Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại được tổ chức hằng năm vào ngày 28/9 nhằm nâng cao hiểu biết và vận động cho việc loại trừ bệnh dại trên toàn cầu với mục tiêu “Không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030”.
(Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh)
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh và hiện đã xảy ra ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Có đến 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại cho người. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 – 70.000 người và hàng triệu loài động vật.
Sau khi nhiễm vi rút, thời gian ủ bệnh dại trung bình từ 2 – 3 tháng nhưng có thể chỉ 1 tuần hoặc kéo dài đến 1 năm. Bệnh biểu hiện sớm hay trễ phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí xâm nhập của vi rút và tải lượng vi rút. Ví dụ, nếu chó dại cắn ở vùng đầu, mặt, cổ,… gần hệ thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn, còn nếu cắn ở vị trí tay, chân thì sẽ lâu phát bệnh hơn.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, có các biện pháp phòng ngừa sau:
1. Cảnh giác với súc vật nghi dại: không bao giờ thử tiếp xúc, vuốt ve, ôm các con vật nuôi xa lạ không quen biết/động vật hoang dại.
2. Kiểm soát súc vật nghi dại:
+ Đề phòng chó dại
+ Diệt động vật, gia súc bị súc vật dại cắn
+ Đối với súc vật nghi dại cắn người: bắt nhốt 10 ngày để theo dõi, nếu thấy triệu chứng dại phải đi xét nghiệm tìm bằng chứng dại; đối với súc vật bị giết, đập chết hoặc đã có triệu chứng dại, cần đi xét nghiệm xác định bệnh dại.
3. Xử trí vết thương khi bị chó, mèo cắn
4. Miễn dịch phòng ngừa: tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.
5. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo, nhắc lại hàng năm.
6. Không thả rông cho, mèo; đeo rọ mõm cho chó khi ra đường.
Khi bị chó, mèo cắn cần:
– Rửa vết thương để diệt các siêu vi dại, trình tự như sau:
• Xối rửa vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng
• Sát khuẩn bằng cồn 70o hoặc cồn I-ốt
• Không làm dập nát/tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín vết thương.
• Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm khùng vết cắn
• Dùng huyết thanh kháng độc tố uốn ván, nếu cần
– Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
– Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Các đối tượng nên tiêm vaccine phòng ngừa trước khi bị súc vật dại cắn: bác sĩ thú y, kĩ thuật viên xét nghiệm các mẫu siêu vi dại, người nuôi dạy hoặc giết mổ súc vật, người thám hiểm các hang động, người đến sống hoặc du lịch trên 30 ngày đến các quốc gia có nguy cơ cao về súc vật dại.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |