TS.BS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu
Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TP.HCM
Theo kết quả của hệ thống giám sát dịch bệnh trọng điểm của TP.HCM, tính đến ngày 11/11/2016, Thành phố ghi nhận ở 13/24 quận huyện đã có ca bệnh và có 35 trường hợp được điều tra dịch tể, xác định dương tính với vi-rút Zika. Hiện thành phố luôn tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika. Nhất là các quận/huyện ghi nhận có ca bệnh đang đẩy mạnh công tác xử lý ổ dịch và giám sát chặtchẽ tình hình diễn biến dịch bệnh để sớm phát hiện ca bệnh, ngăn chặn không cho dịch lây lan trong cộng đồng.
Để đạt hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika hiện nay, người dân cần tìm hiểu kỹ những kiến thức cơ bản về bệnh, biện pháp phòng bệnh để chủ động phòng tránh bệnh và không hoang mang, chủ quan, lơ là với bệnh.
Ảnh: Tài liệu truyền thông về phòng bệnh do vi-rút Zika (xin link vào đây)
Bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua muỗi Aedes (Aedes aegypti và Aedes albopictus). Bệnh lần đầu được phát hiện ở Uganda vào năm 1947 ở khỉ Rhesus; phát hiện ca bệnh ghi nhận ở người vào năm 1952 tại Uganda và Tanzania. Sau đó, bệnh xuất hiện rải rác ở nhiều vùng trên thế giới. Đến từ tháng 5/2015, bệnh bùng nổ trở lại tại Brazil và nhanh chóng lan ra các nước khác tại Nam Mỹ, Trung Mỹ, vùng Caribbean, các đảo Thái Bình Dương, Singapore, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam.
Đường lây truyền bệnh
Vi-rút Zika được lây truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi đốt. Loài muỗi vằn Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh do vi-rút Zika (đây cũng chính là muỗi lây bệnh Sốt xuất huyết Dengue tại nước ta trong những năm qua). Tại Việt Nam, muỗi Aedes aegypti rất phổ biến, là vật trung gian lây truyền bệnh cũng như gây nên những đợt bùng phát dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue. Do đó, nước ta có nguy cơ cao khả năng lây truyền bệnh do vi-rút Zika.
Đối với phụ nữ có thai bị nhiễm vi-rút Zika có thể lây vi-rút sang thai nhi khi mang thai hoặc trong khoảng thời gian sanh nở.
Ngoài ra, vi-rút Zika từ người nam bị nhiễm bệnh cũng có thể lây sang cho bạn tình qua quan hệ tình dục.
Biểu hiện và nguy cơ biến chứng của bệnh
Tương tự như nhiễm trùng do vi-rút Sốt xuất huyết Dengue (SXHD), triệu chứng của bệnh do vi-rút Zika thường rất nhẹ như: sốt, nổi ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp và đau cơ, mệt mỏi và đau đầu… Các triệu chứng này ở hầu hết các trường hợp bệnh đều nhẹ và kéo dài từ 2-7 ngày thì tự hết. Chỉ có khoảng 20% số người bệnh do vi-rút Zika là có triệu chứng của bệnh.
Tuy nhiên, nhiễm vi-rút Zika trong thai kỳ có thể gây những biến chứng nặng cho thai nhi như gây bệnh đầu nhỏ (microcephaly) hoặc những dị tật chết người về não khác.
Những nghiên cứu gần đây cũng phát hiện có một tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân nhiễm vi-rút Zika có biến chứng Hội chứng Guillain-Barre (một bệnh lý thần kinh hiếm gặp có biểu hiện liệt mềm cấp tính, đối xứng 2 bên, từ chân huớng dần lên trên-có thể do rất nhiều nguyên nhân có liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể và nhiễm trùng). Số lượng ca bệnh Hội chứng Guillain-Barre nói chung (do nhiều nguyên nhân không chỉ do Zika) là rất thấp. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho thấy, bệnh có biến chứng Hội chứng Guillain-Barre có tỷ lệ khoảng từ 1-2 ca /100.000 dân.
Bệnh do vi-rút Zika được chẩn đoán qua xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) tìm vi-rút trong máu, nước tiểu cho phép xác định chẩn đoán dương tính với vi-rút zika. Các xét nghiệm tìm kháng thể khác cho phép gợi ý chẩn đoán bệnh, nhưng kết quả có thể phản ứng chéo với các vi-rút khác thuộc họ flavivirut như vi rút Dengue, Sốt Tây sông Nile và sốt vàng…
Khuyến cáo phòng bệnh
Cho đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với vi-rút Zika và cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Nguồn lây nhiễm bệnh chủ yếu của vi-rút Zika là muỗi đốt/chích. Nên việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh là quan trọng nhất; chủ yếu là giảm số lượng muỗi phát sinh và giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc phòng bệnh chủ yếu vẫn là những biện pháp thường quy, đơn giản và hiệu quả như:
– “Không có lăng quăng, không có muỗi, không bị nhiễm bệnh”. Do đó, người người, nhà nhà cần định kỳ hàng tuần vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp những vật dụng chứa nước trong nhà và xung quanh nhà như xô, chậu, lốp xe, bình hoa…không cho muỗi đẻ, không có lăng quăng và phun xịt các thuốc diệt muỗi.
– Mặc quần áo sáng màu, che kín cơ thể.
– Ngủ mùng vào ban ngày và ban đêm, cửa ra vào và cửa sổ nên có màng ngăn muỗi.
Ngoài ra, qua các nghiên cứu gần đây và thực tế cho thấy ZIKA có khả năng lây truyền qua đường tình dục, do đó cần phải thực hiện tình dục an toàn.
Riêng phụ nữ mang thai hoặc có dự định mang thai nên đến tư vấn nhân viên y tế để theo dõi thai và dự phòng phơi nhiễm bệnh (không chỉ vi-rút Zika mà cho các bệnh nhiễm khác như Rubella…).
Tăng cường những cơ sở xét nghiệm tầm soát bệnh do vi-rút Zika trong hệ thống giám sát dịch bệnh tại TP.HCM
Để tăng cường công tác giám sát dịch bệnh do vi-rút Zika, Ngành Y tế TP.HCM đã triển khai 30 điểm xét nghiệm tầm soát bệnh do vi-rút Zika tại các cơ sở y tế như sau:
– 23 bệnh viện quận huyện;
– Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới;
– Bệnh viện Nguyễn Tri Phương;
– Bệnh viện Nhân Dân Gia Định;
– Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn;
– Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức;
– Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi;
– Bệnh viện Bệnh viện Xuyên Á.
Những cơ sở y tế này sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi-rút Zika và chuyển mẫu xét nghiệm về Viện Pasteur và bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.
Tuy nhiên, khi công bố kết quả xét nghiệm tầm soát theo quy định của Bộ Y tế tại phía Nam chỉ có 2 đơn vị có thẩm quyền công bố, đó là Viện Pastuer TP.HCM và bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.
(Nguồn Sở Y tế TP.HCM)