Thiếu I-ốt dẫn đến thiếu hoóc-môn giáp và ảnh hưởng tới nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, gây ra nhiều rối loạn khác nhau gọi chung là “các rối loạn do thiếu iốt. “Thiếu I-ốt” là câu nói đùa cửa miệng vẫn thường được dùng để trêu người “đần độn”; vì bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất liên quan đến thiếu I-ốt. Bướu cổ có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời; trong khi đó, đần độn xuất hiện ngay từ lúc bào thai nếu người mẹ bị thiếu I-ốt nặng. Thuật ngữ “Các rối loạn thiếu iod” mô tả đầy đủ hơn tác hại do thiếu iod như: Các khuyết tật về thần kinh, tâm thần, suy giảm hoạt động chức năng hệ thần kinh, giảm sự phát triển hệ thần kinh của bào thai, trẻ nhỏ.
Tình trạng thiếu I-ốt ở Việt Nam mang tính toàn quốc, không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển (trước đây, chúng ta lầm tưởng rằng bệnh bướu cổ do thiếu I-ốt chỉ thường gặp ở đồng bào miền núi cao). Trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu iod; hậu quả do thiếu iod ở đối tượng này là rất nghiêm trọng, vì hooc-môn tuyến giáp cần thiết giúp cho sự phát triển của bào thai và trẻ sơ sinh. Hơn nữa sự hư hại hệ thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ do thiếu I-ốt nặng và kéo dài là hậu quả không thể đảo ngược được.
Trong bào thai: trong giai đoạn đầu của bào thai, cơ thể thai nhi chịu ảnh hưởng từ việc hấp thu I-ốt của mẹ.
– Thiếu I-ốt trong thời kì bào thai gây đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh.
– Thiểu năng trí tuệ và đần độn ở trẻ gây tổn thương vĩnh viễn không chữa được.
Ở những lứa tuổi khác
– Trẻ em thiếu I-ốt trí não kém phát triển, đần độn.
– Phụ nữ có thai thiếu I-ốt dẫn đến sảy thai, thai chết lưu…
– Thiếu I-ốt dẫn đến bệnh bướu cổ, thiểu năng giáp.
– Thiếu I-ốt làm giảm khả năng lao động và phát triển sức khỏe.
Bệnh bướu cổ do thiếu I-ốt:
Bệnh bướu cổ do thiếu I-ốt còn được gọi tên là bướu giáp đơn thuần, bướu giáp lành tính, bướu giáp không nhiễm độc, hoặc là bướu giáp dịch tễ, bướu giáp địa phương,…
Bướu giáp đơn thuần thường khó phát hiện vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng, ngoài một số biểu hiện như cổ to ra, một số bệnh nhân có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, thường được người khác phát hiện, hoặc đi khám sức khỏe. Một số bệnh nhân có biểu hiện nhược giáp: mệt mỏi, đau cơ, táo bón, rụng tóc, nói khàn, chán ăn, giảm trí nhớ; vùng cổ có một hoặc nhiều cục bất thường di động theo nhịp nuốt; cảm giác nghẹn, tức ở cổ, nhất là khi nuốt…Bởi vậy, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến các Trung tâm y tế hoặc Bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Đối với các thầy thuốc đa khoa, cách nhận biết bệnh bướu cổ có thể phân theo các triệu chứng từ bướu giáp to ra, các triệu chứng do bướu chèn ép vào các tổ chức lân cận và các biểu hiện nhược giáp như đã nói trên kèm thêm các triệu chứng cận lâm sàng có liên quan; chẩn đoán thường không khó; điều trị nội – ngoại khoa tuỳ tiến triển của bướu.
Bướu giáp: Chú ý xác định các tính chất sau:
– Vị trí:
+ Thông thường bướu giáp nằm ở vùng cổ trước và hai bên cổ, tương ứng với sụn giáp và các vòng sụn đầu tiên của khí quản.
+ Bướu giáp chìm: Bướu nằm khuất sau xương ức nhưng một phần bướu vẫn xác định được ở trên hõm ức.
+ Bướu giáp trong lồng ngực: Bướu nằm hoàn toàn trong trung thất, không sờ thấy được cả khi cho bệnh nhân ho hay gắng sức rặn.
– Da trên mặt bướu: Khi bướu to thì có thể thấy hình dáng của cổ bị biến dạng, các tĩnh mạch cổ nông bị giãn rộng, ngoằn ngoèo.
– Bề mặt bướu: Có thể nhẵn hoặc lổn nhổn nhiều nhân to nhỏ không đều (bướu thể hỗn hợp).
– Mật độ bướu: Có thể mềm hay căng, chắc và đàn hồi.
– Ranh giới: Có thể rõ hoặc đôi khi khó xác định nếu bướu có mật độ mềm.
– Hình thái: Bướu lan toả thì vẫn giữ được hình dáng của tuyến giáp. Bướu nhân hay hỗn hợp thì thường có hình méo mó không đều, làm biến dạng vùng cổ.
– Di động: Bướu giáp luôn di động theo nhịp nuốt.
– Độ lớn của bướu: theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (1979) như sau:
+ Độ 0: Không sờ thấy tuyến giáp.
+ Độ IA: Không nhìn thấy nhưng sờ thấy được tuyến giáp to ít nhất là bằng đốt hai ngón tay cái của bệnh nhân.
+ Độ IB: Sờ được dễ dàng. Nhìn thấy được ở tư thế ngửa đầu. Các trường hợp bướu giáp thể một nhân cũng được xếp vào mức độ này.
+ Độ II: Nhìn thấy rõ ngay sau khi đầu ở tư thế bình thường.
+ Độ III: Đứng xa đã nhìn thấy bướu giáp.
+ Độ IV: Bướu giáp rất to.
Các triệu chứng do bướu chèn ép tổ chức xung quanh:
– Chèn ép khí quản:
+ Có các triệu chứng: Khó thở theo tư thế nằm, tiếng thở khò khè, ho khan kéo dài do bướu gây kích thích khí quản.
+ Có thể có những cơn khó thở cấp tính về đêm gọi là “cơn hen giáp trạng”: Bệnh nhân đang ngủ đột nhiên xuất hiện cơn khó thở cấp tính, ho rũ rượi, tím tái, hoảng hốt, các tĩnh mạch nông vùng cổ căng to. Cơn ngạt thở có thể rất nặng và dẫn tới tử vong.
– Chèn ép thần kinh:
+ Chèn ép dây thần kinh quặt ngược: Nói khàn, giọng đôi. Soi thanh quản có thể thấy bị liệt dây thanh âm (thường ở một bên).
+ Chèn ép dây X: Có thể làm thay đổi nhịp tim, nhịp thở, huyết áp (tùy mức độ chèn ép mà gây hiện tượng kích thích hay ức chế dây X).
+ Chèn ép dây hoành: Gây nấc hoặc liệt cơ hoành.
– Các dấu hiệu chèn ép khác:
+ Chèn ép thực quản: Khó nuốt, nuốt nghẹn…
+ Chèn ép động mạch cảnh: Ù tai, đau đầu (thường ở một bên).
+ Chèn ép hệ tĩnh mạch vùng cổ: Phù nề, căng to các tĩnh mạch nông vùng cổ.
Các xét nghiệm cận lâm sàng.
– Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Kết quả các xét nghiệm chức năng tuyến giáp như: Đo độ tập trung I131 tại tuyến giáp, định lượng T3, FT3, T4, FT4, TSH máu, điện tim, chuyển hóa cơ sở, định lượng glucoza máu, cholesterol huyết tương… đều thấy trong giới hạn bình thường.
– Các xét nghiệm về hình thái:
+ Chụp X quang:
+ Chụp xạ hình tuyến giáp:
+ Chụp siêu âm tuyến giáp: Xác định được vị trí, kích thước, cấu trúc (tổn thương dạng đặc hay lỏng), trọng lượng… của bướu giáp.
+ Chụp cắt lớp điện toán (CT), chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI):
– Xét nghiệm tế bào học và tổ chức học: chọc kim nhỏ, sinh thiết,…
– Nội soi:
+ Soi thanh quản: Để đánh giá tình trạng các dây thanh âm, xác định các dây thần kinh quặt ngược có bị tổn thương do bướu chèn ép hay không.
+ Soi khí quản: Để đánh giá tình trạng bướu chèn ép khí quản.
Chẩn đoán:
– Các triệu chứng lâm sàng: Bướu nằm ở vùng trước và hai bên cổ, di động theo nhịp nuốt, hình thái có thể là thể nhân, hỗn hợp hay lan toả.
– Xạ hình đồ tuyến giáp cho phép chẩn đoán xác định vị trí, hình thái, kích thước, trọng lượng… của bướu giáp.
– Các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp: Đo độ tập trung I131 tại tuyến giáp, định lượng T3, FT3, T4, FT4, TSH máu, điện tim, chuyển hóa cơ sở… đều ở giới hạn bình thường.
Tiến triển: Bướu giáp đơn thuần thường phát triển chậm. Có những trường hợp không điều trị và bướu tồn tại hàng chục năm với bệnh nhân cho đến chết mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Tuy nhiên, đa số trường hợp bướu phát triển to dần và gây ra nhiều biến chứng.
Biến chứng:
– Những biến chứng ở bản thân bướu giáp: Chảy máu trong bướu giáp (thường ở các bướu thể nang); viêm bướu giáp, có thể dẫn tới áp xe bướu giáp; Basedow hóa; ung thư hóa.
– Những biến chứng do bướu to ra gây chèn ép: Bướu càng phát triển to thì càng gây chèn ép nhiều các cơ quan xung quanh, có thể thấy các hiện tượng chèn ép khí quản, thực quản, các dây thần kinh vùng cổ, bó mạch cảnh…
Điều trị:
– Điều trị nội khoa: Có thể dùng các thuốc như thyreoidin hoặc triiod thyronin. Các thuốc này có tác dụng ức chế tiết TSH của vùng tiền yên, nhờ đó có thể làm bướu giáp nhỏ lại. Tuy nhiên tác dụng đó chỉ có thể có được khi bướu giáp mới xuất hiện, nếu để muộn, nhu mô giáp đã có những biến đổi tổ chức nặng thì các thuốc trên ít có kết quả.
– Điều trị ngoại khoa: Phải căn cứ vào nhiều yếu tố:
+ Theo hình thái bướu:
. Bướu thể nhân và thể hỗn hợp: Có chỉ định mổ sớm vì điều trị nội khoa ít có kết quả, bướu không ngừng phát triển và gây nên các biến chứng.
. Bướu thể lan toả: Chỉ mổ khi bướu quá to gây chèn ép hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân.
+ Theo các biến chứng của bướu giáp:
. Khi bướu giáp đã gây nên các biến chứng như chảy máu trong nang bướu, Basedow hóa, ung thư hóa, chèn ép các cơ quan xung quanh… thì phải chỉ định mổ sớm.
. Khi bị viêm bướu giáp và áp xe hóa thì phải điều trị kháng sinh tích cực và chích áp xe.
+ Theo tuổi:
. Bướu giáp ở trẻ em: Chỉ định điều trị ngoại khoa cần thận trọng vì có thể ảnh hưởng đến hoạt động nội tiết của bệnh nhân sau này.
. Bướu giáp tuổi dậy thì: Không có chỉ định mổ.
. Bướu giáp tuổi già: Điều trị nội khoa ít kết quả và hay có biểu hiện chèn ép nên thường có chỉ định mổ.
– Các tai biến trong mổ:
. Tắc mạch khí: Do không khí lọt vào tĩnh mạch bị rách trong khi mổ.
. Thương tổn khí quản: Có thể gặp khi bướu quá to hoặc viêm dính nhiều gây chèn đẩy và co kéo làm thay đổi vị trí giải phẫu của khí quản.
– Các biến chứng sau mổ:
. Chảy máu sau mổ: Thường từ các mạch máu ở dưới da hoặc cơ do cầm máu không tốt khi mổ hoặc do bệnh nhân có các cử động quá mạnh ở vùng cổ sau mổ.
. Nói khàn hoặc mất tiếng sau mổ: Do dây thần kinh quặt ngược bị tổn thương khi mổ hoặc bị chèn ép và phù nề sau mổ.
. Tetani sau mổ: Do các tuyến cận giáp bị tổn thương khi mổ hoặc thiếu máu nuôi dưỡng vì bị chèn ép và phù nề sau mổ.
. Suy hô hấp sau mổ: Thường do phù nề thanh-khí quản và phù nề vết mổ gây chèn ép khí quản sau mổ.
. Nhiễm trùng vết mổ.
+ Các biến chứng xa sau mổ:
. Nhược giáp: Do cắt mất quá nhiều tuyến giáp hoặc do quá trình viêm xơ phát triển mạnh trong phần nhu mô tuyến còn lại.
. Bướu giáp tái phát: Thường gặp sau mổ bướu giáp thể hỗn hợp.
Suy giáp bẩm sinh và bệnh đần độn (cretinism)
Suy giáp ở trẻ do thiếu I-ốt nặng nề từ trong bào thai đến lúc sinh ra và lớn lên gây nên bệnh đần độn (cretinism); trước đây thường gặp ở các dân tộc thiểu số vùng núi cao, đất thiếu I-ốt, nên còn có tên bệnh đần độn địa phương.
Suy giáp bẩm sinh là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone ở giai đoạn sơ sinh. Là một bệnh nội tiết xảy ra do tuyến giáp của trẻ sơ sinh không sản xuất đủ nội tiết tố đáp ứng nhu cầu cần thiết của cơ thể, do dị tật bẩm sinh không có hoặc có nhưng tuyến giáp lạc chỗ; hoặc do dị tật trong quá trình trao đổi chất tuyến giáp hoặc thiếu iốt. Cứ 3.000 đến 4.000 trẻ sinh ra sẽ có 1 trẻ mắc bệnh này.
Các dấu hiệu lâm sàng: Chậm phát triển tinh thần vận động; Bộ mặt đặc biệt (má phị, mắt to, mũi tẹt, lưỡi dày); chậm tăng cân; lùn không cân đối; vàng da kéo dài; táo bón kéo dài; thoát vị rốn; khóc ít và tiếng khóc nhỏ; da khô, tóc khô và gãy.
Thông thường, bé bị bệnh được mô tả là “bé sơ sinh ngoan” vì bé ít khóc và ngủ hầu hết thời gian. Bệnh phổ biến hơn ở những bé có cân nặng sơ sinh dưới 2kg hoặc trên 4,5kg.
Lấy máu gót chân của bé sơ sinh trong khoảng 38-48 tiếng sau sinh nhằm xét nghiệm phát hiện bệnh điều trị sớm đã làm giảm thiểu những em bé bị chậm phát triển về thể lực, trí tuệ và nhiều bệnh lý khác.
Điều trị:
– Thay thế lượng hormone thiếu hụt trong máu liên tục và suốt đời trong trường hợp suy giáp bẩm sinh. Lượng hormone thiếu hụt tùy vào cân nặng, giới tính và từng bệnh nhi.
– Thuốc levothyroxine: Liều dùng tùy bệnh nhi và cần được giám sát chặt chẽ.
– Liều tiêm IV / IM: 50-70% của liều uống.
Phòng bệnh:
– Chế độ ăn bổ sung I-ốt cho mẹ trong giai đoạn mang thai hạn chế bé sơ sinh mắc bệnh suy giáp.
– Các bé bị suy giáp bẩm sinh đều cần được xét nghiệm định kỳ. Trong đó xét nghiệm toàn bộ hormone tuyến giáp hoặc chỉ riêng hormone T4 hoặc TSH mỗi 4-6 tuần sau khi bắt đầu điều trị; sau đó là mỗi 1-3 tháng trong năm đầu tiên; mỗi 2-4 tháng năm thứ hai và thứ ba. Với bé trên 3 tuổi, xét nghiệm có thể tiến hành mỗi 6-12 tháng một lần.
BS. Lê Văn Khánh
PHÒNG TRÁNH THIẾU I-ỐT ĐỂ PHÒNG BỆNH BƯỚU CỔ VÀ ĐẦN ĐỘN
Lượng I-ốt cần đảm bảo cho con người
Người lớn: Trung bình cần khoảng 150mcg/ngày.
Trẻ em: Dùng ít hơn người lớn, khoảng: 100mcg/ngày (tùy thuộc độ tuổi).
Phụ nữ có thai: Cần nhiều hơn người bình thường, khoảng: 200mcg/ngày.
Phụ nữ cho con bú: Cần lượng I-ốt nhiều nhất so với những trường hợp khác, cần khoảng 209mcg/ngày.
Phòng tránh thiếu i-ốt
– Sử dụng muối I-ốt làm gia vị trong chế biến món ăn hàng ngày.
– Bổ sung các thực phẩm giàu I-ốt, như: Các loại hải sản: tôm, cua, cá, ghẹ… rong biển, tảo biển; các loại rau: rau xanh đậm, rau dền, rau đay, mồng tơi,… Các loại trái cây tươi, thịt và sữa.
theo syt.kontum.gov.vn