Một tuần tăng hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết (1) Các chuyên gia lưu ý khi trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm với các dấu hiệu như đau bụng, nôn ói, chảy máu cam, răng, ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, bỏ ăn… cha mẹ không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra. Virus sẽ lây truyền sang người và thâm nhập vào máu khi muỗi đốt. Ngược lại, nếu người bị muỗi đốt đã có sẵn virus Dengue do bị nhiễm trước đó, virus sẽ từ người truyền sang muỗi. Virus lây nhiễm từ người sang người do muỗi vằn là trung gian truyền bệnh.
Virus Dengue bao gồm 4 chủng là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo miễn dịch với chủng virus đó mà thôi. Chính vì thế, người đã từng mắc sốt xuất huyết Dengue vẫn có khả năng mắc bệnh với chủng virus khác.
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ:
Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp được điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).
Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh cần nhập viện điều trị).
Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải nhập viện điều trị cấp cứu), vì có thể dẫn tới sốc sốt xuất huyết Dengue, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, xuất huyết nặng, suy đa tạng.
Triệu chứng nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau, diễn biến nhanh và phức tạp qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn sốt
Giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, trẻ sẽ gặp hiện tượng trán nóng ran, sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 đến 40 độ C trong 2 – 5 ngày đầu.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác mà phụ huynh cần lưu ý như:
- Trẻ còn nhỏ bứt rứt, quấy khóc
- Sốt cao không giảm dù đã chườm ấm và uống thuốc hạ sốt
- Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn
- Xuất huyết dưới da: chảy máu mũi, phát ban, chảy máu chân răng, nổi phát ban, nổi mẩn trên da.
Giai đoạn nguy hiểm
Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, vào khoảng ngày thứ 3 – 7 sau khi mắc bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương khiến bụng bị chướng, thường kéo dài trong 24 – 48 giờ đầu, nếu thất thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, thậm chí tử vong.
Một số dấu hiệu dễ nhận biết trong giai đoạn này như:
- Vật vã, bứt rứt, lờ đờ
- Lạnh tay chân, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ
- Tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
- Xuất huyết dưới da, xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn.
- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu.
Lưu ý, xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, một số trường hợp có thể trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết.
Một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết nặng là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp.
Giai đoạn phục hồi
Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, các biểu hiện nhận biết của giai đoạn này gồm:
- Trẻ giảm sốt, tình trạng cải thiện
- Bắt đầu thèm thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều hơn.
- Khi xét nghiệm máu cho kết quả số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường.
Sốt xuất huyết ở trẻ có nguy hiểm không
Theo các chuyên gia, các trường hợp sốt xuất huyết trở nặng ở trẻ thường do nhập viện trễ. Vì vậy phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên cần được đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh để bệnh tiến triển nặng. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, cũng như cần tuân thủ lịch tái khám, không chủ quan khi thấy trẻ bớt sốt bởi tình trạng sốt có thể đột ngột trở nặng vào ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 của bệnh.
Những diễn tiến nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em gồm:
- Thoát huyết tương nặng đến sốc sốt xuất huyết
- Xuất huyết nặng
- Chảy máu cam nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, suy tạng nặng
- Suy gan cấp
- Suy thận cấp
- Suy giảm ý thức (sốt xuất huyết thể não)
- Viêm cơ tim, suy tim.
Điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em như thế nào?
Hiện nay sốt xuất huyết ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em chủ yếu tập trung vào việc điều trị các triệu chứng như hạ sốt, bù nước, truyền dịch,…
Trường hợp bệnh nhẹ có thể được chỉ định điều trị ngoại trú dưới sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ, phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Uống thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol đơn chất nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C; (2)
- Nếu trẻ sốt cao không thuyên giảm, có thể kết hợp cho trẻ uống paracetamol và lau người bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát
- Sốt cao kéo dài có thể dẫn đến mất nước vì vậy cần bù nước và chất điện giải bằng đường uống với nước sôi để nguội, nước cháo loãng, nước trái cây;
- Nên thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và tình trạng của trẻ.
Cần báo ngay cho bác sĩ nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc sốt cao liên tục không hạ.
Những việc không nên làm
Trong quá trình chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, phụ huynh không nên làm những điều sau:
Không tự ý cho trẻ sử dụng Aspirin hay Ibuprofen để hạ sốt khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây xuất huyết dạ dày.
Không cạo gió, không cho trẻ ăn những loại thực phẩm có màu đen / đỏ vì dễ gây nhầm lẫn với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, không tùy tiện truyền dịch cho trẻ tại nhà.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khi mắc sốt xuất huyết rất dễ diễn tiến nặng và nguy cơ nguy kịch do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Do đó, phụ huynh tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh tại nhà cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc, theo dõi, thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị.
(theo Ths.Bs. Nguyễn Thị Thủy
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh