimer. Nguồn: Internet.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
– Tuổi tác: Yếu tố nguy cơ được biết đến nhiều nhất của bệnh Alzheimer là sự gia tăng tuổi tác. Cứ 8 người Mỹ trong độ tuổi từ 65 trở lên thì có 1 người mắc bệnh Alzheimer, và gần một nửa số người từ 85 tuổi trở lên mắc bệnh này.
– Tiền sử mắc bệnh trong gia đình và di truyền học: Nghiên cứu cho thấy rằng những người có bố/mẹ hoặc anh/chị/em mắc bệnh Alzheimer sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Nguy cơ sẽ gia tăng nếu có nhiều hơn một thành viên trong gia đình mắc bệnh. Khi bệnh có khuynh hướng lan truyền trong gia đình, yếu tố di truyền học (cấu trúc gen) hoặc môi trường, hoặc cả hai, có thể đóng một vai trò nhất định.
Các nhà khoa học đã xác định được gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nhưng không chứng minh chắc chắn rằng cá thể mang gen đó sẽ tiến triển thành bệnh. Nghiên cứu cũng khám phá ra một số gen hiếm gặp, mà cá thể mang gen đó gần như chắc chắc sẽ mắc bệnh Alzheimer’s. Các gen này chỉ được tìm thấy trong vài trăm gia đình đa thế hệ trên toàn thế giới và giải thích cho chưa đến 5% tổng số các trường hợp bệnh Alzheimer’s.
– Các yếu tố nguy cơ khác: Hầu hết chuyên gia tin rằng đa số trường hợp bệnh Alzheimer xảy ra là kết quả của một quá trình tương tác phức tạp giữa gen và các yếu tố nguy cơ khác. Tuổi tác, tiền sử mắc bệnh trong gia đình và di truyền là những yếu tố nguy cơ mà chúng ta không thể thay đổi. Hiện nay, nghiên cứu bắt đầu hé lộ những manh mối về các yếu tố nguy cơ khác mà chúng ta có thể hạn chế thông qua việc lựa chọn lối sống, cách chăm sóc sức khỏe nói chung và tầm soát hiệu quả các tình trạng sức khỏe khác.
+ Chấn thương đầu: Dường như có một mối liên hệ chặt chẽ giữa chấn thương đầu nghiêm trọng và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer trong tương lai, đặc biệt là khi chấn thương xảy ra nhiều lần hoặc dẫn đến bất tỉnh. Bảo vệ não của bạn bằng cách thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm khi chơi thể thao, và có biện pháp “chống té ngã” ngay trong nhà bạn.
+ Mối liên hệ giữa não và tim: Các bằng chứng mới đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe của não và của tim. Não của bạn được nuôi dưỡng bởi một trong những hệ mạch máu giàu dinh dưỡng nhất của cơ thể. Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer hoặc chứng suy giảm trí nhớ liên quan đến mạch máu có vẻ đang gia tăng bởi các vấn đề gây hại đến tim hoặc mạch máu. Chúng bao gồm bệnh cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và cholesterol cao. Hãy đi khám bác sĩ để theo dõi sức khỏe tim mạch của bạn và xử lý các vấn đề phát sinh.
Ai nên đi khám sa sút trí tuệ?
Theo các bác sĩ, hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám sa sút trí tuệ ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến khám.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, những ai hay quên liên tục từ 6 tháng trở lên, nhất là người lớn tuổi, là đối tượng cần được quan sát, chú ý thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để nhận biết và điều trị sớm Alzheimer.
Những người trẻ có nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, kèm triệu chứng hay quên sớm hơn 40 tuổi, nên đi thăm khám thường xuyên vì nguy cơ Alzheimer có thể đến sớm hơn.
Các chuyên gia về lão khoa nhấn mạnh, ngoài điều trị bằng thuốc thì với bệnh nhân Alzheimer, việc chăm sóc của gia đình, người thân đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không có tình yêu thương thì khó có thể làm được vì công việc này đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, việc chăm sóc kéo dài có thể tạo áp lực, stress cho chính người chăm sóc. Do đó người chăm sóc cũng cần được cảm thông, sẻ chia để không buông xuôi.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |