Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước có bệnh lưu hành. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở cả trẻ em và người lớn, bệnh diễn biến nhanh, có thể trở nặng bất ngờ và gây tử vong cao, vì vậy việc nắm rõ về bệnh vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc và điều trị bệnh kịp thời.
Số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tăng nhanh và không có dấu hiệu suy giảm
Từ đầu năm đến nay đến nay cả nước ghi nhận hơn 236.730 ca mắc sốt xuất huyết, 98 người tử vong. Riêng TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 62.085 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 25 ca tử vong, số ca mắc tăng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca.
Tại các địa phương khác như Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh… mỗi tuần cũng có hàng chục ca bệnh, trong đó có rất nhiều ca bệnh nặng do chủ quan tự điều trị tại nhà.
Theo khuyến cáo, từ đây đến cuối năm, dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ còn tăng mạnh do mùa mưa, là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sôi. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị, tránh trường hợp nhập viện trễ khiến bệnh diễn tiến nặng, nguy hiểm.
Sốt xuất huyết Dengue là gì?
Sốt xuất huyết Dengue thường được gọi chung là sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn (muỗi Aedes) là trung gian truyền bệnh, muỗi hút máu của người bệnh nhiễm virus và truyền cho người khỏe mạnh, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người lành rồi gây bệnh sốt xuất huyết.
Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm chủng virus nào thì sẽ có khả năng miễn dịch với chủng virus đó.
Sốt xuất huyết phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, bệnh diễn ra quanh năm nhưng thời điểm phát triển mạnh nhất là vào mùa mưa các tháng 7, 8, 9, 10 do đây là thời điểm muỗi vằn sinh sôi và phát triển mạnh, khi nhiệt độ trung bình hằng tháng trên 20°C.
4 giai đoạn phát triển của sốt xuất huyết
Khi người bệnh mắc sốt xuất huyết sẽ trải qua 4 giai đoạn phát triển của bệnh gồm:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài trong khoảng 4 – 7 ngày cũng có thể lên đến 14 ngày, ở giai đoạn này người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng.
- Giai đoạn sốt: Giai đoạn này kéo dài trong khoảng 1 – 3 ngày, khởi phát đột ngột, sốt trên 39°C kéo dài và khó hạ,… Các triệu chứng khác như như đau đầu, mệt mỏi, đau hốc mắt, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy,…
- Giai đoạn nguy hiểm: Khoảng từ 3 – 7 ngày sau khi sốt, triệu chứng trở nặng, xuất hiện xuất huyết ở chân, tay, bụng, đùi, nặng hơn người bệnh có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa thâm chí xuất huyết não rất nguy hiểm.
- Giai đoạn phục hồi: Người bệnh dần hết sốt, số lượng tiểu cầu tăng, thể trạng tốt hơn, bắt đầu thèm ăn, có thể nhanh chóng hồi phục.
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh có diễn tiến nhanh, phức tạp nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm, vì vậy ngay khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng người bệnh cần được thăm khám và điều trị ngay.
Cần nghi ngờ mắc sốt xuất huyết khi người bệnh sốt cao (39 – 40°C) kèm theo 2 trong số các triệu chứng sau trong giai đoạn sốt:
- Nhức đầu dữ dội
- Đau hốc mắt
- Đau cơ và khớp
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Phát ban
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng thường trong giai đoạn khoảng 3 – 7 ngày sau khi khởi phát bệnh. Trong giai đoạn này, một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng xấu đi đột ngột. Sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong, do xuất huyết, tràn dịch đa màng, thất thoát huyết tương. Chính vì vậy cần chú ý các dấu hiệu của bệnh trong giai đoạn này:
- Đau bụng
- Nôn mửa liên tục
- Khó thở, thở gấp, chân tay lạnh, xanh tím
- Chảy máu nướu răng hoặc mũi
- Mệt mỏi
- Bồn chồn
- Gan to
- Máu trong chất nôn hoặc phân.
Nếu bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng này, cần đến bệnh viện ngay để được chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Điều trị sốt xuất huyết như thế nào?
Để chẩn đoán sốt xuất huyết ngoài các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm để tìm ra căn nguyên virus Dengue như xét nghiệm huyết thanh, PCR, phân lập virus lấy máu trong giai đoạn sốt sẽ giúp cho ra kết quả chính xác và để phân biệt với các virus khác.
Việc điều trị bệnh hướng đến việc làm giảm các triệu chứng. Paracetamol là thuốc hạ sốt, giảm đau an toàn và hiệu quả được khuyến cáo trong điều trị các triệu chứng của sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, để an toàn và hiệu quả cần phải sử dụng đúng liều lượng, trong thời gian cho phép (liều paracetamol được tính theo 10-15mg/kg/lần, lặp lại sau 4 – 6 tiếng).
Đối với các ca bệnh nặng và sốc do sốt xuất huyết bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các dung dịch cao phân tử và thuốc vận mạch.
Đồng thời người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn và sốt cao.
Sốt xuất huyết là một bệnh sốt siêu vi do virus gây ra, nên thuốc kháng sinh không hữu ích đối với bệnh nhiễm virus này. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp nhập viện, nếu phát hiện bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh
Phòng tránh mắc sốt xuất huyết tại nhà
Bên cạnh việc điều trị, phòng ngừa mắc bệnh cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả có thể tự thực hiện tại nhà như:
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp máng thoát nước thường xuyên, không để đọng nước, thả cá diệt lăng quăng.
- Mắc màn khi ngủ ngay cả ban ngày, bôi kem, mặc đồ dài tay, xịt muỗi, dùng hương muỗi phòng muỗi đốt
- Phối hợp với ngành y tế địa phương phun hóa chất phòng, chống dịch định kỳ
- Ăn uống đủ dinh dưỡng, và tập luyện thể dục thường xuyên.
- Khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.
Giải đáp một số câu hỏi về bệnh sốt xuất huyết
Khi nào được xác định là khỏi bệnh sốt xuất huyết?
Người bệnh sẽ nhận thấy các dấu hiệu sau đây:
- Các nốt xuất huyết mới không xuất hiện thêm.
- Sau hơn 7 ngày sốt không thấy các triệu chứng tăng, cơ thể đỡ mệt mỏi hơn.
- Sốt xuất huyết gây mất nước trầm trọng, khiến lượng nước tiểu tiết ra ít hơn so với bình thường. Nếu bạn thấy buồn tiểu, đi tiểu nhiều hơn, chứng tỏ cơ thể bạn không còn bị mất nước và sắp khỏi bệnh.
- Ăn ngon miệng, thèm ăn.
Sốt xuất huyết có lây không?
Sốt xuất huyết không lây trực tiếp qua đường hô hấp tiếp xúc giữa người với người, uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây nhiễm bệnh. Bênh này chỉ lây qua muỗi vằn đốt và hút máu người bệnh nhiễm virus truyền cho người khỏe mạnh. Do bệnh lây qua muỗi đốt vì vậy bạn có khả năng mắc bệnh khi ở trong ổ dịch hoặc người xung quanh mắc bệnh.
Sốt xuất huyết bị rồi có bị lại không?
Virus gây bệnh có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi, vì vậy một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 chủng virus khác nhau.
Đặc biệt năm nay có sự xuất hiện của chủng virus DEN-2 là chủng virus gây biến chứng nặng.
Xem thêm:
6 Triệu Chứng Sốt Xuất Huyết Trở Nặng Không Thể Không Biết
_____________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh