Thành công sớm
Cuối năm 2013, cô N.T. Hà (45 tuổi) tìm đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Vạn Hạnh trong tình trạng khớp gối đã thoái hóa ở cấp độ 4 (buộc phải mổ thay khớp gối để giảm triệu chứng đau). Tuy nhiên, với mong muốn được giữ lại khớp gối của mình, cô Hà tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng điều trị bằng ghép tế bào gốc của nhóm nghiên cứu tại đây. Các bác sĩ đã hút khoảng 100cc mỡ bụng của người bệnh đem chiết xuất thu được chừng 3cc tế bào gốc. Tương tự, tiến hành rút khoảng 25cc máu bệnh nhân, thông qua máy chiết xuất thu được lượng huyết tương giàu tiểu cầu khoảng 3cc. Sau đó trộn đều 3cc tế bào gốc với 3cc huyết tương giàu tiểu cầu, dùng tiêm vào khớp gối thoái hóa.
Tư vấn điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc tại BV Đa khoa Vạn Hạnh.
Thạc sĩ – bác sĩ Trần Đặng Xuân Tùng, Khoa Chấn thương chỉnh hình – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, người trực tiếp điều trị bệnh nhân N. T. Hà, cho biết: Kết quả không ngờ, chỉ 2 tuần sau khi tiêm tế bào gốc, cô Hà đã không còn cảm giác đau ở vùng khớp. Hơn 3 tháng sau đó, cô vận động trở lại một cách bình thường mà không cần đến sự trợ giúp của xe lăn. Quá trình phục hồi khớp của cô được tiếp diễn và cho đến nay, sau hơn 18 tháng điều trị theo dõi, kết quả khám lâm sàng không phát hiện các biến chứng.
Theo bác sĩ Tùng, bệnh thoái hóa khớp diễn ra theo nhiều cấp độ. Phương pháp chữa bệnh cũng tùy thuộc vào độ nặng của bệnh. Độ 1 nhẹ nhất, bệnh nhân chưa đau nhiều thì dùng thuốc uống. Bệnh nhân thoái hóa mức độ 4 thì khớp gối đã bị biến dạng, phải mổ thay khớp thì mới có thể cải thiện các triệu chứng đau và ảnh hưởng tới sinh hoạt, nhưng khớp gối nhân tạo chỉ có tuổi thọ là 15 – 20 năm, tỷ lệ biến chứng cao, chi phí lớn nên không phải bệnh nhân nào cũng có khả năng chấp nhận phẫu thuật. Ngược lại, phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc lại đang cho thấy mức độ hiệu quả vượt trội so với các phương pháp chữa trị còn lại.
Sau bệnh nhân Hà, nhóm nghiên cứu đã đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng (có đối chứng) trên 16 bệnh nhân khác. Điều đặc biệt, tất cả trường hợp chữa trị đều cho kết quả tốt, các bệnh nhân có mức thời gian giảm đau nhanh, sớm sinh hoạt bình thường trở lại.
Triển vọng từ tế bào gốc
Theo TS Phạm Văn Phúc, Phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, từ năm 2012, phòng thí nghiệm và các bác sĩ BV Đại học Y Dược TPHCM đã thử nghiệm lâm sàng ghép tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp trên 37 bệnh nhân tại TPHCM. Kết quả lâm sàng sau trung bình 20 tháng (từ 15 tháng đến 29 tháng), theo dõi cho thấy có cải thiện về mặt chức năng và thang điểm đau; hình ảnh học MRI với hình ảnh lớp sụn bị tổn thương dày lên. Không có các biến chứng liên quan đến thủ thuật như nhiễm trùng hay các biến chứng về thải ghép hay sinh ung. Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó bị tạm dừng do Bộ Y tế đưa ra các quy định mới về nghiên cứu lâm sàng.
Đến đầu năm 2013, Bộ Y tế đã cho phép nhóm nghiên cứu (gồm các bác sĩ của BV Đa khoa Vạn Hạnh, BV Nhân dân 115, Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc – Trường ĐH KHTN TPHCM) thực hiện đề tài cấp nhà nước “Ghép tế bào gốc từ mô mỡ và PRP trong điều trị thoái hóa khớp gối” trên 16 bệnh nhân. Bệnh nhân được điều trị đạt tỷ lệ giảm đau 100%, tăng biên độ vận động của khớp sau điều trị. Dự kiến sau một tháng nữa, Bộ Y tế sẽ đưa ra hội đồng đánh giá hiệu quả phương pháp này. Nếu được đưa vào ứng dụng sẽ tạo bước ngoặt lớn trong chuyên ngành điều trị bệnh xương khớp ở Việt Nam.
Cũng theo TS Phạm Văn Phúc, tại một số nước có nền y học phát triển như Hàn Quốc, Singapore hay các nước châu Âu, phương pháp ứng dụng tế bào gốc đã được ứng dụng đại trà. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là mức giá mỗi lần điều trị hơn 200 triệu đồng. Trong khi ở Việt Nam, giá trung bình mỗi ca điều trị vào khoảng 50 triệu đồng. “Sở dĩ mức giá ở Việt Nam rẻ hơn bởi nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ chiết tách tế bào gốc từ mô mỡ. Hiện công nghệ này đã được phát triển thành các bộ kít và tiến hành thương mại hóa. Mức giá rẻ mang lại cơ hội nhiều hơn cho các bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối tại Việt Nam”, ông Phúc nhấn mạnh.
TPHCM hiện có 20 đơn vị tham gia nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, trong đó có 26 giáo sư, tiến sĩ; đã thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, bộ, sở, cấp cơ sở. Tháng 8-2014, Hội Tế bào gốc TPHCM được thành lập và chịu sự quản lý của Sở KH-CN TPHCM. Sự kiện đánh dấu bước phát triển trong việc đưa những nghiên cứu tế bào gốc với tiềm năng ứng dụng to lớn đến gần hơn với thực tiễn đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực y học.
Báo Sài Gòn Giải Phóng
theo https://www.sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2015/7/388610/